FLC gia hạn họp ĐHĐCĐ đến tháng 6/2022

Admin
Tập đoàn FLC đã hủy ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền tham dự đại hội cổ đông thường niên năm 2022, sau những lùm xùm liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết.

Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) mới đây đã ra thông báo hủy ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền tham dự đại hội cổ đông thường niên năm 2022, đồng thời gia hạn thời gian tổ chức đại hội tới hết tháng 6.

Trước đó, khi ông Trịnh Văn Quyết còn là Chủ tịch Tập đoàn, đã ký nghị quyết về việc triệu tập họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Ngày đăng ký cuối cùng là 23/3. Thời gian, địa điểm và nội dung họp chưa công bố cụ thể. 

Tuy nhiên, theo văn bản được ông Đặng Tất Thắng - người mới đây trở thành tân Chủ tịch FLC thay ông Trịnh Văn Quyết ký, Tập đoàn quyết định hủy ngày 23/3 là ngày chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội, đồng thời gia hạn thời gian tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022 chậm nhất tới ngày 30/6/2022.

Quyết định gia hạn thời gian tổ chức đại hội thường niên 2022 được đưa ra trong bối cảnh Tập đoàn FLC đang trải qua nhiều biến cố lớn.

Cơ quan điều tra Bộ Công An đã cáo buộc ông Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái Trịnh Thị Thúy Nga và Trịnh Thị Minh Huệ với hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Nhà chức trách cho rằng những người này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hôm 8/4, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung và bà Nguyễn Quỳnh Anh - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS cũng bị tạm giam với lý do trên. 

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cũng đánh giá Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020 có nhiều vi phạm trong quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán để một số cá nhân thao túng thị trường.

Hồ sơ doanh nghiệp - FLC gia hạn họp ĐHĐCĐ đến tháng 6/2022

Cổ phiếu "họ FLC" được giải cứu khi xuất hiện lệnh mua đối ứng lớn, phiên 13/4. (Ảnh: SSI)

Các cổ phiếu "họ FLC" mới đây cũng đã bị đưa vào danh sách các cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin), nguyên nhân do chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 so với hạn quy định. Các cổ phiếu liên quan cũng đã bị bán tháo nhiều phiên liên tiếp, "bốc hơi" từ 25-40% thị giá so với thời điểm trước khi lùm xùm thao túng chứng khoán xảy ra. 

Phiên ngày 13/4, các cổ phiếu này đều nằm sàn trong phiên sáng, sau đó bất ngờ được "giải cứu". Cổ phiếu FLC khớp lệnh hơn 28,4 triệu đơn vị để chốt phiên chỉ còn giảm 2,7% về mức 8.800 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên mức này vẫn giảm gần 40% kể từ sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bị bắt. Các mã liên quan như ROS cũng được kéo khỏi giá sàn lên 5.110 đồng/cổ phiếu, tức chỉ còn giảm 3% thay vì giảm sàn. KLF thậm chí được kéo từ sàn lên trần. Các mã HAI, ART, AMD đảo chiều sang sắc xanh ngay trong phiên.