Đưa cán bộ, hội viên phụ nữ đến với sân khấu kịch Việt

Admin
(PNTĐ) - Tối chủ nhật cuối tuần, bà Nguyễn Thị Thu, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân lại cùng người thân và đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn có mặt tại nhà hát Chèo Việt Nam để xem vở kịch “Vang bóng một thời”. Đây là lần thứ 4 chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, bà Thu và nhiều chị em khác có cơ hội thưởng thức tác phẩm kịch đặc sắc, sau các vở “Lá đơn thứ 72”, “Vụ án người đốt đền”, “Chí Phèo-Thị Nở”... do sân khấu Lệ Ngọc công diễn.

Vở kịch được lấy cảm hứng từ tập truyện cùng tên “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân-một tên tuổi lớn trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Trong đó, chủ lực là nội dung tác phẩm “Chữ người tử tù” và một số chi tiết, nhân vật xen kẽ từ truyện ngắn “Chém treo ngành”, “Những chiếc ấm đất”...  Khi biết một tử tù nổi tiếng viết chữ thánh hiền đẹp khắp tỉnh Sơn Tây - Huấn Cao sẽ đến tù giam của mình, viên quản ngục đã dùng đòn roi nhằm khuất phục ông cho chữ. Tuy nhiên, mưu đồ đó đã không thành. Viên quản ngục dần thức tỉnh, ông hiểu ra rằng, chỉ có dùng cái đẹp, tính thiện để thuyết phục Huấn Cao...

Đưa cán bộ, hội viên phụ nữ đến với sân khấu kịch Việt - ảnh 1
Cán bộ, hội viên phụ nữ với các diễn viên của sân khấu Lệ Ngọc

Trong suốt hơn 2 giờ, bà Thu không thể rời mắt khỏi sân khấu. Cứ mỗi lần kéo màn chuyển cảnh, bà và các khán giả lại vỗ tay giòn giã. Bà Thu xúc động cho biết: Tôi thấy vở kịch rất hay, từ kịch bản, diễn xuất của các diễn viên đến cảnh diễn. Tôi đặc biệt thích những chi tiết viên cai ngục được cái đẹp cảm hóa, hay là đao phủ Bát Lê cũng chọn cách tự kết liễu đời mình thay cho việc chém đầu tử tù Huấn Cao. Vở kịch đã truyền tải tới người xem thông điệp sự thiên lương sẽ chiến thắng bạo lực, cái đẹp sẽ lấn át cái xấu...

Đưa cán bộ, hội viên phụ nữ đến với sân khấu kịch Việt - ảnh 2
Đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ có mặt tại các buổi biểu diễn kịch

Như bà Thu, bà Nguyễn Thị Xuân, hội viên Hội LHPN quận Đống Đa cũng thấy hoạt động đi xem kịch rất bổ ích. Bà Xuân cho biết: “Rất lâu rồi tôi chưa đi xem kịch và cũng chưa từng nghĩ có ngày mình trở lại với sân khấu kịch. Trong thời đại internet phát triển, đôi khi, chúng ta thấy việc giải trí, đọc tin tức trên điện thoại đã là đủ nhưng hóa ra, có một loại hình nghệ thuật biểu diễn đặc sắc nữa cũng đang đợi được khám phá, thưởng thức”.

Vở kịch đầu tiên bà Xuân được thưởng thức tại sân khấu Lệ Ngọc là “Lá đơn thứ 72” của tác giả Hoàng Thanh Du, đạo diễn bởi cựu Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, thiết kế bởi cựu Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - NSND Vương Duy Biên cùng nhiều tên tuổi khác. Nội dung vở kịch dựa trên một vụ án có thật, được Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ, nguyên là Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao thụ lý. Trong vụ án, ông Đỗ Văn Chồi, một đảng viên, nguyên là cán bộ địa phương bị lĩnh án vì tội giết người trong suốt 8 năm trời đã không ngừng làm đơn kêu oan gửi tới Bác Hồ. Cuối cùng, lá đơn thứ 72 cũng đã tới được tay Người để rồi nhờ vào chỉ thị của Bác, ông Đỗ Văn Chồi đã được minh oan.

Đưa cán bộ, hội viên phụ nữ đến với sân khấu kịch Việt - ảnh 3
Đến nay, đã có 16 buổi diễn, đón trên 7.000 cán bộ, hội viên phụ nữ và gia đình tham gia thưởng thức kịch Việt

Chị Xuân xúc động chia sẻ: Vở kịch đã giúp tôi càng hiểu hơn về tư tưởng, đạo đức sáng ngời, luôn vì dân, vì nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như lời Bác đã nói trong vở kịch qua lời thoại của nhân vật, rằng Bác mong muốn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có độc lập, đã có tự do và bây giờ thì hạnh phúc phải đủ... Sau vở kịch đầu tiên, bà Xuân lại háo hức đăng ký xem nhiều vở kịch khác theo chương trình của Hội LHPN Hà Nội tổ chức tại sân khấu Lệ Ngọc.

Sân khấu Lệ Ngọc được thành lập từ năm 2013, trực thuộc Nhà hát kịch Việt Nam. Năm 2016, NSND Lệ Ngọc nghỉ hưu, CLB sân khấu Lệ Ngọc được tách ra thành một sân khấu riêng, trở thành sân khấu kịch xã hội hóa đầu tiên tại miền Bắc. Điều đáng nói, những năm gần đây, giữa lúc các loại hình giải trí khác nở rộ, thì sân khấu Lệ Ngọc vẫn luôn cháy vé với lịch diễn dày đặc. Trong đó, tại nhiều buổi công diễn, chiếm đa số tại khán phòng là các cán bộ, hội viên phụ nữ Hà Nội đến từ nhiều quận, huyện của Thành phố, qua đó đã tạo nguồn cổ vũ tinh thần to lớn để các nghệ sĩ, diễn viên “cháy” hết mình trên sâu khấu.

Và để có thể đưa cán bộ, hội viên phụ nữ đến với sân khấu kịch Việt, thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã có sự phối hợp chặt chẽ với sân khấu Lệ Ngọc. Với mỗi buổi diễn, gần 500 vé đã được Hội LHPN Hà Nội triển khai tới các cán bộ,  hội viên cùng người thân, bạn bè. Đơn cử ngay sau dịp Tết nguyên đán vừa qua, từ ngày 13 đến 17/2, cán bộ, hội viên phụ nữ đã có điều kiện thưởng thức những bữa tiệc nghệ thuật đặc sắc qua 4 vở kịch tại Nhà hát lớn và nhà hát Chèo Việt Nam. Đến nay, đã có 16 buổi diễn, đón trên 7.000 cán bộ, hội viên phụ nữ và gia đình tham gia thưởng thức.

Thanh Xuân là đơn vị luôn có đông hội viên đăng ký xem kịch (mỗi buổi có trung bình 300 người) và tham gia đều đặn tại nhiều suất diễn, bà Trần Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân cho biết: Những vở kịch được công diễn đều rất nổi tiếng và được dàn dựng công phu với nội dung phong phú về các nhân vật lịch sử, giai đoạn mang dấu ấn đặc biệt trong lịch sử của đất nước (vở “Làm vua”), các tác phẩm văn nghệ dân gian hoặc của những cây bút tên tuổi của nền văn học Việt Nam (như các vở “Tấm Cám”, “Chí Phèo, Thị Nở”, “Vang bóng một thời”…), hay là tái hiện vụ án chấn động trong lịch sử Hy Lạp cổ đại (vở “Vụ án người đốt đền”)... Từ đó đã góp phần giáo dục lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống, nâng cao hiểu biết, lan tỏa thông điệp nhân văn... tới cán bộ, hội viên phụ nữ nói riêng và công chúng nói chung. Khi được tổ chức Hội quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần, chị em hội viên sẽ càng thêm gắn bó và tích cực, sáng tạo, nhiệt tình hơn trong các phong trào, hoạt động Hội...