Công khai bày bán rượu, thuốc lá, dược mỹ phẩm không tem nhãn phụ
Hiện nay, một bộ phận người tiêu dùng rất ưa chuộng sản phẩm Trung Quốc vì giá rẻ và hương vị đa dạng. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa,... bán các sản phẩm được quảng cáo là “hàng nội địa Trung Quốc” ồ ạt xuất hiện, tràn lan và gây “sốt” trên thị trường thành phố Hà Nội.

Hàng chục sản phẩm ăn nhanh được bày bán tại siêu thị Trung Hoa số 5 Tú Mỡ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Theo ghi nhận của phóng viên Người Đưa Tin, tại Siêu thị có tên Trung Hoa địa chỉ số 5 Tú Mỡ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Tp. Hà Nội địa điểm này như một "thủ phủ" hàng hóa Trung Quốc, đang bày bán hàng nghìn sản phẩm có xuất xứ từ chữ Trung Quốc tuy nhiên lại không hề được dán tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Tại đây bày bán la liệt đa dạng các chủng loại, từ bánh kẹo, nước ngọt, mì tôm, gia vị, xúc xích, đùi vịt ăn liền, chân gà ăn liền, mực, bạch tuộc ăn liền, thuốc lá.

Sản phẩm chân gà đóng túi không hề được gắn tem nhãn phụ theo quy định.
Tại siêu thị này còn ngang nhiên bày bán các loại thuốc dạ dày, thuốc nhuận tràng, thuốc cảm cúm, viên uống lưu thông máu, … các loại sản phẩm, hàng hóa tại siêu thị này hầu hết có chữ tượng hình trên nhãn gốc của sản phẩm, đồng thời không có bất kỳ thông tin tiếng Việt trên vỏ, hộp.

Đáng lo ngại khi siêu thị này bày bán cả các loại thuốc.
Đặc biệt, một số mặt hàng đắt đỏ như rượu có giá trị từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng cũng được bày bán theo dãy dài. Từ chai không hộp, đến chai đóng hộp cũng toàn chữ Trung Quốc, không có tem nhãn phụ Tiếng Việt khiến người tiêu dùng rất khó trong việc chọn mua sản phẩm, cũng như băn khoăn về chất lượng hàng hóa cũng như thành phần và công dụng thật sự của chúng.
Khu vực quầy thời trang, vật dụng thiết yếu,... các kệ hàng đầy ắp đồ ăn với hình dạng độc đáo, từ bánh quy, kẹo dẻo, đến nước uống, chân gà,... Tuy nhiên, thông tin cũng thuần túy tiếng Trung, hầu hết sản phẩm này đều không có tem hay nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định của pháp luật.

Hàng chục loại thuốc lá được bày bán công khai.
Khi được hỏi về lý do mua sắm tại siêu thị trên, một khách hàng cho biết các con cháu trong gia đình rất thích đồ ăn ở đây vì nhìn bắt mắt và giá thành phải chăng. Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc những sản phẩm trên không có tem phụ tiếng Việt có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng vị khách trên cho rằng, bản thân nghĩ một siêu thị to như này hoạt động thì các cơ quan quản lý sở tại cũng đã phải đến kiểm tra rồi…
Tuy nhiên, vị này chia sẻ với phóng viên bản thân cũng chỉ dám mua đồ ăn vặt như chân vịt hoặc xúc xích, ngoài ra không dám mua gì do lo sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Nhiều loại hoá mỹ phẩm bày bán cũng không được gắn tem nhãn phụ.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên địa bàn quận Cầu Giấy còn một số siêu thị, cửa hàng cũng bày bán nhiều sản phẩm như siêu thị tại số 5 Tú Mỡ, phường Trung Hoà. Ghi nhận thực tế tại cửa hàng ăn vặt ở số 26 Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy, các mặt hàng ở đây khá phong phú và đa dạng nhưng chủ yếu là thực phẩm như bánh kẹo, bim bim, đùi gà, cánh gà, các loại hạt... Tuy nhiên, có rất nhiều sản phẩm đều tem mác Trung Quốc và không có tem hay nhãn phụ tiếng Việt.

Địa chỉ số 26 Nguyễn Phong Sắc bày bán la liệt các sản phẩm thực phẩm không có tem nhãn phụ theo quy định.

Sản phẩm tại cửa hàng số 26 Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy.
Không tem nhãn phụ có thể bị xử phạt lên tới 60 triệu đồng
Trao đổi với Người Đưa Tin về nội dung trên, Luật sư Bùi Văn Thụ Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng pháp luật đã có quy định rõ ràng về việc dán tem nhãn phụ tiếng Việt hàng hóa đối với các mặt hàng có xuất xứ nước ngoài cụ thể:
Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định: "Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đầy đủ nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc".
Tiếp đó, khoản 1, Điều 10 Nghị định này quy định rõ: "Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau: tên hàng hóa; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa".

Một sản phẩm được bày bán không có tem nhãn phụ tiếng Việt.
Theo Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 48, khoản 49 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt, bên cạnh nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài. Việc không có tem nhãn phụ tiếng Việt có thể khiến doanh nghiệp bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 500.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Mức phạt này áp dụng cho tổ chức vi phạm. Cá nhân vi phạm với cùng hành vi sẽ bị phạt tiền bằng một nửa so với tổ chức, theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 119/2017/NĐ-CP.

Một sản phẩm sữa cho trẻ em được bày bán tại số 26 Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy.
Đặc biệt, mức phạt có thể lên tới 60 triệu đồng đối với các mặt hàng nhập khẩu là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm và thực phẩm chức năng.
Ngoài việc bị phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

Luật sư Bùi Văn Thụ, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.