Chiều 25/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì cuộc họp kiểm tra tình hình triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku qua địa bàn tỉnh Gia Lai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Kiến Văn
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, dự án sẽ sớm triển khai xây dựng vào tháng 10/2025. Hiện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia tỉnh Gia Lai và các địa phương có dự án đi qua là thành viên.
Tại buổi làm việc, ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình giao thông và dân tỉnh Gia Lai cho biết, dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku được Quốc hội phê duyệt với chiều dài 125km, tổng mức đầu tư 43.743 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h. Dự án có 3 công trình hầm ngầm qua đèo An Khê và Mang Yang.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Kiến Văn
Dự án đi qua 17 phường, xã của tỉnh, điểm đầu của dự án từ quốc lộ 19B thuộc phường An Nhơn Bắc và điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh thuộc phường Hội Phú, tỉnh Gia Lai. Dự án có 3 dự án thành phần, diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 942ha, dự kiến thời gian triển khai từ năm 2024-2029.

Phối cảnh dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Mục tiêu dự án là xây dựng tuyển đường bộ cao tốc Quy Nhon - Pleiku hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, khu vực duyên hải Trung bộ; kết nối các cửa khẩu quốc tế, các đô thị và cảng biển lớn, Tây Nguyên với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, các hành lang Đông - Tây và các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết của Đảng.

Dự án sẽ có 3 công trình hầm vượt đèo và 74 công trình.
Hiện công tác khảo sát đang được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hiện đã tiến hành đo ranh 60m và đã số hóa tài liệu gửi về các địa phương. Công tác khảo sát địa hình đã hoàn thành hoàn toàn, trong khi khảo sát địa chất cũng cơ bản hoàn thành. Đặc biệt, công tác khảo sát và tính toán thủy văn đã có những bước tiến vượt bậc với việc hoàn thành rà soát hiện trường, tính toán sơ bộ thủy văn dọc tuyến và cống thoát nước, cùng với mô hình toán thoát lũ.
Đối với báo cáo nghiên cứu khả thi, công tác thị sát hiện trường đã hoàn thành, thiết kế cơ sở đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng và dự kiến tổng mức đầu tư cùng hoàn thiện báo cáo sẽ xong vào ngày 30/7/2025.

Dự án sẽ có 3 hầm đi qua 2 đèo An Khê và Mang Yang
Về chính sách bồi thường, các bên đã thống nhất dùng chính sách bồi thường của tỉnh Bình Định để đền bù cho toàn dự án. Về ảnh hưởng của dự án, theo kết quả báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được duyệt, số hộ dân bị ảnh hưởng cần thực hiện là 221 hộ, diện tích khoảng 295 ha. Tại địa phận Bình Định sẽ xây dựng 7 khu tái định cư.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các xã, phường có dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku đã trao đổi một số vấn đề liên quan, đồng thời bày tỏ mong muốn các sở, ngành hỗ trợ địa phương trong công tác cắm mốc, tính toán giá đất bồi thường do phần lớn khối lượng công việc đều giao về cho địa phương.
Sau khi nghe báo cáo cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, dự án này là mong muốn của nhân dân của 2 tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai trong nhiều năm qua. Do vậy, quá trình triển khai thực hiện đòi hỏi đảm bảo chất lượng, kịp tiến độ và kỳ vọng của địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cũng đánh giá cao sự nỗ lực, phối hợp với các sở, ngành và địa phương trong công tác hướng tuyến, rà soát giải phóng mặt bằng.

Dự án dự kiến sẽ khởi công vào tháng tháng 10/2025
"Để dự án không bị vướng, chậm trễ thì các xã phường có dự án đi qua cần khẩn trương thành lập Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng. Các Ban quản lý dự án, Trung tâm phát triển quỹ đất hỗ trợ các địa phương thực hiện. Đối với giá đất, yêu cầu các xã, phường phải chủ động phê duyệt giá đất. Quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng phải phù hợp, hài hòa lợi ích của nhân dân và quy định của Nhà nước", ông Hoàng nhấn mạnh.
Ngoài ra, do đây là thời gian người dân đang tập trung thu mua nông sản, các địa phương cần tính toán, xem xét nguyện vọng của người dân để kéo dài thêm thời gian cho người dân thu hoạch, ưu tiên triển khai trước ở những vị trí thuận lợi.
