Đổi mới sáng tạo mở: Cần nhiều tập đoàn tiên phong “mở” cùng startup

Admin
(PNTĐ) - Với vai trò là động lực quan trọng giúp tăng năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn, những năm qua, đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở đang là xu hướng khá phổ quát đang được các nước trong khu vực triển khai.

Tin liên quan

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Putin là biểu tượng cho mối quan hệ đặc biệt giữa Nga và Việt Nam

Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin

Bế mạc Trại huấn luyện Kim Đồng toàn quốc năm 2024 Khu vực miền Nam

Đổi mới sáng tạo mở - công cụ khai phóng nguồn lực

Theo ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (NATEC), Bộ Khoa học và Công nghệ, sở dĩ ĐMST mở đang trở thành xu hướng là bởi nền kinh tế toàn cầu hiện đang hoạt động trong một thế giới phẳng.

Các quốc gia không thể đóng cửa để tự phát triển mà buộc phải mở cửa. Chưa kể, cách mạng công nghiệp 4.0 khiến việc giữ "bí mật" về yếu tố công nghệ gặp nhiều khó khăn. Nên ở một mức độ nào đó, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ là bước ban đầu. Về cơ bản, chúng ta đều có thể chia sẻ tri thức để cùng phát triển kinh tế. Kể cả trong các mô hình kinh doanh cũng lan tỏa rất nhanh.

Đổi mới sáng tạo mở: Cần nhiều tập đoàn tiên phong “mở” cùng startup - ảnh 1

Một nguyên nhân khác theo ông Phạm Hồng Quất, là do sự di chuyển của tài năng trẻ trên toàn cầu. Một người giỏi hoàn toàn có thể đưa ra lựa chọn rời khỏi một môi trường chưa tốt để di chuyển sang môi trường tốt hơn. Quốc gia sinh ra tài năng đó vì vậy có thể mất lợi thế cạnh tranh. Rất nhiều đất nước vì nhận thức rõ sức ép này nên sớm đưa ra các cơ chế chiêu mộ nhân tài.

Đơn cử như Singapore là một nước đi đầu trong xu hướng ĐMST mở, đã đưa ra rất nhiều Nghị định đặc thù, ưu đãi cho tài năng trẻ không chỉ ở quốc gia họ, mà còn ở nơi khá tụ hội về... Ý tưởng, phát minh mới họ sẵn sàng cho thử nghiệm. Ý tưởng nào thử nghiệm tốt rồi thì biến thành sản phẩm thực tế, đưa ra thị trường nhanh chóng, tạo sự lan tỏa.

Thực tế cho thấy, ĐMST mở là công cụ khai phóng nguồn lực mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp của nhiều nước trên thế giới. Thông qua đó, các nguồn lực từ tập đoàn, tổ chức quốc tế, chính quyền địa phương, đặt ra các thách thức, thu hút những giải pháp ĐMST từ cộng đồng.

“Việt Nam chúng ta dù có thể không bằng thế giới ở cơ sở hạ tầng công nghệ hay nguồn vốn đầu tư lớn từ Chính phủ, nhưng lại được thừa nhận ở lợi thế về con người. Điều này đã và đang giúp cho Việt Nam vươn lên thứ bậc khá cao trên bản đồ khởi nghiệp” - ông Phạm Hồng Quất chia sẻ.

Càng mở bao nhiêu, càng tranh thủ nguồn lực bên ngoài bấy nhiêu

Đánh giá cao tiềm năng về ĐMST mở của Việt Nam, ông Phạm Hồng Quất cũng nhấn mạnh: Cần phải có nhiều hơn nữa những doanh nghiệp chấp nhận làm “chuột bạch” thử nghiệm sản phẩm của startup. Không chỉ hỗ trợ về tài chính mà ông hy vọng, các doanh nghiệp dành thời gian, tâm huyết, cũng như chia sẻ “một phần miếng bánh” của mình, để cùng phát triển những ý tưởng sáng tạo hướng đến tới tương lai.

Chia sẻ kinh nghiệm trên thế giới, ông Phạm Hồng Quất lấy ví dụ từ thực tế tại Hàn Quốc. Theo đó, các tập đoàn lớn như Samsung. Thaco... rất chú trọng việc đồng hành cùng doanh nghiệp. Samsung thậm chí còn đưa thương hiệu cho một số doanh nghiệp làm khởi nghiệp, như một sự bảo hành để họ bước đi vào thị trường nhanh chóng hơn.

Đổi mới sáng tạo mở: Cần nhiều tập đoàn tiên phong “mở” cùng startup - ảnh 2
(Ông Raimund Klein - Nhà Sáng lập và Giám đốc Điều hành Trung tâm Chuyển đổi Công nghiệp Toàn cầu (INCIT).

Thời gian gần đây, Thái Lan cũng đang nổi lên mạnh mẽ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST. Các nhà đầu tư, tập đoàn lớn của Thái Lan ở nhiều lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản... đang chủ động "đi cùng" những startup từ các trường đại học; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.

Chẳng hạn các tập đoàn trong lĩnh vực bất động sản sẵn sàng hỗ trợ đầu tư phát triển căn hộ, trường học thông minh. Ngân hàng hoàng gia cấp vốn tài trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, sức khỏe, du lịch. Từ đó tạo lợi thế cạnh tranh cộng hưởng của các thành phần sinh thái, độ mở rất lớn.

Đặc biệt, đích mà họ nhắm đến không chỉ ở thị trường của nước, mà còn là thị trường các nước trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam. Bước tiếp theo của các tập đoàn về bán lẻ, bất động sản, nông nghiệp... là sẽ đưa doanh nghiệp khởi nghiệp của họ cùng đi sang Việt Nam. Điều đó cho thấy, chúng ta đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn.

Nói về kinh nghiệm phát triển các mô hình đổi mới sáng tạo mở trên thế giới, Ông Raimund Klein - Nhà Sáng lập và Giám đốc Điều hành Trung tâm Chuyển đổi Công nghiệp Toàn cầu (INCIT), đưa ra hai nền tảng riêng biệt: Nền tảng đổi mới sáng tạo dựa trên thách thức (challenge-based innovation platform) và dựa trên giải pháp (solution-based innovation platform).

Với nền tảng dựa trên thách thức, các doanh nghiệp, cụ thể là các nhà sản xuất là những tổ chức đã định hình và trình bày được những vấn đề mà họ gặp phải, từ đó nền tảng sẽ kết nối họ với những sản phẩm và dịch vụ đổi mới phù hợp dựa trên phân loại các lĩnh vực cụ thể. Ngược lại, nền tảng dựa trên giải pháp lại tập trung trình bày những công nghệ và sáng kiến được phân loại theo nhóm vấn đề, từ đó các doanh nghiệp, tập đoàn có thể tìm kiếm và khám phá những giải pháp mới phù hợp dựa trên những ưu tiên riêng của mình.

“Các đổi mới sáng tạo đều cần các nguồn lực từ phía bên trong và bên ngoài. Thử thách của Đổi mới Sáng tạo Mở là các tập đoàn chưa hoàn toàn mở, bởi tính cạnh tranh từ thị trường. Điều cần giải quyết chính là tìm được tiếng nói chung giữa các bên” - ông Raimund Klein nhấn mạnh.

"Chúng tôi mong muốn hệ sinh thái khởi nghiệp, ĐMST của chúng ta ngày càng mở, có như vậy mới tranh thủ được tối đa nguồn lực bên ngoài. Các địa phương càng mở thì chúng ta càng có một cộng đồng khởi nghiệp lớn hơn. Kể cả người Việt Nam ở nước ngoài cũng là cộng đồng giúp chúng ta đi ra thị trường quốc tế. Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, chúng ta buộc phải liên kết, không chỉ khởi nghiệp một mình; thậm chí sẵn sàng thành người đồng sáng tạo chinh phục thị trường quốc tế" - ông Phạm Hồng Quất phân tích.