Giải pháp mới tháo gỡ cho các dự án điện khẩn cấp

Admin
(Chinhphu.vn) - Các thủ tục đầu tư xây dựng phức tạp và mất nhiều thời gian là một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án điện bị đình trệ. Các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục qua nhiều cấp, khiến quá trình thực hiện kéo dài và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án.
Giải pháp mới tháo gỡ cho các dự án điện khẩn cấp- Ảnh 1.

Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa ra một số quy định đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện khẩn cấp.

Việc đầu tư xây dựng các dự án điện khẩn cấp là một trong những nhiệm vụ cấp thiết nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt điện năng hiện nay. Tình trạng này càng rõ ràng hơn khi nhìn vào nhu cầu phát triển của nền kinh tế, khi hệ thống điện luôn phải đối diện với nguy cơ quá tải, đặc biệt là khu vực miền Bắc.

Với mục tiêu đạt công suất cực đại 90.512 MW vào năm 2030 và đến năm 2050 là khoảng 185.187 - 208.555 MW, những thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng là không thể phủ nhận. Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu điện cục bộ đã xảy ra trong mùa khô 2023 và nguy cơ này có thể lặp lại nếu không có những cơ chế đầu tư, xây dựng công trình điện phù hợp.

Thủ tục chồng lấn phức tạp, nhà đầu tư 'ngại' làm

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), việc triển khai các dự án điện hiện nay không hề dễ dàng, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhà nước và các công ty con của họ. Các thủ tục đầu tư xây dựng phức tạp và mất nhiều thời gian là một trong những nguyên nhân chính khiến các dự án điện bị đình trệ. Các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều thủ tục qua nhiều cấp, khiến quá trình thực hiện kéo dài và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án.

Đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, sự chồng chéo trong các quy định liên quan đến nhiều luật khác nhau khiến việc thực hiện càng trở nên phức tạp, đặc biệt là khi không có quy trình rõ ràng, cụ thể. Từ Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng cho đến các quy định về đất đai, môi trường, tất cả đều tạo ra những rào cản đáng kể cho các chủ đầu tư.

Một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề huy động nguồn vốn. 

TIN LIÊN QUANInfographics: Tổng công suất các nguồn điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030Infographics: Tổng công suất các nguồn điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030

Để đáp ứng nhu cầu điện năng với tốc độ tăng trưởng khoảng 10%/năm, khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện hàng năm phải đạt mức 7,6 tỷ USD. Điều này đặt gánh nặng tài chính lớn lên các tập đoàn kinh tế nhà nước như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Thậm chí, với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài, việc thu xếp vốn vẫn là một trở ngại lớn do yêu cầu cao từ các bên cho vay như bảo lãnh Chính phủ hay chuyển đổi ngoại tệ.

Bên cạnh đó, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng cũng ngày càng trở nên phức tạp. Việc này liên quan đến nhiều địa phương, với nhiều dự án quan trọng bị vướng mắc kéo dài do các thủ tục pháp lý không rõ ràng và phức tạp.

Từ năm 2006 đến 2020, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án điện cấp bách. Đơn cử như Quyết định số 1195/QĐ-TTg năm 2005 và Quyết định số 2414/QĐ-TTg năm 2013, đã tạo ra các cơ chế đặc thù giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị và triển khai các dự án, đảm bảo cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Những chính sách này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa các dự án điện quan trọng vào vận hành đúng thời hạn.

Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, mặc dù Luật Xây dựng có quy định về công trình điện khẩn cấp, nhưng việc triển khai các dự án này vẫn gặp khó khăn do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng. Các tiêu chí xác định "các vấn đề bức thiết về an ninh năng lượng" chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc áp dụng các cơ chế đặc thù cho các dự án lưới điện vẫn gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, việc xây dựng các dự án lưới điện nhằm giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo có được hiểu là "các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh năng lượng" hay không, cũng chưa được quy định rõ, dẫn đến các dự án này vẫn phải triển khai theo các quy định chung, không rút ngắn được thời gian thực hiện.

Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW, Chính phủ đã giao nhiệm vụ rà soát, bổ sung các cơ chế đặc thù cho các dự án điện quan trọng. Điều này nhằm đảm bảo đủ vốn cho các doanh nghiệp năng lượng nhà nước thực hiện các mục tiêu chiến lược và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Việc thể chế hóa các nhiệm vụ này là điều cần thiết để đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng các công trình điện quan trọng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng.

Giải pháp mới từ Luật Điện lực (sửa đổi)

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, để giải quyết các vướng mắc trên, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa ra một số quy định đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án điện khẩn cấp. 

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyền quyết định các công trình điện khẩn cấp và giao cho các doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư, ngoại trừ các dự án sử dụng vốn đầu tư công khẩn cấp theo Luật Đầu tư công. Các dự án điện khẩn cấp sẽ được miễn thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và chuyển mục đích sử dụng rừng, trừ các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Điều này giúp rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng.

Các chủ đầu tư dự án điện khẩn cấp cũng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, bao gồm bảo lãnh Chính phủ theo quy định của Luật Quản lý nợ công, miễn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và được phép tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định hồ sơ thiết kế, phòng cháy chữa cháy và môi trường sẽ thực hiện các bước này đồng thời, giúp đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt dự án.

Một quy định khác cũng rất quan trọng là việc các dự án nguồn điện khẩn cấp sẽ được áp dụng các cơ chế về sản lượng điện tối thiểu dài hạn, nguyên tắc tính giá điện và bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Chính phủ. Điều này giúp đảm bảo tính khả thi và hiệu quả kinh tế của các dự án điện khẩn cấp, đồng thời thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư.

Trong trường hợp có mâu thuẫn, quy định của Luật Điện lực sẽ được ưu tiên áp dụng

Đại diện Cục Điều tiết Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, dự thảo Luật Điện lực cũng đã được rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo không mâu thuẫn với các quy định pháp luật khác, như Luật Đầu tư, Luật Lâm nghiệp hay Luật Xây dựng. Trong trường hợp có mâu thuẫn, các quy định của Luật Điện lực sẽ được ưu tiên áp dụng, đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán trong việc thực thi pháp luật liên quan đến các dự án điện khẩn cấp.

Ngoài ra, theo quy định mới tại Luật Lâm nghiệp, các dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác sẽ được thực hiện đồng thời với việc chấp thuận chủ trương đầu tư. Điều này giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và đẩy nhanh quá trình triển khai các dự án điện cần thiết cho việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Việc xây dựng các cơ chế đặc thù cho các dự án điện khẩn cấp là cần thiết để đảm bảo cung ứng điện năng trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng cao. Những quy định mới trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ giúp tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và đảm bảo an ninh năng lượng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Phan Trang