Giáo sư 'khai sinh' AI thế giới lần đầu sang Việt Nam chia sẻ đạo đức AI

Admin
(Chinhphu.vn) - Lần đầu tiên các chuyên gia công nghệ cùng sinh viên, lãnh đạo doanh nghiệp được trực tiếp cập nhật những kiến thức tiên tiến nhất về trí tuệ nhân tạo (AI) từ thiên tài AI thế giới - Giáo sư Yoshua Bengio ngay tại Việt Nam.
Giáo sư 'khai sinh' AI thế giới lần đầu sang Việt Nam chia sẻ đạo đức AI- Ảnh 1.

Giáo sư Yoshua Bengio chia sẻ về chủ đề “An toàn AI” - Ảnh: VGP/HM

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Hội thảo công nghệ cấp cao "AI an toàn – Định hình đổi mới có trách nhiệm" do FPT tổ chức.

Là một trong những nhà nghiên cứu quan tâm đến tác động xã hội và mục tiêu AI mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, Giáo sư Yoshua Bengio chia sẻ, điều quan trọng nhất là phát triển công nghệ cần phải đi đôi với việc bảo vệ quyền lợi của con người và sự phát triển bền vững của xã hội. 

Theo Giáo sư Yoshua Bengio, AI đang phát triển vượt bậc, hiệu quả sử dụng dữ liệu tăng 30%, hiệu suất thuật toán tăng gấp ba lần, đầu tư vào lĩnh vực này trung bình đạt 100 tỷ USD/năm, các đánh giá chuẩn mực cũng cho thấy, năng lực AI đã vượt qua khả năng của con người, đặc biệt là trong việc làm chủ ngôn ngữ và xử lý dữ liệu.

Tuy nhiên, sự tiến bộ nhanh chóng này đặt ra câu hỏi đáng lo ngại về khả năng kiểm soát những hệ thống AI thông minh hơn con người. Trong bối cảnh đó, một câu hỏi đạo đức lớn được đặt ra: Ai sẽ quyết định mục tiêu của AI? Sự cấp bách của việc hiểu rõ và hành động đúng đắn không chỉ là trách nhiệm, mà còn là yếu tố sống còn đối với tương lai nhân loại. 

Giáo sư 'khai sinh' AI thế giới lần đầu sang Việt Nam chia sẻ đạo đức AI- Ảnh 2.

Theo GS Yoshua Bengio, AI không cướp việc của con người - Ảnh: VGP/HM

Một trong những nguyên tắc quan trọng được Giáo sư Yoshua Bengio đưa ra là AI cần được xây dựng như công cụ phục vụ con người, không phải như những "tác nhân" có khả năng tự đặt ra mục tiêu và hành động, vì các mục tiêu của AI có thể mâu thuẫn hoặc vượt ngoài ý định ban đầu của con người.

Do đó, theo Giáo sư Yoshua Bengio nên tránh thiết kế "bản năng sinh tồn" cho các hệ thống AI. Điều đó có nghĩa là không nên thiết kế các hệ thống AI giống con người, có cảm xúc, ngoại hình và thậm chí cả ý thức, quyền tự quyết, tự chủ vì trí thông minh của chúng có thể nhanh chóng vượt qua con người và có thể trở thành những AI lừa đảo, thúc đẩy những lợi ích, mục tiêu không hoàn toàn vì hạnh phúc của nhân loại.

AI không cướp việc của con người

Theo Giáo sư Yoshua Bengio, làn sóng sa thải trong ngành công nghệ không hoàn toàn là do hệ quả của sự phát triển AI mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố điều chỉnh kinh tế. "AI thể hiện sự tiến bộ xuất sắc trong nhiều lĩnh vực nhưng chưa hoàn toàn thay thế được con người, đặc biệt ở những công đoạn đòi hỏi tư duy chiến lược, nghiên cứu …", Giáo sư Yoshua Bengio chia sẻ. 

Giáo sư 'khai sinh' AI thế giới lần đầu sang Việt Nam chia sẻ đạo đức AI- Ảnh 3.

Ra mắt Ủy ban Đạo đức AI trực thuộc Vinasa - Ảnh: VGP/HM

Một thống kê năm 2023 về tương lai của thị trường lao động tại Diễn đàn kinh tế thế giới cho biết, đến năm 2025, AI dự kiến sẽ tạo ra 12 triệu việc làm mới trên toàn cầu. Một nghiên cứu khác của McKinsey cũng cho thấy, AI có thể đóng góp vào việc tạo ra từ 20 triệu đến 50 triệu việc làm mới trên thế giới vào năm 2030.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, ông Trương Gia Bình, AI cần được coi là một "đồng minh" chứ không phải một mối đe dọa lấy mất việc làm của con người. Việc học hỏi và ứng dụng AI là vô cùng quan trọng để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường lao động; bao gồm những hiểu biết cơ bản về AI, học máy, khoa học dữ liệu, cũng như các kỹ năng giải quyết vấn đề và phân tích để làm việc hiệu quả với các hệ thống AI.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) đã công bố thành lập Ủy ban Đạo đức trí tuệ nhân tạo.

Ủy ban có sứ mệnh định hướng lộ trình phát triển AI của Việt Nam, đảm bảo AI được triển khai theo chuẩn mực đạo đức, đổi mới sáng tạo song hành với lợi ích xã hội và thúc đẩy môi trường pháp lý thuận lợi cho AI. Các nhiệm vụ chính của Uỷ ban gồm phát triển tiêu chuẩn an toàn AI, phân tích rủi ro và nâng cao nhận thức về AI có trách nhiệm.

Hiền Minh

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Chính phủ Việt Nam và NVIDIA hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, Trung tâm Dữ liệu AIChính phủ Việt Nam và NVIDIA hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, Trung tâm Dữ liệu AI
Tham khảo thêm
AI muốn thông minh hơn, cần con người dạy kỹ năngAI muốn thông minh hơn, cần con người dạy kỹ năng