Làng nghề vào vụ
Những ngày này, thôn Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), nơi vẫn duy trì nghề sản xuất đồ chơi Trung thu truyền thống cho trẻ em luôn tất bật không khí vào vụ. Nghề làm đồ chơi Trung thu ở thôn Ông Hảo đã có từ lâu đời.
Ông Vũ Huy Đông cho biết, nhà ông đã 3 đời làm nghề sản xuất đồ chơi Trung thu truyền thống và ông đã gắn bó với công việc này ngót nghét 40 năm. Các sản phẩm của gia đình được nhiều người biết đến nhờ đa dạng mẫu mã, sáng tạo và “có hồn” riêng. Ngoài những sản phẩm quen thuộc như trống, đầu lân, mặt nạ giấy bồi hình tễu nam, tễu nữ, ông địa, các con vật trong 12 con giáp…, ông Đông còn sáng tạo ra những hình dáng như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, cô Tiên và nhiều hình thù độc đáo khác. Năm nay, ông Đông sản xuất thêm các sản phẩm trống các loại cung cấp ra thị trường.
Đồ chơi mặt nạ, giấy bồi được gia đình ông Đông bán buôn với giá 15-20 nghìn đồng/chiếc, trống là 40-100 nghìn đồng/chiếc tùy từng loại. Các sản phẩm của gia đình phân phối đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước và các tỉnh lân cận, trong đó chủ yếu là Hà Nội.
Cách nhà ông Đông không xa, gia đình bà Vũ Thị Là, một trong những hộ sống bằng nghề làm trống gia truyền. Bà Là với gần hơn 30 năm trong nghề làm trống gỗ chia sẻ, đây là nghề truyền thống của làng cũng như trong gia đình nên bà rất trân trọng và mong muốn gìn giữ, tiếp tục truyền lại cho con cháu. Tại cơ sở sản xuất trống gỗ của ông Vũ Duy Ninh, người cũng có thâm niên khoảng 40 năm gắn bó với nghề cũng đang tất bật để hoàn thiện những chiếc trống phục vụ người dân vui Tết Trung thu.
Hai năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên sức mua giảm mạnh. Gia đình ông Đông, ông Ninh, bà Là cũng như nhiều hộ sản xuất khác đều gặp phải nhiều khó khăn, vất vả. Ông Đông cho biết, thời gian 2 năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, gia đình chỉ bán được 30% số lượng sản phẩm so với mọi năm. Mùa Trung thu năm nay, cuộc sống quay trở về quỹ đạo bình thường mới, gia đình ông Đông đang tất bật sản xuất đồ chơi phục vụ nhu cầu của người dân. Cứ tháng 6, tháng 7 âm lịch hàng năm khách hàng bắt đầu nhập sản phẩm từ cơ sở sản xuất của ông bà về bán. Tính từ đầu vụ đến nay, gia đình ông Đông đã bán ra thị trường khoảng 8.000 chiếc mặt nạ giấy bồi, 5.000 cái trống. Còn các hộ gia đình khác cũng ngày đêm miệt mài làm hàng, đóng hàng để kịp giao cho khách vì nhu cầu vui chơi đã quay trở lại nên số lượng đặt hàng cũng tăng lên gấp 3, gấp 4 lần so với 2 năm qua.
Đa dạng đồ chơi Trung thu từ truyền thống đến hiện đại
Càng gần đến Tết Trung thu, trên khắp các tuyến phố Hàng Mã, Hàng Rươi, Hàng Lược… ở khu phố cổ Hà Nội, hay các gian hàng ở các chợ truyền thống, chợ online, đã thấy không khí rộn ràng người mua, người bán các mặt hàng đồ chơi cho trẻ em, đồ trang trí sắc màu rực rỡ.
Tại phố Hàng Mã, chị Trần Thị Hiền (ở quận Hoàng Mai) đang ngắm nghía chọn mua đèn ông sao, đèn lồng, mặt nạ giấy và trống cho biết: “Năm nào tôi cũng mua cho 2 con mấy đồ chơi truyền thống này, vừa để con được biết nét văn hóa Việt, vừa để chính mình ôn lại những ký ức của tuổi thơ đẹp đẽ. Các mặt hàng này có hình thức đẹp, vừa tiền, để trang trí cho gia đình thêm ấm áp”.
Bên cạnh các đồ chơi truyền thống, còn có rất nhiều những đồ chơi hiện đại với mẫu mã đa dạng. Theo chị Nguyễn Thị Thu, người bán hàng cho biết, các mặt hàng Trung Quốc vừa đa dạng mẫu mã, chủng loại, giá lại rẻ, dễ lựa chọn hơn so với hàng Việt. Giá các mặt hàng năm nay nhỉnh hơn so với năm ngoái từ 10-20% bởi chi phí nguyên vật liệu tăng.
Như mọi năm, lồng đèn giấy bán sỉ 3.000-4.000 đồng/chiếc, năm nay tăng lên 7.000-8.000 đồng/chiếc. Lồng đèn hình thú được làm từ khung tre và giấy kiếng có giá từ 50.000 đồng/chiếc. Lồng đèn bán khá chạy là loại mini hình chiếc thuyền, các nhân vật hoạt hình… giá từ 30.000-50.000 đồng/chiếc. Lồng đèn kích cỡ lớn có giá từ 100.000 đến 300.000 đồng/chiếc.
Cùng với các quầy hàng bán trực tiếp thì năm nay đồ chơi Trung thu cũng được bán nhiều trên các chợ mạng, bán hàng online với các loại sản phẩm đa dạng về chủng loại, màu sắc và giá bán từ vài nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên cân nhắc khi chọn mua cho trẻ nhỏ sao cho đồ chơi vừa mang tính chất giải trí, vừa mang ý nghĩa giáo dục văn hóa.
HÀ LAN - HOÀNG NGUYÊN