Đồng Nai: Huyện Tân Phú phát triển chăn nuôi bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường

Admin
Lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện Tân Phú đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Đồng thời, chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại, công nghệ xử lý chất thải, chấp hành nghiêm pháp luật môi trường.

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi của huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) đã chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ, lẻ quy mô hộ gia đình sang chăn nuôi trang trại. Trong đó, chủ yếu tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm; quy trình chăn nuôi theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu đầu tư hạ tầng, con giống, thức ăn, thú y, phòng dịch và bao tiêu sản phẩm.

Đồng Nai: Huyện Tân Phú phát triển chăn nuôi bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường- Ảnh 1.

Đoàn công tác kiểm tra tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Tân Phú.

Theo thống kê, huyện Tân Phú hiện tại có 48 cơ sở chăn nuôi tập trung đang hoạt động và gần 7.400 cơ sở chăn nuôi nông hộ nhỏ, lẻ. Số lượng gia súc, gia cầm hiện đang nuôi trên địa bàn huyện rất lớn. Trong đó có gần 67.000 con heo, hơn 1,2 triệu con gà, gần 389.000 con vịt, 6.300 con bò và hơn 34.000 con dê.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú, trên địa bàn huyện có 22 cơ sở chăn nuôi có quy mô cấp tỉnh, đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (16 cơ sở hoạt động, 6 cơ sở ngưng hoạt động, chưa triển khai xây dựng); 36 cơ sở chăn nuôi có quy mô cấp huyện (32 cơ sở hoạt động, 4 cơ sở ngưng hoạt động).

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có gần 7.400 cơ sở chăn nuôi nông hộ nhỏ, lẻ thuộc quy mô cấp xã quản lý. Hầu hết các hộ chăn nuôi bò, heo, gà, dê, vịt với quy nhỏ lẻ, phục vụ phát triển kinh tế gia đình không thuộc đối tượng cấp giấy phép môi trường.

Do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ nên chuồng trại chăn nuôi đơn giản, được xây dựng sau nhà hoặc bên cạnh nhà ở; một số trường hợp xây dựng chuồng sau vườn. Quá trình chăn nuôi nước thải phát sinh ít, được thu gom về hố chứa dùng để tưới cho cây trồng trong vườn.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Đồng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Phú, các cơ sở chăn nuôi quy mô cấp tỉnh đang hoạt động đã được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Đối với trại chăn nuôi heo, vịt thì sử dụng công nghệ xử lý bằng hầm biogas, công nghệ xử lý sinh học kết hợp với công nghệ vật lý - hóa học và hồ chứa sinh học; đối với trại chăn nuôi gà thì nước thải được xử lý bằng biện pháp sinh học và hồ chứa sinh học.

Chất thải rắn phát sinh trong chăn nuôi chủ yếu là phân của các vật nuôi, được các cơ sở chăn nuôi chuyển giao cho các cơ sở sản xuất phân bón. Đối với cơ sở chăn nuôi quy mô cấp huyện thì UBND huyện đã xác nhận cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường cho 19 cơ sở chăn nuôi, 17 cơ sở còn lại chưa được cấp thủ tục môi trường, trong đó có 4 cơ sở ngưng hoạt động.

Đồng Nai: Huyện Tân Phú phát triển chăn nuôi bền vững, chú trọng bảo vệ môi trường- Ảnh 2.

Mô hình chăn nuôi dê tại huyện Tân Phú.

Đa số các trang trại đều có công trình/biện pháp xử lý nước thải chăn nuôi theo QCVN 62-MT:2016/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đối với những hộ phát sinh nước thải lơn hơn 5 m3/ngày.đêm có hệ thống xử lý nước thải. Đối với những hộ phát sinh nước thải từ 2 - 5 m3/ngày.đêm có hệ thống biogas. Không có cơ sở nào xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường.

Thời gian qua, huyện Tân Phú thường xuyên tổ chức kiểm tra và yêu cầu các cơ sở chăn nuôi thực hiện cấp phép môi trường theo quy định, đồng thời đã xử phạt hành vi không có thủ tục môi trường đối với 6 cơ sở, với tổng số tiền trên 532 triệu đồng.

Theo đánh giá chung, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện có sự chuyển biến tích cực; huy động được sự tham gia tích cực của cấp ủy, chính quyền, cán bộ công chức, đoàn viên, hội viên và người dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường. Các vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi đều được người dân thông tin, phản ánh kịp thời đã góp phần ngăn ngừa phát sinh các điểm nóng về môi trường.

Đối với những trường hợp chưa di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, ngừng chăn nuôi trước ngày 01/01/2025 theo Quyết định số 296/QĐ-UBND ngày 24/2/2023 của UBND tỉnh Đồng Nai, Huyện ủy Tân Phú sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để thực hiện đảm bảo theo lộ trình.

VŨ ĐOÀN