Mực nước sông Tích tại trạm thủy văn Kim Quan (huyện Thạch Thất) hiện ở mức báo động I; trạm thủy văn Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) ở mức báo động I. Mực nước tại các sông khác và các trục tiêu lớn trên địa bàn Hà Nội cũng đều ở mức dưới báo động. Tình hình thời tiết tại Hà Nội tiếp tục có nắng nóng, do đó mực nước ở các sông nội địa sẽ tiếp tục giảm.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho biết, hiện nay số hộ bị ảnh hưởng ngập lụt đã cơ bản không còn. Đặc biệt tại huyện Chương Mỹ, thời điểm 7h ngày 29/7, số hộ dân bị ngập là 2.844 hộ, thì đến nay chỉ còn vài chục hộ. Các gia đình phải đi sơ tán cơ bản đã trở về nhà ổn định đời sống, vệ sinh nhà cửa. Toàn huyện đã huy động 220 cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, gần 1.000 dân quân, cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên và 12 phương tiện tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường học để chuẩn bị đón năm học mới.
Thời gian qua, công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai được Thành uỷ - HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thành phố đã chỉ đạo các huyện chủ động triển khai phương án đảm bảo cứu trợ đời sống cho nhân dân; không để tình trạng người dân không có nước uống, sinh hoạt và lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự; tích cực triển khai vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, không để phát sinh dịch bệnh; hỗ trợ khám chữa bệnh, thuốc men và thiết bị y tế cho nhân dân…
Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, giảm thiểu tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội tiếp tục đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành triển khai hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và Thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tình trạng ngập lụt tại huyện Chương Mỹ được xem là hệ quả của hai nguyên nhân: lượng mưa lớn kéo dài trên diện rộng và ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) đổ về, khiến mực nước sông Bùi lên cao.
Nhận biết được nguyên nhân, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với một số viện nghiên cứu chuyên ngành, tổ chức đoàn công tác, đến làm việc trực tiếp với cơ quan chuyên môn của tỉnh Hòa Bình để bàn giải pháp. Những ý tưởng như xây dựng hồ chứa và hệ thống kênh dẫn để cắt lũ rừng ngang, hay nâng cấp tổng thể hệ thống đê sông Bùi… đã được đề cập. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ cho vấn đề này thì hiện vẫn đang bỏ ngỏ.
Để giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra tại vùng “rốn lũ” huyện Chương Mỹ, Thành phố đang giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội triển khai một số dự án cải tạo, nâng cấp trạm bơm tiêu thoát nước dọc sông Bùi. Hiện, các dự án vẫn đang được chủ đầu tư tích cực triển khai; sau khi hoàn thành, được kỳ vọng sẽ giảm thiểu nguy cơ ngập lụt cho các địa phương vùng ven sông Bùi.
Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là duy trì theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai; tổ chức trực ban nghiêm túc; tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra và thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực để có chỉ đạo ứng phó chủ động, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai.