Chính quyền quân đội Myanmar hôm 31/3 thông báo rằng số người tử vong đã tăng lên 2.056 người, với 3.900 người bị thương và 270 người vẫn mất tích, đồng thời tuyên bố một tuần quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân của thảm họa động đất.
Trong khi đó, nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ được cho là đã bị chậm lại do thiếu nguồn lực và thiết bị cũng như cơ sở hạ tầng bị hư hại.
Trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã tấn công thành phố lớn thứ hai của Myanmar là Mandalay và các khu vực lân cận, gây ra thiệt hại trên diện rộng. Một trận động đất thứ hai có cường độ 6,4 độ richter xảy ra ngay sau đó, và nhiều dư chấn được ghi nhận trong những ngày tiếp theo.
Trận động đất cũng làm rung chuyển nước láng giềng Thái Lan, làm một tòa nhà cao tầng đang xây dựng ở thủ đô Bangkok đổ sập, và khiến ít nhất 18 người thiệt mạng.

Một nhân viên cứu hộ đang tìm cách vượt qua đống đổ nát ở Mandalay, Myanmar, ngày 31/3/2025. Ảnh: CNN
Ở Myanmar, lực lượng cứu hộ đã bày tỏ lo ngại rằng nỗ lực tìm kiếm những người sống sót đang gặp phải vấn đề, và lưu ý rằng hầu hết những người sống sót cần được giải cứu trong vòng 3 ngày (tức 72 giờ) sau thảm họa như vậy nếu không cơ hội sống sẽ trở nên càng mong manh.
Các nước gần Myanmar – bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia và Singapore – đã điều động máy bay và tàu chiến chở hàng cứu trợ và cử các đội cứu hộ đến. Sự hỗ trợ cũng đến từ các đội ở xa hơn, như Indonesia, Philippines, Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand, Nga…
Wai Phyo, một nhân viên cứu hộ tại Myanmar, nói với Al Jazeera rằng các đội cứu hộ ở Mandalay đã làm hết sức mình nhưng đã bị quá tải bởi quy mô của sự tàn phá và thiếu "thiết bị phù hợp".
Số người thực sự thiệt mạng và bị thương trên khắp khu vực có khả năng gấp nhiều lần con số chính thức, nhưng với tình trạng mất điện và liên lạc, thiệt hại ở nhiều khu vực vẫn còn ít được biết đến.
"Chúng tôi thực sự không rõ về quy mô tàn phá ở giai đoạn này", bà Lauren Ellery, phó giám đốc chương trình tại Myanmar của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, cho biết vào ngày 31/3.
Có tình trạng khẩn cấp ở 6 khu vực, và bà Ellery cho biết cơ sở hạ tầng bị hư hại và lở đất liên tục do trận động đất gây ra đã làm phức tạp thêm các hoạt động cứu hộ.
"Họ đang nói về một thị trấn gần Mandalay, nơi 80% các tòa nhà được báo cáo đã bị sụp đổ, nhưng không có tin tức vì liên lạc viễn thông rất chậm", bà nói.
Việc thiếu máy móc hạng nặng cũng làm chậm các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ, buộc nhiều người phải chậm chạp tìm kiếm những người sống sót bằng tay dưới sức nóng mùa hè, với nhiệt độ dao động trong khoảng 30-40 độ C.
"Mọi người vẫn bị mắc kẹt bên trong các tòa nhà bị sập, bao gồm cả một khách sạn lớn. Một số người có thể vẫn còn sống, nhưng không có đủ máy móc để dọn sạch tất cả các mảnh vỡ đổ nát", Myo Min Soe, một cư dân của Mandalay, cho biết. "Các đội cứu hộ đã đến, nhưng họ không thể cứu được tất cả mọi người".
Mô hình của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) chỉ ra rằng hơn 10.000 người có thể đã thiệt mạng, với thiệt hại kinh tế lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Đông Nam Á này. UNICEF cho biết, hàng triệu trẻ em đang gặp nguy hiểm.
Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã phát động lời kêu gọi quyên góp khẩn cấp hơn 100 triệu USD để hỗ trợ 100.000 người và hỗ trợ phục hồi sớm trong 24 tháng tới.
"Đây không chỉ là một thảm họa; đây là một cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp chồng chất lên các điểm yếu hiện có", ông Alexander Matheou, giám đốc khu vực của tổ chức này, nói với Bloomberg.
Minh Đức (Theo Aljazeera, Bloomberg)