
Ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội chia sẻ thông tin tại tọa đàm- Ảnh: VGP/HT
Chính sách thuế và kỳ vọng đồng hành cùng hộ kinh doanh
Tại Tọa đàm Hộ kinh doanh với chính sách thuế mới, thách thức và giải pháp đồng hành tổ chức ngày 8/7, ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về hộ kinh doanh là then chốt để hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân. Với định hướng công khai, minh bạch, đơn giản, ngành thuế Hà Nội đang tập trung cải cách hành chính, mở rộng hỗ trợ trực tuyến, sử dụng nền tảng AI và chatbot để giải đáp thắc mắc kịp thời cho người dân.
Theo ông Nguyễn Tiến Minh, bên cạnh việc hộ kinh doanh cần chủ động tìm hiểu quy định pháp luật và các yêu cầu như hóa đơn - chứng từ, xuất xứ hàng hóa, phòng cháy chữa cháy…, thì sự tuân thủ tự giác sẽ là nền tảng để hoạt động bền vững. Cùng với đó, hệ sinh thái công nghệ cũng đang được phối hợp xây dựng, đồng hành với doanh nghiệp phần mềm để hỗ trợ hộ kinh doanh.
Từ góc độ chuyên gia tư vấn, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc minh bạch hóa dòng tiền và mô hình kinh doanh.
Việc chuyển đổi sang doanh nghiệp không chỉ giúp tiếp cận ưu đãi thuế mà còn mở rộng quy mô, tiếp cận vốn tín dụng và hoạt động bài bản hơn. Tuy nhiên, bà Cúc cũng thẳng thắn nhìn nhận, chính sách thuế hiện tại còn phức tạp, đòi hỏi ngành thuế tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và nâng cấp hạ tầng công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện Nghị định 70 và chuyển đổi số theo Nghị quyết 06.

Ông Lê Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội - Ảnh: VGP/HT
Đại diện lực lượng quản lý thị trường, ông Lê Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội cho rằng, việc triển khai hóa đơn điện tử không chỉ là tuân thủ quy định mà còn giúp hộ kinh doanh minh bạch hơn.
Ông Lê Nguyên nhấn mạnh, thượng tôn pháp luật là nền tảng phát triển bền vững, những hộ kinh doanh nghiêm túc sẽ có điều kiện tiếp cận các chính sách hỗ trợ và mở rộng hoạt động. Lực lượng QLTT cũng cam kết đồng hành, hướng dẫn hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi mô hình và tuân thủ quy định mới.
Nút thắt từ thực tế và những giải pháp đang được triển khai
Theo các đại biểu, trong thực tế, mô hình hộ kinh doanh hiện nay rất đa dạng, từ người lớn tuổi buôn bán truyền thống đến thế hệ Gen Z kinh doanh online. Theo bà Bùi Thị Trang, Giám đốc Khối Kế toán dịch vụ và Hộ kinh doanh (MISA), sự đa dạng đó tạo nên thách thức không nhỏ trong triển khai hóa đơn điện tử. Nhiều hộ vẫn dùng tiền mặt, ghi chép thủ công, không tách bạch được tiền cá nhân và dòng tiền kinh doanh, trong khi để xuất hóa đơn đầu ra đúng chuẩn thì cần hóa đơn đầu vào - điều mà nhiều hộ còn thiếu.
Đồng hành cùng quá trình này, MISA đã triển khai các giải pháp đơn giản, tiết kiệm, nhanh chóng, hỗ trợ từng bước từ đăng ký kinh doanh, lập tờ khai đến sử dụng phần mềm hóa đơn. Bên cạnh đó, các hộ được chia thành từng nhóm để áp dụng giải pháp phù hợp, nhờ vậy có thể hỗ trợ hiệu quả hơn.

Bà Bùi Thị Trang, Giám đốc Khối Kế toán dịch vụ và Hộ kinh doanh (MISA) - Ảnh: VGP/HT
Tương tự, bà Nguyễn Thị Minh Khuê, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Sapo cho rằng, nhiều hộ muốn tuân thủ quy định nhưng gặp khó khăn trong tiếp cận cơ quan chức năng. Đặc biệt, có một số người lớn tuổi lúng túng trong sử dụng phần mềm, cần nhiều thời gian làm quen. Sapo không chỉ cung cấp phần mềm mà còn là cầu nối giữa người kinh doanh và cơ quan thuế, triển khai các gói hỗ trợ chi phí thấp hoặc miễn phí để người dùng dễ dàng tiếp cận.
Thượng tá Lê Văn Mạnh, Phó Giám đốc Viettel Hà Nội cho biết, phần mềm hỗ trợ hộ kinh doanh kê khai thuế được xây dựng với 4 tiêu chí cốt lõi: Làm được bằng mọi giá, ai cũng dùng được, ở đâu cũng dùng được và thiết bị nào cũng dùng được. Giải pháp "kê khai thuế một chạm" cho phép người dùng thao tác dễ dàng trên điện thoại thông minh, tăng minh bạch và góp phần giảm hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
Dù vậy, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, cần quan tâm đến nhóm người cao tuổi - những người còn lúng túng với công nghệ. Cơ quan quản lý không chỉ cải cách về chính sách mà còn cần tạo sự an tâm cho người dân. Đồng thời, bà Cúc cũng nhấn mạnh tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc cần được xử lý nghiêm; ngược lại, mặt hàng gia dụng phổ thông nên được quản lý linh hoạt, hỗ trợ tiêu thụ hợp lý.

Ông Lê Ngọc Sơn – Đại diện Ban quản lý chợ Đồng Xuân - Ảnh: VGP/HT
Ông Lê Ngọc Sơn, đại diện Ban quản lý chợ Đồng Xuân chia sẻ, ban đầu hộ kinh doanh phản ứng với mã QR, nhưng sau khi được hỗ trợ, 100% hộ tại chợ đã sử dụng. Tuy nhiên, khi triển khai chính sách thuế mới, một số tiểu thương lo ngại thiếu hóa đơn đầu vào. Ban quản lý đã trấn an, hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể để hộ yên tâm tiếp tục hoạt động.
Liên quan đến chính sách thuế, nhiều hộ kinh doanh cũng nêu một số vướng mắc. Đặc thù của chợ Đồng Xuân là chợ bán buôn, hàng hóa mang tính mùa vụ. Một số mặt hàng được gọi là "hồi" - nghĩa là chỉ quay vòng sau đúng một năm, không phải theo tháng - dẫn đến việc kê khai theo thời gian ngắn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, cơ quan thuế đã có hướng dẫn linh hoạt, cho phép kê khai theo mã số, giá cả, mã ngành hàng… phù hợp với đặc thù kinh doanh của chợ truyền thống.
"Với vai trò cơ quan quản lý, chúng tôi thường xuyên thống kê tình hình hoạt động. Hiện tại, chợ Đồng Xuân có khoảng 2.100 hộ kinh doanh thường xuyên", ông Lê Ngọc Sơn nói.
Xu hướng chuyển đổi, thuế hỗ trợ linh hoạtTheo ông Nguyễn Tiến Minh, Hà Nội hiện có khoảng 5.000 hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng - đối tượng bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền theo Nghị định 70.
Từ đầu tháng 6/2025, khi Nghị định 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực, đã có thêm 9.155 hộ đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Trong đó, 4.379 hộ thuộc diện bắt buộc và 4.776 hộ tự nguyện sau tuyên truyền - tăng gấp 3 lần so với giai đoạn đầu năm 2023-2024.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn xuất hiện lo ngại bị truy thu do doanh thu kê khai tăng so với mức khoán cũ. Cục Thuế Hà Nội khẳng định không thực hiện truy thu, trừ trường hợp phát sinh doanh thu cao bất thường. Với hộ kê khai sai sót, có thể bổ sung thông tin; với hộ khoán, nếu vượt quá 50% doanh thu thì điều chỉnh cho thời gian còn lại trong năm.
Để tháo gỡ vướng mắc, ngành thuế tiếp tục đối thoại, khảo sát thực tế, hỗ trợ miễn phí phần mềm đến 6 tháng, đồng thời phối hợp với nhà cung cấp đơn giản hóa công cụ tính tiền, phù hợp nhu cầu từng hộ.

Bà Nguyễn Thùy Dương – Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị phường Hai Bà Trưng - Ảnh: VGP/HT
Còn theo bà Nguyễn Thùy Dương, Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị phường Hai Bà Trưng, một thực tế đang đặt ra không ít thách thức là số lượng hộ đăng ký kinh doanh mới trong năm nay tại phường này giảm đáng kể, trong khi số lượng hộ xin ngừng hoạt động, đóng cửa lại tăng cao so với năm trước.
Có sự chênh lệch giữa hộ đăng ký và hộ đang nộp thuế, việc quản lý gặp khó khăn.
Một trong những nguyên nhân cơ bản là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn chưa nhận thấy rõ lợi ích, sự ưu việt và minh bạch mà mô hình kinh doanh mới, có ứng dụng công nghệ và tuân thủ quy định mang lại. Việc chuyển đổi từ hình thức kinh doanh truyền thống sang mô hình chuyên nghiệp hơn còn gặp tâm lý ngại thay đổi, lo lắng về chi phí và thủ tục.
Cán bộ Phường đã chỉ đạo tổ dân phố tăng cường tuyên truyền, vận động đăng ký đúng quy định, đồng thời phối hợp cơ quan thuế kiểm tra và xử lý những hộ cố tình trốn tránh nghĩa vụ.
Tại tọa đàm, nhiều hộ như ông Bùi Duy Ninh (Giảng Võ) hay bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Đồng Xuân) cũng chia sẻ, họ hoàn toàn đồng tình với các chính sách mới. Khi được hướng dẫn rõ ràng, minh bạch, họ sẵn sàng nâng cấp lên doanh nghiệp để phát triển bền vững.
Từ ngày 1/7/2025, Nghị định 168/2025/NĐ-CP đã quy định mã số hộ kinh doanh đồng thời là mã số thuế, nộp hồ sơ đăng ký qua mạng, bỏ nhiều điều kiện không còn phù hợp. Đặc biệt, rút ngắn thời gian xử lý từ 3 ngày xuống còn 1 ngày, giúp thủ tục thuận lợi hơn.
Trong 6 tháng đầu năm, thống kê của TP Hà Nội ghi nhận 58.366 hộ kinh doanh thành lập mới, tăng 105% so với cùng kỳ năm 2024 - một tín hiệu cho thấy sự chuyển động tích cực của cộng đồng hộ kinh doanh.
Huy Thắng
Tham khảo thêm