Đề xuất mới với nội dung đề ra "Khu vực quá cảnh nhân đạo" cho Gaza

Admin
Theo Reuters, kế hoạch này mô tả các khu trại có "quy mô lớn" và mang tính "tự nguyện", là nơi người dân Gaza có thể "tạm thời cư trú, phi cực đoan hoá, tái hoà nhập và chuẩn bị tái định cư nếu họ mong muốn".
Visual story on the ordeal Gazans endure to get food under new aid distribution programme in Rafah

Ảnh: REUTERS/Phóng viên tự do/Ảnh tài liệu

Đề xuất mà Reuters tiếp cận được, có nêu tên một tổ chức cứu trợ được Mỹ hậu thuẫn gây nhiều tranh cãi, đã mô tả kế hoạch xây dựng các trại quy mô lớn gọi là “Khu quá cảnh nhân đạo” bên trong (có thể cả bên ngoài) Dải Gaza để làm nơi ở cho người dân Palestine, đồng thời vạch ra viễn cảnh “thay thế quyền kiểm soát của Hamas đối với dân cư ở Gaza.”

Hai nguồn tin nội bộ cho biết, kế hoạch có chi phí 2 tỷ USD này đã được thành lập vào khoảng ngày 11/2/2025, có nêu tên tổ chức Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) do chính phủ Mỹ hậu thuẫn và đã được đệ lên chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một nguồn tin trong đó cho biết, kế hoạch này gần đây đã là chủ đề thảo luận tại Nhà Trắng.

Theo Reuters, kế hoạch này mô tả các khu trại có "quy mô lớn" và mang tính "tự nguyện", là nơi người dân Gaza có thể "tạm thời cư trú, phi cực đoan hoá, tái hoà nhập và chuẩn bị tái định cư nếu họ mong muốn".

Tháng 5 tờ The Washington Post đã đưa tin về kế hoạch xây dựng khu nhà ở cho thường dân Palestine của GHF.

Tài liệu mà Reuters thu thập được đi sâu vào chi tiết các "Khu vực quá cảnh nhân đạo", bao gồm cách những khu vực này được vận hành và chi phí xây dựng.

Tài liệu đề xuất cơ sở này cần "nhận được sự tin tưởng từ người dân địa phương" và thực hiện "viễn cảnh cho Gaza" của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Reuters chưa thể xác nhận tình trạng hiện tại của kế hoạch, người soạn thảo và đề xuất kế hoạch, hay khả năng kế hoạch này đang được cân nhắc.

Khi trả lời các câu hỏi do Reuters đặt ra, tổ chức GHF đã phủ nhận việc đề xuất kế hoạch này và khẳng định các tài liệu trình bày "không phải tài liệu của GHF". GHF cho biết đã nghiên cứu "hàng loạt các phương án mang tính lý thuyết để có thể cung cấp hàng cứu trợ tới Gaza một cách an toàn", nhưng tổ chức này "không có kế hoạch xây dựng hay vận hành các Khu vực quá cảnh nhân đạo (HTA)".

Ngược lại, tổ chức này khẳng định chỉ tập trung vào phân phối lương thực tại Gaza.

Một phát ngôn viên của SRS, một tổ chức hoạt động vì lợi nhuận được ký hợp đồng với GHF, cho biết: "Chúng tôi chưa có thảo luận nào với GHF về các Khu vực quá cảnh nhân đạo, và kế hoạch cho ‘giai đoạn tiếp theo’ của chúng tôi chỉ đơn giản là cung cấp lương thực cho nhiều người hơn nữa. Mọi khẳng định ngược lại đều là sai lầm và cố tình trình bày sai lệch hoạt động của chúng tôi".

Lo ngại về tái định cư ép buộc

Trong ngày 4/2/2025, ông Trump đã lần đầu tiên công khai cho rằng chính phủ Mỹ nên "tiếp quản" khu nội phận bị chiến tranh tàn phá này và tái kiến thiết nó thành "Riviera của Trung Đông" sau khi tái định cư dân số 2,3 triệu người Gaza tới khu vực khác.

Những bình luận này của ông Trump đã gây phẫn nộ trong nhiều người Palestine và các tổ chức nhân đạo về khả năng xảy ra ép buộc tái định cư đối với người Gaza. Ngay cả khi đề xuất của GHF không được cân nhắc, chỉ riêng ý tưởng tái định cư lượng lớn người dân Gaza vào các khu trại cũng đã góp phần khiến những lo ngại này trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhà Trắng chưa phản hồi các yêu cầu bình luận.

Một nguồn tin cho biết, tài liệu trình bày có nội dung mô tả đề xuất này đã được đệ lên đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem trong đầu năm nay.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối bình luận. Một quan chức cấp cao cho biết: "Không có kế hoạch nào như vậy đang được cần nhắc. Ngoài ra, không có tài nguyên nào được đầu tư vào mục đích đó".

Nguồn tin có liên quan tới dự án này cho biết, đề xuất không được xúc tiến do thiếu đầu tư. Reuters trong thời gian vừa rồi đã có đưa tin về việc GHF đã cố mở một tài khoản ngân hàng tại Thuỵ Sĩ để thu hút các khoản quyên góp, tuy nhiên UBS và Goldman Sachs đã từ chối hợp tác với tổ chức này.

Đại sứ quán Israel tại Mỹ đã từ chối yêu cầu bình luận.

Ismail Al-Thawabta, lãnh đạo cơ quan truyền thông của chính quyền Hamas cho biết, tổ chức này "dứt khoát" từ chối công nhận GHF, khẳng định tổ chức "không phải là tổ chức cứu trợ mà là một công cụ an ninh và tình báo dưới tay phe chiếm đóng Israel, hoạt động dưới mặt nạ tổ chức nhân đạo".

Các khu trại "quy mô lớn"

Tài liệu trình bày có chứa các hình ảnh nêu ngày chụp là 11/2/2025, cho biết GHF đang "nỗ lực kêu gọi" nguồn đầu tư 2 tỷ USD cho dự án này, để "xây dựng, bảo vệ và vận hành các Khu vực quá cảnh nhân đạo quy mô lớn trong và có thể là ngoài lãnh thổ Gaza để người dân địa phương có thể cư trú trong khi Gaza được giải giáp và tái kiến thiết".

Hai nguồn tin liên quan tới dự án cho biết, các Khu vực quá cảnh nhân đạo sẽ là bước tiếp theo trong kế hoạch sau khi GHF hoàn thiện bước mở các điểm phân phối lương thực cứu trợ vào cuối tháng 5.

GHF phối hợp với quân đội Israel và sử dụng các công ty tư nhân về an ninh và hậu cần của Mỹ để đưa lương thực cứu trợ vào Gaza. Tổ chức này được chính quyền Tổng thống Trump và chính phủ Israel hậu thuẫn trong hoạt động thực hiện các sứ mệnh nhân đạo tại Gaza, thay vì hệ thống do Liên Hợp Quốc (LHQ) vận hành.

Trong tháng 6/2025, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp 30 triệu USD nguồn đầu tư cho GHF và kêu gọi các quốc gia khác hỗ trợ tổ chức này.

LHQ đã nhận định hoạt động của GHF là "không an toàn từ bước cơ bản" và vi phạm các nguyên tắc công bằng về nhân đạo. Văn phòng nhân quyền của LHQ cho biết đã ghi nhận 613 vụ thương vong tại các điểm phân phát hàng cứu trợ của GHF và gần các đoàn xe do các tổ chức cứu trợ khác bao gồm LHQ vận hành.

Một trang trong tài liệu trình bày cho biết mỗi khu trại có thể bắt đầu vận hành trong vòng 90 ngày kể từ khi bắt đầu dự án và có sức chứa cho 2.160 người, cùng với khu vực giặt giũ, phòng nghỉ, phòng tắm và khu trường học.

Một nguồn tin trong dự án này cho biết tài liệu trình bày là một phần trong quá trình lên kế hoạch bắt đầu từ năm 2024 và đề ra viễn cảnh xây dựng 8 khu trại, mỗi khu trại có thể chứa hàng trăm ngàn người Palestine.

Đề xuất này không đề cập về phương pháp tái định cư người Palestine vào các khu trại, hay về việc các khu trại có thể được xây dựng ngoài Gaza. Tuy nhiên, một bản đồ có chứa các mũi tên chỉ vào Ai Cập và Cyprus cũng như những địa điểm khác với dòng chữ "các địa điểm bổ sung?".

Đề xuất này cho biết GHF sẽ "giám sát và điều hành các hoạt động dân sự cần thiết trong việc xây dựng, phi cực đoan hoá và tái định cư tự nguyện tạm thời".

Phản hồi các câu hỏi từ Reuters, ba chuyên gia về nhân đạo đã thể hiện sự quan ngại về một số chi tiết trong kế hoạch xây dựng các khu trại này.

Jeremy Konyndyk, Giám đốc tổ chức Refugees International và cựu thành viên cấp cao của Cơ quan Phát triển Quốc tế của chính phủ Mỹ sau khi nghiên cứu kế hoạch này đã cho biết: "Không có thứ gọi là tái định cư tự nguyện đối với một nhóm dân số đã bị đánh bom liên tục trong gần hai năm qua và bị cắt đứt nguồn hàng cứu trợ cần thiết".

Nguồn tin có liên quan tới hoạt động lên kế hoạch xây dựng các khu trại này cho biết mục tiêu của kế hoạch là "loại bỏ nỗi sợ khỏi người dân Gaza", cho phép họ "trốn thoát khỏi sự điều khiển của Hamas", và cung cấp "một khu vực an toàn để họ có thể sống cùng gia đình".

Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)