Góp sức vào thế trận đối ngoại vững chắc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc

Admin
Xuyên suốt kể từ khi thành lập, công tác đối ngoại nhân dân là một lĩnh vực thể hiện rõ nhất tính chính trị của Hội Luật gia Việt Nam, một tổ chức nghề luật lớn nhất tại Việt Nam được Đảng xác định là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.

Quán triệt quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác đối ngoại, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam đã chủ động triển khai các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và đóng góp cho sự phát triển chung của các cơ chế đa phương, đồng thời, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương với các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật.

Góp sức vào thế trận đối ngoại vững chắc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc- Ảnh 1.

Đoàn đại biểu Hội Luật gia Việt Nam tham dự Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông: Vì hòa bình và phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế” năm 2023.

Góp tiếng nói bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc

Với tư cách là một thành viên Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) và Hội Luật gia Châu Á - Thái Bình Dương (COLAP), Hội Luật gia Việt Nam luôn chú trọng việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề Biển Đông cho giới luật gia quốc tế. Bên cạnh việc cử đại diện Hội phát biểu, trình bày tham luận về chủ đề Biển Đông tại các diễn đàn của IADL, COLAP và đề nghị các tổ chức này ra tuyên bố, có ý kiến ủng hộ Việt Nam tại các hội nghị thường niên, Hội đều cố gắng đề xuất đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị những nội dung thảo luận về vấn đề Biển Đông. Trên cơ sở đó, Tuyên bố chung của hội nghị thường có nội dung về vấn đề Biển Đông.

Điển hình là vào năm 2019, Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp và đề xuất để IADL ra tuyên bố trước những hành vi khiêu khích, leo thang căng thẳng ở Biển Đông trong sự kiện Trung Quốc đưa tàu khảo sát dầu khí Hải Dương 8 và các tàu hộ tống vào hoạt động bất hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông, vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Trong tuyên bố này, IADL yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, ngừng ngay việc triển khai các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình và gia tăng căng thẳng giữa các bên liên quan và bắt đầu tập trung vào việc xây dựng niềm tin để duy trì an ninh, hòa bình và ổn định trên Biển Đông nói riêng và trong khu vực nói chung…

Góp sức vào thế trận đối ngoại vững chắc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc- Ảnh 2.

Cuộc họp triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam và Hội Luật gia Liên bang Nga, năm 2024

Bên cạnh đó, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức, tham gia tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế về Biển Đông.

Cụ thể là trong nhiệm kỳ, Hội đã phối hợp với IADL và Quỹ quốc tế Con đường hòa bình, Trung tâm Luật hòa bình của Liên bang Nga tổ chức 3 hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông với chủ đề: "Tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông" tại Liên Bang Nga trong năm 2019, 2022, 2023; phối hợp với Học viện Ngoại giao và Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông thường niên lần thứ 11; tham dự 4 hội thảo thường niên về Biển Đông lần thứ 12, 13, 14, 15; trình bày tham luận về vấn đề Biển Đông tại Hội thảo về Pháp luật quốc tế do Quỹ con đường hòa bình - Liên bang Nga tổ chức năm 2023, qua đó đã góp phần thông tin đến giới luật gia quốc tế và luật gia Nga về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại Biển Đông, góp phần thiết thực vào công tác vận động, đấu tranh, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc.

Phát huy vai trò của tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực pháp luật, Hội đã lên tiếng đấu tranh, bày tỏ quan điểm trên diễn đàn quốc tế về các vấn đề dân chủ, chủ quyền, dân tộc thiểu số, tôn giáo để bảo vệ đường lối, chính sách đúng đắn và nhất quán của Đảng, pháp luật của Nhà nước trước các nhận định sai trái của các cơ quan, tổ chức Việt nam trên diễn đàn pháp lý quốc tế.

Sự kiện nổi bật trong mảng hoạt động này là Hội Luật gia Việt Nam đã cử đại diện của Trung tâm tư vấn pháp luật tái hòa nhập cộng đồng tham gia Quy chế tham vấn giữa Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và các tổ chức phi chính phủ trong các nước thành viên ASEAN.

Đồng thời, Hội cũng tiếp tục ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam thông qua việc Hội đã soạn thảo dự thảo và đề xuất IADL phát hành thư ngỏ ngày 4/5/2024 gửi tới Tòa phúc thẩm Paris trước khi Tòa này mở phiên điều trần liên quan đến vụ kiện dân sự giữa bà Trần Tố Nga - công dân Pháp gốc Việt và các tập đoàn hóa chất Mỹ đã cung cấp cho quân đội nước này chất độc da cam/dioxin để sử dụng trong chiến tranh Việt Nam vào ngày 7/5/2024. Thư ngỏ của IADL đã bày tỏ quan điểm phản đối quyết định của Tòa án đại hình Evry đồng thời kiến nghị Tòa phúc thẩm Paris bác bỏ quyết định vô lý của Tòa đại hình Evry, xem xét kỹ lưỡng mọi yếu tố liên quan nhằm đưa ra một phán quyết công bằng để các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được bồi thường thỏa đáng cho những khổ đau mà họ đã và đang phải gánh chịu.

Tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề luật

Trong nhiệm kỳ, Hội Luật gia Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác trên cơ sở ký kết Thỏa thuận hợp tác song phương với Ủy ban đối ngoại của thành phố Saint Petersburg, Liên bang Nga và ký lại Thỏa thuận với Hội Luật gia bang California, Hoa Kỳ.

Tính đến nay, Hội đã thiết lập và duy trì các quan hệ hợp tác song phương với 11 tổ chức luật gia của các nước trong khu vực và trên thế giới. Qua các hoạt động trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với các hiệp hội nghề luật này đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Hội, tạo cơ hội để các hội viên của Hội thiết lập mối quan hệ nghề nghiệp với bạn bè đồng nghiệp quốc tế, đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế về hệ thống pháp luật, tư pháp của Việt Nam cũng như quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước trong công cuộc cải cách pháp luật, tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Góp sức vào thế trận đối ngoại vững chắc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc- Ảnh 3.

Lễ khai mạc Vòng thi quốc gia phiên tòa giả định cho sinh viên luật toàn quốc để lựa chọn đội xuất sắc nhất tham dự cuộc thi ASEAN Moot 2023 vào tháng 10/2023 tại Malaysia.

Đặc biệt, Hội Luật gia Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Vòng thi quốc gia phiên tòa giả định cho sinh viên luật toàn quốc để lựa chọn đội xuất sắc nhất tham dự cuộc thi ASEAN Moot 2023 được tổ chức trong khuôn khổ khuôn khổ Đại hội lần thứ XIV của Hiệp hội Luật các nước ASEAN (ALA) vào tháng 10/2023 tại Malaysia. 

Đội tuyển Việt Nam đã thể hiện sự nỗ lực hết sức và được vào vòng bán kết. Kết quả chung cuộc, 1 sinh viên Việt Nam đã giành được giải ba cho danh hiệu "Sinh viên tranh tụng hay nhất", đồng thời đội Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với Ban tổ chức, giám khảo, các đội tuyển từ các quốc gia khác về kiến thức pháp lý, ngoại ngữ, khả năng tranh luận và tinh thần thân thiện của người Việt Nam. Kết quả này đã đóng góp tích cực cho lĩnh vực công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của Hội, gây tiếng vang lớn cho Hội Luật gia Việt Nam trước cộng đồng luật gia trong khu vực.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường năng lực cho hội viên và cán bộ các cấp hội, đồng thời góp phần hỗ trợ các hoạt động chuyên môn, Hội luôn giữ mối quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống và tìm kiếm các đối tác mới để triển khai một số dự án, hoạt động hợp tác. Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, Hội đã tiếp tục hợp tác với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP); Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF); Quỹ hỗ trợ các sáng kiến tư pháp (JIFF); Tổ chức ActionAid Việt Nam, Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới, Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ (ABA), Quỹ Hợp tác quốc tế về pháp luật Đức (IRZ)…

Trong khuôn khổ hoạt động hợp tác này, Hội đã tổ chức 45 tập huấn, hội thảo, trong đó tập trung vào mục tiêu nâng cao kiến thức, kỹ năng tham gia xây dựng pháp luật, kỹ năng phổ biến, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, với sự tham gia của 1.703 lượt cán bộ hội, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên pháp luật.

Góp sức vào thế trận đối ngoại vững chắc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc- Ảnh 4.

Đoàn đại biểu Hội Luật gia Việt Nam tham dự Đại hội đồng Hiệp hội Luật gia Đông Nam Á lần thứ 14, năm 2023

Với những đóng góp đặc biệt quan trọng, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam đã được Ban Đối ngoại Trung ương Đảng tặng 1 cờ thi đua cho tập thể dẫn đầu (năm 2019) và 2 bằng khen cho tập thể xuất sắc trong công tác đối ngoại nhân dân trên lĩnh vực này (năm 2022 và năm 2023).

Khẳng định uy tín quốc tế

Đánh giá về mặt công tác quan trọng này, Luật gia Lê Thị Kim Thanh - Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác đối ngoại nhân dân và hợp tác quốc tế của Hội Luật gia Việt Nam đã được tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu với nhiều kết quả tích cực.

"Trên bình diện đối ngoại, Hội Luật gia Việt Nam đã phát huy vị thế của mình là một tổ chức luật gia có uy tín trong cộng đồng luật gia quốc tế. Hội khẳng định được vai trò tích cực, chủ động tại các cơ chế đa phương, phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước tạo thành thế trận đối ngoại vứng chắc để đấu tranh, vận động bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, làm cho dư luận quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng, ủng hộ những vấn đề liên quan tới lợi ích chính đáng của Việt Nam, đồng thời đóng góp cho phong trào chung của nhân dân thế giới vì hòa bình và tiến bộ xã hội", Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nói.

Góp sức vào thế trận đối ngoại vững chắc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc- Ảnh 5.

Luật gia Lê Thị Kim Thanh - Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

Trong những năm tới, bối cảnh thế giới tiếp tục có những thay đổi vô cùng nhanh chóng, phức tạp, khó lường và chưa có tiền lệ. Cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng về mức độ, mở rộng về phạm vi và lĩnh vực, gây ra những tác động không chỉ về an ninh - chính trị, hòa bình - ổn định, mà còn cả kinh tế - xã hội, cấu trúc quan hệ quốc tế.

Trước bối cảnh đó, Hội Luật gia Việt Nam xác định sẽ tiếp tục củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác với các tổ chức Luật gia thế giới, khu vực, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân tiến bộ trong khu vực và thế giới; thực hiện và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và cải cách tư pháp theo đúng các nguyên tắc và định hướng của Đảng và Nhà nước.

Đóng góp quan trọng của Hội Luật gia Việt Nam trên mặt trận đối ngoại nhân dânTủ sách tiếng Việt đạt giải nhì giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X

Bên cạnh đó, phát huy vai trò trong công tác thông tin đối ngoại, đối ngoại nhân dân, giới thiệu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các đối tác quốc tế; tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; xây dựng, kết nối mạng lưới luật gia, chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài.

Hội Luật gia Việt Nam cũng chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về cơ sở pháp lý phục vụ, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, góp phần đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

"Công tác đối ngoại của Hội Luật gia Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn, nhưng cũng đầy thách thức, nhất là trong công tác huy động mặt trận đoàn kết quốc tế ủng hộ Việt Nam, xây dựng nền tảng quốc tế tích cực, thuận lợi, góp phần củng cố môi trường an ninh và phát triển của đất nước. 

Đây là yêu cầu đòi hỏi Hội cùng các lực lượng làm công tác đối ngoại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, phải không ngừng nỗ lực, củng cố, đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế, góp phần tạo thế và lực mới cho đất nước, phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Lê Thị Kim Thanh nói.