Sáng 24/4, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HoSE: TPB) đã diễn ra với sự tham gia của 120 cổ đông, đại diện cho 1,7 tỷ cổ phần, chiếm 67,64% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của ngân hàng.
Mục tiêu lợi nhuận 9.000 tỷ đồng
Phát biểu tại Đại hội, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank cho biết, năm 2024, ngân hàng đã đạt 14,1 triệu khách hàng dựa trên nền tảng phát triển ngân hàng số, hệ số CAR tăng thêm bốn bậc, từ vị trí thứ 9 trên tổng số 28 ngân hàng thương mại tiến vào top 5.
Năm 2024, ngân hàng hoạt động hiệu quả, tỉ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm từ 41% xuống xấp xỉ 35%. Đây là nỗ lực lớn của toàn thể cán bộ công nhân viên ngân hàng cũng như sự đồng hành chia sẻ của cổ đông, hướng tới hoạt động minh bạch hiệu quả, bảo đảm hoạt động kiểm soát rủi ro tốt nhất.
Bước sang năm 2025, ông Phú đánh giá đây là một năm vô cùng thách thức. "Chưa bao giờ thế giới đứng trước sự phân hoá, đối đầu thương chiến như hiện nay. điều đó theo nhiều hệ luỵ, tạo ra thách thức đối với nền kinh tế mở như Việt Nam, đặc biệt là thách thức với ngân hàng sẽ lớn hơn.

Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Hội đồng quản trị TPBank phát biểu tại Đại hội.
Chính vì vậy, ngay từ đầu năm ngân hàng đặt mục tiêu đổi mới toàn diện về cơ cấu tổ chức, quy trình quy định, hoạt động ngân hàng số, phương thức kinh doanh nhằm tối ưu hoá, nâng cao hoạt động, ứng dụng công nghệ thông tin toàn hệ thống.
Ban lãnh đạo TPBank dự kiến trình đại hội thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2024.
Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản năm 2025 dự kiến đạt 450.000 tỷ đồng, tăng 7,6%. Huy động vốn dự kiến tăng 12,3% lên 420.000 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế tăng 20% lên 313.750 tỷ đồng, chỉ tiêu này cần phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Đồng thời, kiểm soát tỉ lệ nợ xấu dưới mức 2,5%.
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, TPBank dự kiến đẩy mạnh các sản phẩm cho vay bất động sản, ô tô và kinh doanh, với chiến lược đổi mới nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Đồng thời ông Phú cho biết, TPBank tiếp tục chủ trương tham gia tái cơ cấu Công ty tài chính cổ phần Handico (Hafic) để ngân hàng có công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng và hiện vẫn đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Tăng vốn điều lệ lên hơn 27.740 tỷ đồng
Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến trình cổ đông xem xét về phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt và phương án tăng vốn điều lệ năm 2025 qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Theo đó, sau khi xét thấy hoạt động kinh doanh của ngân hàng ổn định, có bề dày và phát triển an toàn, lành mạnh cũng như để gia tăng lợi ích cho các cổ đông đã đồng hành cùng TPBank trong suốt thời gian qua, Hội đồng quản trị ngân hàng trình cổ đông xem xét thông qua phương án trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2025.
Cụ thể, TPBank đề xuất chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (1 cổ phiếu nhận được 1.000 đồng). Nguồn chi trả là từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán.
Thời gian thực hiện là sau khi được ĐHĐCĐ phê duyệt, HĐQT sẽ quyết định thời gian thực hiện cụ thể, đảm bảo phù hợp với quy định.
Bên cạnh đó, trên cơ sở tình hình kinh doanh thực tế, nhằm mục đích mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh theo lộ trình chiến lược, đảm bảo đáp ứng tốt các chỉ tiêu an toàn hoạt động, quản trị rủi ro, nâng cao năng lực tài chính;
Đồng thời tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu TPB, mang lại giá trị tối ưu cho cổ đông, TPBank cũng dự kiến phát hành tối đa hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỉ lệ thực hiện 5% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 5 cổ phiếu).
Mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá tối đa là gần 1.321 tỷ đồng. Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo BCTC hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán.
Hiện nay mức vốn điều lệ của TPBank đang ở mức gần 26.420 tỷ đồng, nếu hoàn thành phương án phát hành trên, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng tối đa gần 1.321 tỷ đồng, lên hơn 27.740 tỷ đồng.
Số vốn được tăng thêm dự kiến được sử dụng cho mục đích đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, bổ sung vốn trung dài hạn để phục vụ hoạt động kinh doanh; bổ sung vốn hoạt động cho ngân hàng, phát triển dịch vụ và các hoạt động phi tín dụng.
Đây là đã là năm thứ ba liên tiếp TPBank thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trước đó, năm 2024 ngân hàng cũng đã chi trả cổ tức 25% bằng tiền và cổ phiếu. Năm 2023, TPBank chi trả cổ tức bằng tiền mặt lên tới 25% và cổ phát hành gần 620 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông tỉ lệ 39,19%.
Vừa qua, TPBank đã cập nhật danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Theo đó quỹ ngoại PYN Elite Fund (NON-UCITS) không còn là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng theo thông tin cung cấp bởi cổ đông cập nhật vào ngày 17/4/2025.
Trước đó ngày 2/4, quỹ này đã có động thái giảm sở hữu tại ngân hàng xuống còn hơn 56,7 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ sở hữu vốn 2,15%.