Đề xuất quy định về thẩm quyền, tổ chức các Tòa chuyên trách

Admin
(Chinhphu.vn) - Dự thảo Thông tư của Tòa án nhân dân tối cao đề xuất quy định về thẩm quyền của 5 Tòa chuyên trách (gồm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa gia đình và người chưa thành niên) cũng như quy định cụ thể việc tổ chức các Tòa chuyên trách này tại Tòa án nhân dân các cấp.
Đề xuất quy định về thẩm quyền, tổ chức các Tòa chuyên trách- Ảnh 1.

Quang cảnh một phiên xét xử tại Tòa án

Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Thông tư quy định việc tổ chức các Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

Theo dự thảo, việc tổ chức Tòa chuyên trách phải bảo đảm nguyên tắc: Bảo đảm chuyên môn hóa việc giải quyết, xét xử của Tòa án theo từng lĩnh vực xét xử; trường hợp tại Tòa án không tổ chức Tòa chuyên trách thì phải bố trí Thẩm phán Tòa án nhân dân chuyên trách để giải quyết. Tổ chức các Tòa chuyên trách bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bảo đảm điều kiện, trình tự, thủ tục đề nghị tổ chức Tòa chuyên trách theo quy định.

Thẩm quyền của các Tòa chuyên trách

Dự thảo thông tư quy định cụ thể thẩm quyền của các Tòa chuyên trách:

1. Tòa Hình sự xét xử các vụ án hình sự, trừ các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa gia đình và người chưa thành niên; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân trong trường hợp tại Tòa án đó không tổ chức Tòa xử lý hành chính, trừ trường hợp việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

2. Tòa Dân sự giải quyết các vụ án, vụ việc dân sự.

3. Tòa Kinh tế giải quyết các vụ án, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động, phá sản.

4. Tòa Hành chính giải quyết các vụ án hành chính.

5. Tòa gia đình và người chưa thành niên giải quyết các vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi; hoặc các vụ án hình sự mà bị cáo là người đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác; xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đối với người chưa thành niên; các vụ án, vụ việc hôn nhân gia đình theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Dự thảo cũng nêu rõ, trường hợp tại các Tòa án không tổ chức Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính thì các vụ án, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động, phá sản; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Dân sự.

Tổ chức Tòa chuyên trách

Về tổ chức Tòa chuyên trách, dự thảo Thông tư nêu rõ: Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng có Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên.

Việc tổ chức Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thực hiện như sau:

a) Đối với các Tòa án nhân dân cấp tỉnh có quy mô đặc biệt lớn được tổ chức 05 Tòa chuyên trách gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính.

b) Đối với các Tòa án nhân dân cấp tỉnh có quy mô lớn được tổ chức 04 Tòa chuyên trách gồm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa Hành chính.

c) Đối với các Tòa án nhân dân cấp tỉnh có quy mô vừa và nhỏ được tổ chức 03 Tòa chuyên trách gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính.

Cũng theo dự thảo, việc tổ chức Tòa chuyên trách tại Tòa án nhân dân cấp huyện được thực hiện như sau:

a) Đối với Tòa án nhân dân cấp huyện có quy mô đặc biệt lớn được tổ chức 03 Tòa chuyên trách gồm: Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên.

b) Không tổ chức Tòa chuyên trách tại các Tòa án nhân dân cấp huyện khác.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Nước Nước