Theo phong tục cổ truyền, đêm giao thừa là khoảng thời gian của sự yên bình, rũ bỏ muộn phiền, cầu mong năm mới may mắn, hanh thông.
Chuyên gia cho biết, vào thời điểm này, gia chủ nên cúng thần linh ngoài trời trước, sau đó mới cúng gia tiên trong nhà. Phần lớn mọi người chuẩn bị 2 mâm cúng: cỗ chay ngoài trời và cỗ mặn trong nhà. Tuy nhiên, cũng có gia đình cúng cỗ mặn ngoài trời.
Từ xưa đến nay, lễ vật vẫn theo quan niệm khả năng bao nhiêu thì bày bấy nhiêu. Quan trọng là lòng thành, tâm hiếu thuận. Dù vậy, mâm cúng giao thừa hàng năm đều có những món ăn truyền thống và lễ vật phổ biến.
Mâm lễ cúng Giao thừa ngoài trời
Tùy theo gia chủ, mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời có thể làm cỗ chay hoặc cỗ mặn. Tuy nhiên, mâm cúng đều có: hoa quả, trầu cau, rượu, trà, muối, gạo, quần áo và mũ nón thần linh.
Đối với mâm lễ mặn thì phải có thịt heo luộc hoặc gà trống luộc, bánh chưng, xôi, hoa tươi...
Với cỗ chay thường bao gồm: bánh, kẹo, mứt, cơm canh chay, trà nước.
Gia chủ bày mâm cúng phải trước cửa nhà, không cúng trong nhà hay ban công. Tùy thuộc vào từng gia đình, địa phương mà các món trong mâm cúng có thể thay đổi phù hợp với điều kiện.
Mâm lễ cúng Giao thừa trong nhà
Sau khi cúng ngoài trời, gia chủ quay trở lại thực hiện nghi lễ cúng trong nhà. Mâm cúng giao thừa trong nhà là cúng bái tổ tiên, mời tổ tiên về nhà đón một năm mới với con cháu theo tín ngưỡng dân gian của người Việt. Mâm lễ cũng là tấm lòng của con cháu cám ơn ông bà tổ tiên đã đồng hành, bảo vệ và độ trì thoát khỏi tai ách, làm ăn thuận lợi.
Mâm cúng Giao thừa trong nhà được đặt trên ban thờ bao gồm: 1 đĩa trầu cau và đĩa trái cây với 5 loại quả (mâm ngũ quả), đèn dầu, 5 chung trà, bánh mứt các loại, 1 bình hoa cúng…
Trong đó, mâm ngũ quả phải có đủ 5 loại quả có màu sắc khác nhau. Bởi từ xưa, ông cha ta đã quan niệm Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh là những điều quý giá và luôn mong mỏi đạt được trong năm mới. Ngoài ra, mâm ngũ quả còn thể hiện ý nghĩa nguồn của cải năm phương mang về kính lên tổ tiên.
Hiện nay, mâm ngũ quả thường được bày biện phù hợp với vùng miền, cũng như kinh tế của từng gia đình. Tuy nhiên, cơ bản mâm ngũ quả cúng Tết phải dung hòa 5 màu sắc tượng trưng ngũ hành trong vũ trụ Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Trái cây thường dùng để bày biện mâm ngũ quả gồm: chuối, bưởi (hoặc quả phật thủ), cam, quất, đào, hồng, táo, lựu…
Trong khi đó, mâm cỗ mặn gồm các món ăn truyền thống ngày Tết như: Gà luộc, bánh chưng, giò lụa, xôi gấc hoặc xôi đỗ, canh miến...
Tùy theo từng địa phương, vùng miền mà các món bày trong mâm cỗ mặn và hoa quả sẽ khác nhau. Tuy nhiên, mâm cỗ cần được chuẩn bị sạch sẽ, chỉn chu.
* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo
Minh Hoa (t/h)