Đòn tập kích của Ukraine vào nhà máy lọc dầu Nga chỉ như “muỗi đốt gỗ”

Admin
Tổn thất thực sự mà Nga phải gánh chịu từ làn sóng tấn công bằng UAV của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu là chi phí sửa chữa.

Ukraine tiếp tục tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga bằng máy bay không người lái (UAV/drone) nhưng hiệu quả của các cuộc tấn công này không cao, trang bne IntelliNews có trụ sở tại Đức đưa tin hôm 27/6.

Vì UAV chỉ mang trọng tải chất nổ 5-50kg chứ không phải 500 kg như máy bay ném bom, nên các “bầy đàn” drone khó có thể phá hủy một nhà máy lọc dầu, mà chỉ có thể làm hư hại cơ sở vật chất ở đó.

Các cuộc tấn công có giá trị truyền thông cao đối với Kiev, nhưng cho đến nay chúng có rất ít tác động thực tế đến doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga hoặc giá cả các sản phẩm dầu thô hoặc dầu tinh chế trên thị trường quốc tế.

Các cuộc tấn công đã làm giảm khối lượng lọc dầu của Nga khoảng 14%, nhưng do gã khổng lồ Á-Âu có công suất lọc dầu lớn hơn 2,5 lần so với nhu cầu của chính mình nên sự sụt giảm nói trên ít ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga hoặc giá nhiên liệu trong nước, bne IntelliNews dẫn một báo cáo của các chuyên gia Michael Liebreich, Lauri Myllyvirta và Sam Winter-Levy cho Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho hay.

Thế giới - Đòn tập kích của Ukraine vào nhà máy lọc dầu Nga chỉ như “muỗi đốt gỗ”

Ukraine phát động một chiến dịch tấn công bằng UAV nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Nga kể từ đầu năm 2024. Mặc dù động thái này mang lại động lực thúc đẩy tinh thần cho Ukraine, nhưng nó có rất ít tác động thực tế đến hoạt động kinh doanh dầu mỏ của Nga. Ảnh: EuroNews

Số liệu của cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat) cho thấy, giá bán lẻ nhiên liệu nội địa ở Nga cực kỳ ổn định. Giá bán buôn trong nước có một số biến động, nhưng sự chuyển động đó có thể được giải thích là do những biến động trên thị trường quốc tế và ít dữ dội hơn so với biến động giá trên thị trường sản phẩm dầu bán buôn ở Mỹ.

Sản lượng dầu diesel và xăng đã giảm từ đầu tháng 3, nhưng sự sụt giảm về biên độ và thời gian như vậy đã được quan sát trước đó, và ngay cả ở thời điểm suy giảm thấp nhất, sản lượng vẫn cao hơn nhiều so với mức lịch sử kể từ năm 2018 (không bao gồm năm 2020 bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, khi sản lượng thấp một cách bất thường và do đó không phù hợp để so sánh).

Ngay cả các lô hàng xuất khẩu cũng không cho thấy bất kỳ biến động rõ ràng và dứt khoát nào có thể gán cho là hậu quả do các cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine gây ra.

Các báo cáo truyền thông cho thấy các thiết bị bị hư hỏng tại nhiều nhà máy lọc dầu của Nga đã hoạt động trở lại sau 2-3 tuần sửa chữa, và khối lượng lọc dầu được Bloomberg đưa tin đã giảm so với mức đỉnh nhưng vẫn ở trên mức đáy và một lần nữa nằm trong dải khối lượng thông thường.

Nga đã nhập khẩu một lượng xăng từ nước láng giềng và đồng minh thân cận Belarus, điều này đã được giới truyền thông đưa tin rộng rãi. Nhưng khối lượng được đề cập chỉ là một chuyến tàu chở hàng trong một tuần – chưa đến 0,5% lượng tiêu thụ trong một tuần – trong khi Nga vẫn tiếp tục xuất khẩu naphtha và dầu diesel.

Xét rằng không một đơn vị chuyển đổi naphtha thành xăng nào bị tấn công, việc nhập khẩu đó rất có thể là vì lý do hậu cần chứ không phải vì thiếu nhiên liệu trên toàn quốc.

Tổn thất thực sự mà Nga phải gánh chịu từ làn sóng tấn công vào các nhà máy lọc dầu là chi phí sửa chữa – có thể lên tới hàng chục triệu USD cho mỗi nhà máy. Đây là một khoản tiền lớn so với chi phí của các cuộc tấn công bằng các loại vũ khí giá rẻ của Ukraine, nhưng rất xa so với ước tính thiệt hại hàng tỷ USD được mong đợi.

Đối với các công ty dầu mỏ, khoản lỗ có thể lên tới 15 USD/thùng đối với khối lượng chuyển đổi. Theo Bloomberg, Nga đã lọc trung bình 5,2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 4 năm nay, so với 5,5 triệu thùng/ngày trong tháng 1.

Giả sử rằng tất cả 300.000 thùng mỗi ngày không được chấp nhận vào các nhà máy lọc dầu đều được xuất khẩu dưới dạng dầu thô chứ không phải giỏ sản phẩm, việc chuyển đổi này sẽ dẫn đến khoản lỗ 135 triệu USD trong tháng 4.

Trong khi đó, theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), Nga đã kiếm được hơn 16 tỷ USD từ xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu trong cùng thời kỳ.

“Chính phủ Nga không quan tâm đến việc các công ty dầu mỏ bán khối lượng của họ dưới dạng dầu thô hay sản phẩm dầu. Họ đánh thuế dầu thô ở đầu giếng khá nặng, sử dụng công thức liên quan đến giá toàn cầu và sau đó đánh thuế lợi nhuận doanh nghiệp. Lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên khi các công ty dầu mỏ xuất khẩu sản phẩm thay vì dầu thô, nhưng tác động lên ngân sách nhà nước là khá nhỏ”, Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết.

Minh Đức (Theo bne IntelliNews)