Đừng để định kiến ngăn cản phụ nữ làm chủ cuộc đời

Admin
(PNTĐ) - Những câu nói như “phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng”, “con gái học nhiều để làm gì”… đã trở thành quan niệm định kiến, tạo nên rào cản vô hình đối với nhiều phụ nữ. Nhiều phụ nữ đã dũng cảm đứng lên khẳng định quyền làm chủ cuộc sống của mình, thoát khỏi những định kiến xã hội vốn gò bó vai trò của họ trong suốt nhiều thế hệ.
Đừng để định kiến ngăn cản phụ nữ làm chủ cuộc đời - ảnh 1
Những phụ nữ truyền cảm hứng vượt qua định kiến giới để thành công trong sự nghiệp tại buổi giao lưu “Phụ nữ làm chủ cuộc đời”.

Cách đây 28 năm, khi bố qua đời, câu nói ám ảnh nhất mà nữ doanh nhân Bùi Thị Kim Ngân - nhà sáng lập thương hiệu “Tái chế quần jeans” phải nghe, đó là: “Con gái học nhiều để làm gì?”. Thế nhưng, mẹ chị vẫn quyết tâm để ba cô con gái được ăn học. “Rất lâu sau khi cả ba chị em tốt nghiệp đại học, gia đình mới trả được hết nợ - chị Ngân nhớ lại.

Những tưởng sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử viễn thông, chị Ngân có thể san sẻ gánh nặng kinh tế với mẹ, nhưng chị lại phát hiện mắc phải căn bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Năm 2013, chị xuất huyết ổ bụng, phải nằm viện gần 1 tháng. Sau khi ra viện, chị đối mặt với tình trạng sức khỏe suy giảm và rơi vào trầm cảm. “Trong lúc bi thảm nhất, tôi lần mò cắt may, biến chiếc yếm cũ thành túi cho em gái đi học. Món đồ tưởng như bỏ đi ấy bỗng trở nên mới mẻ, ý nghĩa và giá trị” - nữ doanh nhân nói. 

Kể từ đó, chị bắt tay vào các dự án tái chế đồ jeans, từ phi lợi nhuận tới khi đủ kiến thức, kinh nghiệm để bắt tay vào kinh doanh. Khởi nghiệp ở tuổi 31, trải qua vô vàn khó khăn, đến nay, nữ doanh nhân Kim Ngân đã khẳng định được hướng đi đúng đắn của mình. Năm 2023, chị Ngân trở thành Quán quân của cuộc thi “Khi phụ nữ làm chủ” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. 

Tốt nghiệp Sư phạm, Nguyễn Mai Tuyết Dung xin vào làm giáo viên tiếng Anh của một trường đào tạo phi công. Năm 2016, cô trở thành 1 trong 2 nữ phi công 9X đầu tiên của hàng không Việt Nam. Hiện tại, cô đang là cơ phó của một hãng hàng không trong nước. 

Tuyết Dung kể lại, khi học ở nước ngoài, trong ngôi trường đào tạo phi công có hơn 100 học viên, chỉ có duy nhất hai nữ sinh. Điều này tạo sự chú ý rất lớn trong cộng đồng học viên. Không ít người cho rằng, nữ sinh sẽ được giáo viên ưu ái nên dễ dàng cho qua. Nhưng thực tế, theo nữ phi công, khi phạm phải cùng một sai lầm, người ta sẽ nói về cái sai của mình nhiều hơn so với nam giới. Cách duy nhất để vượt qua là bản thân phải tự cố gắng để không mắc thêm lỗi sai, để ngừng lại những bàn tán, soi xét. Do đó, để bản thân không bị phân tâm bởi những định kiến xã hội, Tuyết Dung cho biết, cách duy nhất là bỏ ngoài tai mọi lời nói tiêu cực khiến bản thân bị tổn thương. Cô đặt toàn bộ năng lượng, sức mạnh của mình vào công việc, lấy kết quả thực tế làm câu trả lời đanh thép. 

Để bước qua được bất bình đẳng giới, theo TS. Phan Thị Lan (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc), đó là thẳng thắn đối diện, bởi dù có trốn tránh thì ta vẫn sẽ gặp phải những khó khăn khác trên con đường chúng ta đã lựa chọn.

“Tôi từng phải bước qua định kiến của nhiều người về việc phụ nữ học các ngành Công nghệ thông tin và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, các bạn trẻ hãy dùng khả năng của mình để giải quyết khó khăn, vượt qua định kiến, lấy kết quả của mình để chứng minh thực lực" - TS. Phan Thị Lan khẳng định. 

Kiên định với suy nghĩ đó, TS Phan Thị Lan đã đạt được những thành công nhất định trong sự nghiệp của mình, xuất sắc nhận 2 giải thưởng: Giải lớn thứ hai Semi-Grand Prize và 1 Huy chương Vàng cho các nghiên cứu áp dụng trong lĩnh vực An toàn công nghiệp; giám sát môi trường; điện tử tiêu dùng; công nghiệp ôtô, điều khiển robot, thực tế ảo và thực tế tăng cường.

Hà Lệ Diễm, nữ đạo diễn đứng sau bộ phim tài liệu độc lập "Những đứa trẻ trong sương" - bộ phim giành đến 34 giải thưởng và đề cử tại các Liên hoan phim trên thế giới và lọt vào Shortlist - danh sách rút gọn (top 15) giải Oscars - hạng mục "Phim tài liệu xuất sắc nhất" chia sẻ, cô xuất thân trong một gia đình dân tộc Tày ở vùng núi phía Bắc. Từ khi còn là một đứa trẻ 5 - 6 tuổi, cô đã phải ra khỏi nhà từ khi trời còn chưa sáng, vượt những chặng đường đèo hiểm trở để đến trường đi học. Khi ấy, chuyện đi học thật sự là một nỗi sợ với cô. 

“Hồi nhỏ, tôi cứ nghĩ những ngọn núi ở nơi mình sinh ra đã là cao nhất thế giới rồi, nhưng khi lớn lên, quá trình làm phim cho tôi cơ hội được đi đến nhiều nơi hơn. Tôi mới nhận ra còn rất nhiều những đỉnh núi khác cao và xa hơn rất nhiều đang đợi tôi ở phía trước. Mỗi cuộc hành trình lại mở ra rất nhiều những thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng nếu không quyết tâm, thì không bao giờ tôi có thể làm phim được nữa” - Lệ Diễm chia sẻ.

Liên quan tới định kiến giới trong công việc, bà Vanessa Steinmetz - Giám đốc Tổ chức phi Chính phủ Friedrich Naumann foundation (FNF Việt Nam) lưu ý, đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới. Trao quyền cho phụ nữ có nhiều khía cạnh, để thực sự hiểu rõ khái niệm này và từng bước đạt được mục tiêu, các quốc gia cần thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Một xã hội tiến bộ là nơi phụ nữ không chỉ có tiếng nói mà tiếng nói ấy phải được lắng nghe, tôn trọng. Người phụ nữ được tạo điều kiện để phấn đấu, đạt được những mục tiêu để ra.