Gia Lai mùa khô: Nhọc nhằn tìm nước sạch mỗi ngày

Admin
Nắng hạn kéo dài khiến từng giọt nước trở nên quý giá. Tại làng Klăh, người dân phải chật vật xoay xở để tìm nguồn nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Người làng "khát" nước sạch

Dưới cái nắng nóng của mùa khô Tây Nguyên, làng Klăh (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) đang bị thiếu nước sạch trầm trọng.

Mặt đất nứt nẻ, cỏ cây héo úa, dòng suối cạn trơ đáy. Nguồn nước sinh hoạt ngày một cạn kiệt, buộc người dân phải dậy từ tinh mơ, lặn lội hàng cây số chỉ để mang về vài can nước đục dùng tạm cho cả ngày. Có nhà phải hứng nước mưa, hoặc xin nước từ nơi khác để cầm cự qua mùa hạn.

Giữa cái nắng khắc nghiệt, hình ảnh những người lớn còng lưng đeo gùi, buộc kín những chai nhựa, theo sau là lũ trẻ lom khom vượt quãng đường xa để tìm nước khiến ai cũng xót xa.

Bà Linh, một người dân trong làng, chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng phải thức dậy từ lúc trời còn tối mịt, đi gần 3 cây số đến nơi có nước. Đến nơi lại phải xếp hàng chờ đến lượt, chỉ lấy được vài can mang về dùng tạm. Có hôm chờ mãi, nắng lên chói chang, mồ hôi ướt đẫm áo mà vẫn chưa tới lượt. Chỉ mong có hệ thống nước sạch kéo về làng để bà con đỡ cực mỗi mùa khô đến".

Gia Lai mùa khô: Nhọc nhằn tìm nước sạch mỗi ngày- Ảnh 1.

Các bể chứa nước trong làng đã khô cạn.

Giữa cái nắng chang chang, bà Byen ngồi bệt bên vệ đường, lưng áo ướt đẫm mồ hôi, ánh mắt không rời dòng nước nhỏ đang chậm rãi chảy vào chai. Bà thở dài: “Nắng cỡ nào cũng phải ráng chờ, có nước là mừng rồi. Nhiều khi tới nơi, nước đã cạn mất, lại phải quay về tay không".

Mong có nguồn nước ổn định

Bà Byen cho biết, làng vẫn có giếng đào, giếng khoan nhưng nước bị nhiễm vôi, chỉ dùng để tắm giặt hay tưới cây. Nước ăn uống thì phải lấy từ nước ở làng Ktu, cách đây khoảng 7km.

Mùa mưa, nước chảy mạnh nên dẫn được về 3 bể chứa trong làng, người dân không phải vất vả đi xa. Nhưng năm nay nước yếu, dân làng buộc phải dừng dẫn nước về bể, thay vào đó tập trung ra điểm giọt nước để lấy trực tiếp cho nhanh.

“Cỡ 2 ngày, tôi lại ra đây lấy nước một lần. Mỗi lần phải hứng đầy 8 đến 10 chai để dành dùng dần”, bà kể. “Nước yếu nên mỗi gùi nước phải chờ 20-30 phút mới đầy. Có hôm đông người, vừa xếp hàng vừa hứng nước, mất hơn cả tiếng đồng hồ mới mang được về".

Gia Lai mùa khô: Nhọc nhằn tìm nước sạch mỗi ngày- Ảnh 2.

Người dân di chuyển xa tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt.

Anh Yack, Trưởng thôn Klăh thông tin, làng hiện có 142 hộ với khoảng 750 nhân khẩu, trong đó phần lớn là người dân tộc Bahnar. Cuộc sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào việc trồng lúa, mì và mía. Nhưng điều lo lắng nhất hiện nay là tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng.

Theo anh, do thời tiết ngày càng khắc nghiệt, các giọt nước trong làng đã khô cạn từ lâu. Nguồn nước giếng sẵn có lại bị nhiễm vôi, nên bà con chỉ dám dùng để tắm rửa, giặt giũ, tuyệt đối không sử dụng để uống vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Gia Lai mùa khô: Nhọc nhằn tìm nước sạch mỗi ngày- Ảnh 3.

Người dân hứng từng chai nước sạch gùi về nhà.

Đưa nước ngọt về giải cơn khát ở vùng trọng điểm khô hạnThủ tướng thị sát, thăm hỏi người dân tại tỉnh khô hạn nhất cả nướcLâm Đồng: Hàng trăm ha sầu riêng thiếu nước do khô hạn

Anh Yack chia sẻ, trước đây huyện từng đầu tư một máy lọc nước đặt tại khu vực nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhưng do chi phí tiền điện hằng tháng quá cao nên người dân không sử dụng nữa, máy bỏ không đã nhiều năm.

Chính quyền xã cũng hỗ trợ xây dựng hệ thống dẫn nước từ làng Ktu về và lắp đặt 3 bể chứa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Tuy nhiên, do ống dẫn nước quá nhỏ, lượng nước về làng chỉ đủ dùng cho việc nấu ăn. Đặc biệt vào cao điểm mùa khô, tình trạng thiếu nước càng nghiêm trọng hơn.

Ông Võ Đình Huy, Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng, cho biết: “Làng Klăh là điểm thường xuyên thiếu nước sạch vào mùa khô. Bà con cũng đã chủ động khoan giếng nhưng nước bị nhiễm vôi, không thể sử dụng cho ăn uống.

Hiện tại, người dân phải dùng nguồn nước dẫn từ giọt nước làng Ktu về. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị cấp trên quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước sạch để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho bà con".