Tin liên quan
Gỡ khó khăn về nguồn cung của các dự án bất động sản
Triển khai đường sắt tốc độ cao cả nước sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Ngày 13/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Chủ trì phiên thảo luận tổ tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vô cùng quan trọng. Trong đó, cần tập trung triển khai hiệu quả từng phân đoạn, trước mắt là từ ga đầu mối Ngọc Hồi của Hà Nội và tại TP Hồ Chí Minh, sau đó mới tính đến phương án kết nối các ga. Ngoài ra, dự án cần chú trọng đến việc chuyển giao công nghệ khi triển khai để chủ động trong việc vận hành sau này.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, việc triển khai đường sắt tốc độ cao cả nước sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước, chứ không tập trung vào địa phương nào. Đặc biệt là thúc đẩy phát triển logistic hàng hóa Bắc - Nam, không còn những điểm nghẽn giao thông như hiện nay.
Theo chủ trương dự án thì chỉ vận chuyển hành khách còn hàng hóa chỉ vận chuyển khi cần thiết. Vì thế, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, dự án được sắt tốc độ cao này phải vận tải hành khách lẫn hàng hóa để bảo đảm hiệu quả. Ngoài ra, chú trọng đến việc chuyển giao công nghệ nhằm bảo đảm thời gian khánh thành như dự kiến, để chủ động trong việc vận hành cũng như không lệ thuộc vào thiết bị của nước ngoài.
Dự án hết sức cần thiết, là nguyện vọng của đại đa số nhân dân
Đại biểu Nguyễn Anh Trí khẳng định, chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hết sức cần thiết, là nguyện vọng của đại đa số nhân dân, để phục vụ cho đời sống, giao thương.
Cho biết rất mong đợi dự án, nhưng khi tiếp cận tài liệu, đại biểu Nguyễn Anh Trí có nhiều điều băn khoăn khi triển khai dự án liên quan đến lưu lượng dùng, thời gian vận chuyển hàng hóa nông sản, thủy sản trong bao lâu để bảo đảm chất lượng.
Cùng với đó, đại biểu đặt vấn đề, việc đặt vị trí các nhà ga ở đâu cho hợp lý? Theo đại biểu, các ga hành khách nên ở nội đô, bởi nếu ở ngoài nội đô sẽ tốn nhiều đường giao thông kết nối. Với nguồn vốn đầu tư lớn, sau khi làm, phải khai thác thế nào cho thật hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí tin tưởng, với nhu cầu phát triển đường sắt nội đô của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, ngành công nghiệp đường sắt sẽ phát triển, đem lại công ăn việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, khi đề cập đến thời gian khởi công dự án vào năm 2027, hoàn thành dự án vào năm 2035, đại biểu mong muốn triển khai nhanh hơn, dù đây là thách thức.
Dự án lớn, phải qua 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng nên còn phải điều chỉnh
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nhất trí với ý kiến của các đại biểu là cần triển khai dự án với thời gian nhanh nhất, hiệu quả và chi phí tiết kiệm nhất cho đất nước.
Theo đại biểu, tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km và dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố. Trong dự thảo dự án nêu quá chi tiết về các điểm đầu, điểm cuối, số dân phải tái định cư… Tuy nhiên, các số liệu này đều nêu “khoảng”, nên khi triển khai thực hiện sẽ thay đổi nhiều và phải báo cáo Quốc hội điều chỉnh.
Đại biểu cho rằng, những nội dung trong dự án lớn này còn phải qua 2 nhiệm kỳ của Đại hội Đảng nên còn nhiều thay đổi phải điều chỉnh. Vì thế, chủ trương đầu tư dự án không nên quá chi tiết về mặt kỹ thuật vì không phải đại biểu Quốc hội nào cũng đủ kinh nghiệm để đánh giá về tốc độ, địa điểm.
Dự án quy mô lớn, mang tính biểu tượng quốc gia
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, đây là dự án quy mô lớn, mang tính biểu tượng quốc gia, động lực phát triển của đất nước, vì thế nếu triển khai tốt sẽ tác động tích cực và ngược lại nếu xảy ra sự cố đáng tiếc.
Liên quan đến tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng, đại biểu cho biết, đây là dự án kết nối Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông Tây. Trong đó, đường sắt tốc độ cao này chủ yếu sử dụng để vận tải hành khách.
Về thời gian xây dựng dự án, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, việc lựa chọn đề xuất cơ bản hoàn thành 1.545km trong vòng 10 năm (từ 2025-2035) là mốc tiến độ đặt ra khá cao và cũng là mong muốn chung.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi cần kèm theo hàng loạt cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ thì mới có thể đạt được kết quả này. Ngoài ra, cần lưu ý về thời gian xây dựng cũng như việc đội vốn của dự án.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng và được các cơ quan nghiên cứu cẩn trọng trong thời gian dài.
“Với tiềm lực quốc gia, các điều kiện để triển khai dự án ở thời điểm hiện nay cơ bản đã đầy đủ. Tôi tin tưởng, kỳ vọng dự án sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế, đưa đất nước ta trở thành nước công nghiệp, hiện đại theo đúng mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra”- đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.