Độc đáo 'cầu ngói' Bình Vọng

Hoàng Huyền
Mang lối kiến trúc đặc trưng kiểu “thượng gia hạ kiều” - trên là nhà, dưới là cầu, cầu ngói Bình Vọng có lẽ cũng có niên đại tương đồng với đình Bình Vọng, nhưng do chiến tranh nên đã bị phá hủy vào những năm 1940. Sau này, cầu được người dân phục dựng.

Đình làng Bình Vọng (xã Văn Bình, huyện Thường Tín) được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII và nằm liền kề với chùa Báo Quốc. Cụm di tích này có khung cảnh thanh bình kiểu làng quê Bắc Bộ truyền thống với ao đình, vườn muỗm, đặc biệt là cây cầu ngói độc đáo.

Độc đáo 'cầu ngói' Bình Vọng-dulichgiaitri.vn

Mang lối kiến trúc đặc trưng kiểu “thượng gia hạ kiều” - trên là nhà, dưới là cầu, cầu ngói Bình Vọng có lẽ cũng có niên đại tương đồng với đình Bình Vọng, nhưng do chiến tranh nên đã bị phá hủy vào những năm 1940. Sau này, cầu được người dân phục dựng.

Qua cổng tam quan của cụm di tích, du khách sẽ lạc vào không gian rợp mát của vườn muỗm cổ thụ. Soi bóng bên bờ ao là cây cầu ngói cong cong, được xây dựng với mục đích vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vừa là nơi nghỉ ngơi của người dân sau những ngày mùa bận rộn. 

Tuy đã được xây dựng lại, song cầu ngói Bình Vọng vẫn tuân thủ chặt chẽ các quy ước của kiến trúc truyền thống. Đó là phần thượng gia (gồm thân, mái) gồm 7 gian: 2 gian ở hai đầu cầu và 5 gian giữa; chiều dài 20m, bề ngang 3m. Hệ vì kèo bằng gỗ gồm 2 hàng cột cái và 2 hàng cột quân được liên kết theo kiểu chồng rường, giá chiêng. Phần cột cái giữa cầu có tiết diện hình vuông, trên thân cột có 4 đôi câu đối do chính các cụ cao niên trong làng Bình Vọng viết. Trên mỗi xà nách, bẩy hiên đều chạm khắc nổi hình rồng cùng hoa văn trang trí với đề tài hoa đào, cúc dây hay chữ “Vạn”... 

Phần mái ở hai gian đầu cầu được thiết kế gồm 4 mái với đầu đao cong vút, vươn lên mạnh mẽ, bên trên chạm đầu rồng và lợp ngói mũi hài. Hai gian đầu hồi không xây bít đốc mà có tường bao hai bên. Trên tường là những bức tranh đắp nổi hình chim phượng và hoa cúc cùng ô cửa sổ tròn.

Phần hạ kiều (gồm mố, trụ cầu, sàn) được làm bằng bê tông cốt thép giả đá; trên các mố, trụ đắp đầu rồng khỏe khoắn. Sàn cầu lát gỗ, giữa là lối đi, hai bên có hành lang trang trí hình con tiện và chỗ nghỉ chân cũng được làm hoàn toàn bằng gỗ. 

Cầu ngói Bình Vọng là hạng mục không thể tách rời và là “nét chấm phá” trong tổng thể kiến trúc của cụm di tích đình Bình Vọng - chùa Báo Quốc. Năm 1999, cụm di tích này đã được công nhận là Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.

HNMCT/nguoihanoi.com.vn