Giá lúa giảm ngày cận Tết, nông dân miền Tây gặp khó?

Admin
(Chinhphu.vn) – Nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa Đông Xuân nhưng giá bán đang giảm, khiến thu nhập giảm theo khi cái Tết cận kề, trong lúc mà mọi khoản chi tiêu phụ thuộc vào hạt lúa.
Giá lúa giảm ngày cận Tết, nông dân miền Tây gặp khó?- Ảnh 1.

Giá lúa Đồng bằng sông Cửu Long giảm những ngày cận Tết, nông dân lo lắng khi vui Tết không trọn vẹn - Ảnh: VGP/LS

Thương lái 'kỳ kèo' mua thấp hơn giá đặt cọc

Những ngày qua, tình hình giao dịch giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long biến động thất thường. Giao dịch lúa có lúc, có nơi ảm đạm, trong khi giá xuất khẩu giảm và áp lực thị trường quốc tế tác động đáng kể đến ngành nông sản, gây khó khăn và lo lắng cho nông dân khi chuẩn bị xuống giống vụ Hè Thu năm 2025.

Theo Công ty Lương thực Đồng Tháp, hiện nay, lúa chất lượng cao tại ruộng có giá thu mua từ 6.500 - 6.700 đồng/kg (giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với tuần trước và giảm khoảng 1.800 đồng/kg so với tháng trước); lúa thường có giá 5.200-5.400 đồng/kg (giảm khoảng 800 đồng/kg so với tuần trước và giảm khoảng 1.800 đồng/kg so với tháng trước).

Cập nhật từ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, giá nhiều loại lúa tuần qua giảm đáng kể. Một số mức giá ghi nhận: IR 50404: 7.200-7.300 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg. OM 5451: 7.400-7.600 đồng/kg, giảm gần 1.000 đồng/kg. Đài thơm 8 và OM 18 (tươi): 7.600-7.800 đồng/kg.

Tại Bạc Liêu, giá lúa giảm mạnh trong lúc nông dân bước vào cao điểm thu hoạch. Nhiều thương lái đã không giữ đúng cam kết, chỉ thu mua lúa ST24, ST25 với giá 8.000-8.500 đồng/kg thay vì mức giá đặt cọc ban đầu là 12.000-13.000 đồng/kg. Một số loại lúa khác chỉ đạt giá 5.000-7.000 đồng/kg, khiến lợi nhuận nông dân giảm mạnh sau khi trừ chi phí.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống còn 460 USD/tấn, thấp hơn mức 481 USD/tấn của tuần trước và chạm đáy kể từ tháng 3/2023.

Trả lời Báo Điện tử Chính phủ, bà Võ Phương Thủy, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết: Những ngày qua, giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có biến động giảm do tình hình tiêu thụ tại các thị trường đã chững lại.

Cụ thể, trên địa bàn Đồng Tháp, hiện nay, lúa vụ Đông Xuân được thu hoạch chủ yếu ở huyện Tháp Mười và Cao Lãnh (2 huyện thu hoạch trước Tết Nguyên đán). Trong bối cảnh giá lúa gạo trong nước và thế giới đi xuống, tại Đồng Tháp cũng đã xuất hiện tình trạng thương lái kỳ kèo với nông dân để mua với mức giá thấp hơn thời điểm đặt cọc trước đây.

Để giảm rủi ro và xoay vòng vốn cho vụ canh tác tiếp theo, đa số nông dân không trữ lúa sau thu hoạch mà bán lúa tươi tại ruộng nên chấp nhận bán với giá thấp hơn. Trao đổi với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp thì trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tình trạng nông dân không bán được lúa, giá bán vẫn có lợi nhuận so với giá thành sản xuất, tuy nhiên do chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá bán thấp nên mức lợi nhuận thấp hơn so với cùng kỳ.

Để hạn chế khó khăn cho nông dân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh khuyến cáo bà con tiết kiệm tối đa chi phí vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu khi xuống giống vụ tới đây. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân các biện pháp giảm giá thành sản xuất là mục tiêu chính.

Sở NN&PTNT cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình thị trường, giá thu mua giá lúa, gạo để thông tin kịp thời tình hình thị trường lúa, gạo đến nông dân, HTX.

Theo đó, Sở NN&PTNT đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp lúa gạo trên địa bàn tỉnh để nắm bắt thông tin về yêu cầu, dự báo thị trường lúa gạo sắp tới; kịp thời phối hợp với các địa phương thông tin, khuyến cáo đến nông dân, HTX có giải pháp sản xuất lúa phù hợp, đáp ứng theo nhu cầu thị trường.

Giá lúa giảm ngày cận Tết, nông dân miền Tây gặp khó?- Ảnh 2.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Quân - Ảnh: VGP/LS

Xử lý thương lái phá vỡ cam kết hoặc ép giá nông dân

Trong khi đó, trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết: Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang còn khoảng hơn 1 tháng nữa mới bắt đầu thu hoạch lúa nên hiện tại bà con nông dân vẫn chưa nhận cọc từ thương lái.

Hiện tại, có một số ít diện tích nhận cọc 10.000đ/kg đối với giống ST24, ST25. Đa phần diện tích sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh sẽ được thương lái cho giá trước thu hoạch từ 10-15 ngày. Do đó, việc giá lúa giảm thương lái bỏ cọc hoặc thương lượng lại với nông dân có xảy ra nhưng chưa nhiều, tuy nhiên vấn đề này đã ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

"Tuy giá lúa giảm như hiện nay (trên/dưới 2.000 đồng/kg) thì nông dân vẫn có lãi trên 30.000.000 đồng/ha", ông Quân nhìn nhận.

Việc giá lúa giảm trong những ngày cận Tết đồng nghĩa với việc nhiều gia đình phải cắt giảm chi tiêu, không thể mua sắm hoặc tổ chức Tết như mong muốn, làm giảm doanh thu kinh doanh của các tiểu thương, đặt biệt là các dịch vụ và sản phẩm phục vụ Tết, ảnh hưởng đến không khí Tết trong gia đình và cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, còn khoảng nửa tháng nữa là Tết Nguyên đán Ất Tỵ, trong khi vụ lúa Đông Xuân của tỉnh Hậu Giang sau Tết mới thu hoạch, điều này có ảnh hưởng nhưng chưa nhiều đến nguồn thu bà con nông dân vui Xuân đón Tết, đồng thời nguồn thu phục vụ nhu cầu Tết của nông dân Hậu Giang không hoàn toàn phụ thuộc vào sản xuất lúa.

Về giải pháp hỗ trợ nông dân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho hay: Trước mắt, hỗ trợ tối đa trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp, HTX xuất khẩu. Làm cầu nối cho DN, HTX tham gia các hội chợ nông sản quốc tế, tổ chức các sự kiện quảng bá để giới thiệu gạo Việt Nam đến các thị trường mới.

Đồng thời, kiến nghị các địa phương giám sát chặt chẽ hoạt động thu mua và xử lý kịp thời các trường hợp thương lái phá vỡ cam kết hoặc ép giá nông dân.

Về dài hạn, ông Quân cho rằng, cần tập trung vào các giải pháp như: Hoàn thiện chuỗi cung ứng và bảo quản; xây dựng và bảo vệ thương hiệu gạo Việt Nam; xây dựng và ban hành khung pháp lý rõ ràng, chặt chẽ; đẩy mạnh vai trò của chính quyền địa phương hỗ chợ cho nông dân; có cơ chế hỗ trợ tài chính hợp lý hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, HTX trong sản xuất, kinh doanh tiêu thụ lúa trên địa bàn.

Tại Kiên Giang, tình hình thu mua lúa cũng tương tự các tỉnh trong khu vực khi các nước nhập khẩu gạo lớn đang giảm, dẫn đến thị trường lúa gạo toàn cầu giảm sâu, từ đó ảnh hưởng đến tình hình giá lúa Việt Nam và giá lúa tại Kiên Giang giảm theo.

Giá lúa giảm ngày cận Tết, nông dân miền Tây gặp khó?- Ảnh 3.

Nông dân tỉnh Kiên Giang tổ chức sản xuất cánh đồng mẫu lớn - Ảnh: VGP/LS

Trả lời Báo Điện tử Chính phủ, ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho rằng, thời gian tới cần tăng cường kết nối giữa HTX - doanh nghiệp và thị trường như: Thiết lập các kênh phân phối trực tiếp từ nông dân đến doanh nghiệp và thị trường, giảm bớt chi phí trung gian, tăng lợi nhuận cho nông dân, chia sẻ khi thị trường biến động, giảm rủi ro để nông dân có thể cùng nhau chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm, tiếp cận doanh nghiệp và thị trường dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của nông dân với việc tuyên truyền về lợi ích của việc thúc đẩy liên kết tiêu thụ, tăng cường sự hợp tác, nâng cao chất lượng lúa để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, ngân hàng cần vào cuộc để hỗ trợ tài chính cho HTX và nông dân với việc cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính/ tín dụng cho nông dân để họ có thể duy trì sản xuất trong thời kỳ khó khăn, giảm giá. Đề xuất Chính phủ xem xét các biện pháp hỗ trợ như giảm thuế hoặc trợ cấp cho nông dân trong thời kỳ giá thấp nhằm bảo đảm họ có thể tiếp tục sản xuất…

Các giải pháp này sẽ giúp cải thiện tình hình tiêu thụ lúa trong thời kỳ giảm giá, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo.

Cần đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo

Theo đánh giá của các chuyên gia, giá lúa gạo giảm đến từ nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như: Trong năm 2024, hai thị trường tiêu thụ gạo lớn của Việt Nam là Philippines và Indonesia đã tăng nhập khẩu, giúp tồn kho bảo đảm trong ngắn hạn cho an ninh lương thực nên chưa vội thu mua dự trữ cho năm 2025 mà đang chờ giá gạo chuyển biến.

Việc Ấn Độ mở cửa xuất khẩu gạo trở lại với nguồn cung dồi dào, giá rẻ đã tác động đến thị trường thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam cũng như thế giới có khả năng còn giảm sâu trong năm 2025, bởi áp lực gạo giá rẻ từ Ấn Độ. Gạo cấp thấp giảm mạnh có thể kéo phân khúc gạo chất lượng cao, gạo thơm giảm theo, nhất là khi nguồn cung này được tăng cường.

Sắp tới, khi vụ Đông Xuân 2024-2025 vào thu hoạch rộ, giá lúa gạo sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Bộ Công Thương cho biết, giá gạo từ đầu năm 2025 lao dốc, hiện về dưới mức 500 USD/tấn đối với gạo 5% và 25% tấm. Kể cả một số loại gạo thơm Việt Nam cũng rơi khỏi mốc 600 USD/tấn. Đây là con số thấp nhất trong vòng 2 năm qua, khiến người nông dân lo lắng.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý 4/2024 của Bộ Công Thương, chiều 7/1 vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp và người dân sản xuất lúa gạo cần trợ lực từ nhiều bên. Chẳng hạn, ngân hàng hỗ trợ vay vốn để tăng cường mua gạo tích trữ, nhân lúc giá đang xuống thấp, giúp bình ổn thị trường trong nước. Hoặc ngành tài chính nhanh chóng hoàn tất thủ tục hoàn thuế VAT để doanh nghiệp có điều kiện xoay vòng vốn.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân bổ sung, ngay đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP năm 2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo với nhiều giải pháp quản lý rõ ràng, minh bạch hơn về xuất khẩu gạo nhằm vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa duy trì đà xuất khẩu.

Một trong những điểm quan trọng của Nghị định là quy định trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó quy định thương nhân được giãn kỳ báo cáo, định kỳ trước ngày 5 hằng tháng.

Ngoài văn bản gửi Bộ Công Thương để chỉ đạo, điều hành, doanh nghiệp phải đồng gửi Sở Công thương nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho, có cơ sở xay, xát hoặc chế biến thóc, gạo và gửi cả Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ: Với vai trò quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương cam kết đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để sớm tháo nút thắt cho mặt hàng này.

Năm 2024, Việt Nam đạt kỷ lục về xuất khẩu gạo. Tính chung cả nước xuất khẩu 9,18 triệu tấn, kim ngạch 5,75 tỷ USD. Ngành lúa gạo tăng trưởng 12% về lượng và 23% về giá trị. Ngoài ra, giá xuất khẩu bình quân 1 tấn gạo đạt 627 USD, tăng 9% so với năm 2023.


Lê Sơn

Tham khảo thêm
Vì sao giá lúa gạo giảm?Vì sao giá lúa gạo giảm?