Doanh nghiệp Việt phải quyết liệt đổi mới để tăng trưởng xanh và bền vững

Admin
Theo ông Lê Việt Anh, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một định hướng rất quan trọng cho kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo.

Dồn sức cho tăng trưởng xanh nền kinh tế

Chia sẻ tại Tọa đàm "Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tăng trưởng xanh là một định hướng hết sức quan trọng cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Theo đó Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021-20230 và tầm nhìn đến năm 2025, đồng thời Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Các bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành hoặc lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mình.

Doanh nghiệp Việt phải quyết liệt đổi mới để tăng trưởng xanh và bền vững- Ảnh 1.

Ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Ảnh: VGP)

"Điều đó cho thấy Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một định hướng rất quan trọng cho kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Tất cả các bên liên quan đều có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia vào tiến trình tăng trưởng xanh của nền kinh tế quốc gia", ông Lê Việt Anh nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Quách Quang Đông - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương chia sẻ, hiện nay Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ireland…

Những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này đều có cam kết về tỉ lệ xóa bỏ những thuế quan nhập khẩu đối với những nước tham gia Hiệp định có thể lên đến 100%.

"Điều này sẽ tạo ra thách thức đối với những nước phát triển trong việc bảo vệ nền sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh về giá thành sản xuất từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vốn có lợi thế về giá nhân công thấp hơn, về chi phí năng lượng thấp hơn cũng như những tiêu chuẩn về môi trường", ông Quách Quang Đông đề cập.

Doanh nghiệp Việt phải quyết liệt đổi mới để tăng trưởng xanh và bền vững- Ảnh 2.

Ông Quách Quang Đông - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương (Ảnh: VGP)

Tuy nhiên, song hành với quá trình này, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững nhận định các DN Việt Nam cũng phải quyết liệt đổi mới tư duy, đổi mới chiến lược để đáp ứng những yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

"Nghĩa là phải lưu ý các yếu tố liên quan đến chất lượng hàng hóa và những tiêu chuẩn về môi trường và chúng ta phải tuân thủ luật chơi của các nước phát triển. Phải tranh thủ những lợi thế quốc gia như chi phí nhân công vẫn đủ ở mức cạnh tranh được", ông Quách Quang Đông giải thích.

Tại Tọa đàm, ông Đông cũng thông tin thêm Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp như chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2019-2030, Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, giai đoạn 2021-2030 cũng như Kế hoạch ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh đến năm 2030 có tính đến năm 2050.

Các chương trình này nhằm hỗ trợ các DN chuyển đổi theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nguyên nhiên liệu, năng lượng cũng như tiến đến phát thải thấp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ

Cũng trong khuôn khổ Tọa đàm, ông Nguyễn Hùng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết năm 2024, GDP của tỉnh Hưng Yên ước tăng 8,17% và tính cả giai đoạn 2021-2025 ước tăng 9,69%.

Đồng thời, thu ngân sách tỉnh Hưng Yên đạt 39.446 tỷ đồng, hoàn thành 120% kế hoạch. Năm 2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hưng Yên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố; chỉ số xanh xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố.

Năm 2024, Hưng Yên thu hút đầu tư ước đạt 25.751 tỷ đồng và 801 triệu USD. Trong đó có 138 dự án đầu tư mới nâng tổng số dự án trên địa bàn tỉnh lên 2.328 dự án.

Để có được những kết quả trên, ông Nguyễn Hùng Nam cho biết Hưng yên đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách khác nhau. Cụ thể là đồng bộ về cơ sở hạ tầng để tạo sự hấp dẫn, thu hút đầu tư, tỉnh đã tập trung thực hiện các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Tập trung triển khai các khu, cụm công nghiệp; Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông suốt; Phát triển hệ thống cấp nước, cấp điện và các hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc và hoàn thiện các hệ thống hạ tầng dân cư - xã hội.

Doanh nghiệp Việt phải quyết liệt đổi mới để tăng trưởng xanh và bền vững- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hùng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên (Ảnh: VGP).

Đồng thời cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Vì là một tỉnh có diện tích không lớn nên Hưng Yên rất quan tâm đến việc lựa chọn nhà đầu tư.

"Về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh chủ động hướng dẫn người dân đổi mới phương thức canh tác để hoàn thiện; giảm cường độ phác thải khí nhà kính. Đến nay, chúng tôi đã chứng nhận cho 305 mô hình trồng trọt và 113 mô hình chăn nuôi, 23.000 mô hình thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP", ông Nam cho biết thêm.

Ngoài ra, Hưng Yên đang từng bước thúc đẩy đô thị hóa theo hướng thông minh, bền vững và có năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu. Trong chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021 – 2025 của chúng tôi có đề xuất các dự án phục vụ phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

"Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục, tích cực chỉ đạo chuyển dịch nền kinh tế nâu sang xanh với quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững đồng thời bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên môi trường, thiên nhiên theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên bày tỏ quyết tâm.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam chia sẻ Nestlé là công ty sản xuất thực phẩm rất lớn, luôn quan tâm đến việc thực phẩm sản xuất ra mang tính bền vững, chính vì thế Nestlé đặt vấn đề phát triển bền vững ở tầm quan trọng, ưu tiên cao.

Doanh nghiệp Việt phải quyết liệt đổi mới để tăng trưởng xanh và bền vững- Ảnh 4.

Ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam (Ảnh: VGP).

Trong những năm qua, Nestlé đã mở một số dự án mới ở Hưng Yên, Đồng Nai và một số địa phương khác tại Việt Nam. Những dự án luôn tính đến tính bền vững trong chuỗi giá trị của tất cả sản phẩm.

Về những hoạt động đầu tư cho phát triển bền vững ở Việt Nam, Nestlé đã hỗ trợ hàng trăm nghìn hộ gia đình trồng cà phê để bảo đảm rằng việc canh tác cà phê sẽ sử dụng lượng phân bón hóa học, lượng thuốc trừ sâu tối thiểu cũng như chúng tôi có chiến lược cố gắng giảm 20% thuốc trừ sâu, giảm 20% lượng nước sử dụng cho cây cà phê.

Bên cạnh đó, Nestlé cũng tiết kiệm lượng nước sử dụng ở tất cả nhà máy của mình. Trong 3 năm vừa qua, Nestlé là một trong những công ty hiếm hoi ở Việt Nam nhận được chứng chỉ của tổ chức Water Stewardship cho những giải pháp tiết kiệm nước. Hiện nay doanh nghiệp thực hiện 100% trung hòa về nước, có nghĩa là hoàn toàn có thể tái chế nước đã qua sử dụng.

Việt Nam thúc đẩy sáng tạo số vì mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững[E] Cần nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, doanh nghiệp trong tăng trưởng xanh

Đồng thời 95% bao bì của Nestlé lưu hành trên thị trường đều được thu mua lại để có thể tái chế, tái sử dụng.

"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa hài lòng với kết quả đó, chúng tôi luôn muốn trở thành doanh nghiệp hàng đầu và mong muốn tìm kiếm được những cách thức để có thể tái chế, tái sử dụng bao bì, phụ phẩm", ông Binu nhấn mạnh.

Một sáng kiến nữa là Nestlé tìm cách cắt giảm năng lượng bằng cách sử dụng các nồi hơi sinh khối… Doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ cũng như UBND các địa phương để có thể hỗ trợ cho Việt Nam trong quá trình đạt cam kết về Net Zero.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là Nestlé rất quan tâm tới việc có lối sống lành mạnh. Mỗi năm, Nestlé tổ chức các hoạt động thu hút hơn 500.000 trẻ em tham gia vào các hoạt động thể chất.

"Chúng tôi cũng hỗ trợ rất nhiều việc đào tạo, tập huấn cho phụ nữ nông thôn. Chúng tôi đã hỗ trợ chương trình đào tạo cho 1,7 triệu phụ nữ nông thôn để giúp họ cải thiện kiến thức, kỹ năng làm việc", Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết.