Giúp sinh viên sử dụng ‘đồng tiền thông thái’

Admin
(Chinhphu.vn) – “Đồng tiền thông thái” là chủ đề của chuỗi sự kiện giáo dục tài chính năm 2024 được tổ chức trong 2 ngày (1-2/10), tại Hà Nội, nhằm truyền tải các thông tin về tài chính ngân hàng một cách sinh động, đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu và có sức lan tỏa rộng rãi.
Giúp sinh viên sử dụng ‘đồng tiền thông thái’- Ảnh 1.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú (giữa), Vụ trưởng Vụ Truyền thông Lê Thị Thúy Sen và Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng Bùi Hữu Toàn khai mạc chuỗi sự kiện - Ảnh: VGP/ Văn Hiền.

Sự kiện do Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp cùng Học viện Ngân hàng tổ chức dành cho tất cả sinh viên đang theo học tại các trường Đại học, Học viện và Cao đẳng khu vực Hà Nội.

Chuỗi sự kiện năm nay được tổ chức nhằm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các đề án của Chính phủ đưa ra, bao gồm: Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công…

Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ truyền thông (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, mục tiêu của chuỗi sự kiện là trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về tài chính - ngân hàng, lịch sử tiền tệ Việt Nam, hiểu về giá trị của đồng tiền.

Bên cạnh talkshow "Hiểu biết về đồng tiền Việt Nam", các bạn sinh viên còn có cơ hội trò chuyện, giao lưu và lắng nghe những chia sẻ hữu ích từ các chuyên gia trong buổi tọa đàm về giáo dục tài chính. Tọa đàm trang bị cho sinh viên kiến thức về cách bảo vệ bản thân trước rủi ro khi sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính.

Tại sự kiện, bà Lê Minh Trang, Trưởng phòng Quản lý sản phẩm đầu tư và phân khúc khách hàng trung lưu (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng) cũng đã chia sẻ về hai mặt của tín dụng tiêu dùng, đồng thời đưa ra những giải pháp giúp sinh viên quản lý tài chính cá nhân một cách hợp lý.

3 giải pháp quản lý tín dụng tiêu dùng hiệu quả được bà Trang đề xuất bao gồm: lập kế hoạch chi tiêu, theo dõi và kiểm soát chi tiêu và nắm rõ lãi suất cũng như điều khoản của thẻ tín dụng.

Bà Trang cũng cho rằng, tín dụng tiêu dùng có thể là con dao hai lưỡi, giúp sinh viên đạt được các mục tiêu ngắn hạn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Vì vậy, sinh viên cần trở thành những người tiêu dùng thông minh, hiểu rõ nhu cầu của bản thân và sử dụng tín dụng một cách có trách nhiệm để xây dựng tương lai tài chính vững chắc.

Với chủ đề Thanh toán không dùng tiền mặt và những lưu ý khi sử dụng, bà Nguyễn Thị Thúy Giang, Chuyên gia Phát triển sản phẩm thuộc Khối Ngân hàng Bán lẻ, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã đưa ra cảnh báo về 7 ‘KHÔNG’ giúp sinh viên nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo qua thẻ ngân hàng.

Bên cạnh đó, bà Giang còn đề xuất những tình huống thực tế cùng các giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro khi sử dụng dịch vụ Internet Banking, giúp sinh viên bảo vệ tài chính cá nhân an toàn hơn trong thời đại số hóa.

Văn Hiền

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
15.000 sinh viên từ 27 trường ĐH tham gia 'sân chơi' giáo dục về tài chính15.000 sinh viên từ 27 trường ĐH tham gia 'sân chơi' giáo dục về tài chính
Tham khảo thêm
Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên, đẩy mạnh hội nhập quốc tếNâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên, đẩy mạnh hội nhập quốc tế