Hà Nội: Thu ngân sách năm 2024 ước đạt trên 120%, tăng xấp xỉ 80.000 tỷ đồng

Admin
Lãnh đạo nhiều huyện tại Hà Nội thông tin kết quả tích cực về thu ngân sách nhờ kết quả đấu giá đất thuận lợi.

Ngày 4/12, tiếp tục chương trình Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ Tp.Hà Nội, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện đã thảo luận làm rõ nguyên nhân cụ thể tác động đến giải ngân đầu tư công của thành phố chưa đạt kết quả như kế hoạch.

Đấu giá đất thuận lợi, thu ngân sách tăng cao

Tham gia thảo luận, các ý kiến đánh giá cao vai trò, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy. Điều này thể hiện rõ nhất trong bối cảnh khó khăn, ứng phó với cơn bão số 3, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, giảm thiểu thiệt hại về tài sản.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu thông tin, năm 2024, TP đã điều hành ngân sách hết sức linh hoạt, ứng phó kịp thời các tình huống, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, tăng nguồn lực đầu tư.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định, thu ngân sách Nhà nước năm 2024 của TP chắc chắn đạt trên 120%.

Trong đó, 30/30 quận, huyện, thị xã đều vượt mức thu, đều hoàn thành 100% thu về thuế, phí. Đối với Hà Nội, tăng 20% thu ngân sách hiện nay tương đương với khoảng 80.000 tỷ đồng nên ý nghĩa là rất lớn.

Hà Nội: Thu ngân sách năm 2024 ước đạt trên 120%, tăng xấp xỉ 80.000 tỷ đồng- Ảnh 1.

Đấu giá đất thuận lợi, thu ngân sách tăng cao.

Về chi ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cho biết, Hà Nội tiếp tục duy trì tỉ lệ chi ngân sách tích cực với chi thường xuyên dưới 50% (cả nước khoảng 70%), chi đầu tư dự kiến chiếm khoảng 52%.

"TP đã triển khai được quỹ 8% để cải cách tiền lương nên ngay sau khi HĐND TP thông qua nghị quyết trong kỳ họp cuối năm nay, TP có thể phân bổ ngân sách cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện", Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu chia sẻ.

Liên quan kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, năm 2025, Hà Nội xác định 25 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Sở đã đề xuất 3 kịch bản, 5 phương án tăng trưởng, trong đó, phương án chọn dự kiến tăng trưởng GRDP năm 2025 của TP là 6,5%. Phương án trong chương trình hành động của UBND TP dự kiến phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2025 trên 7%. GRDP bình quân đầu người phấn đấu đạt trên 172 triệu đồng/người/năm.

Lãnh đạo nhiều huyện thông tin kết quả tích cực về thu ngân sách nhờ kết quả đấu giá đất thuận lợi. 

Trong đó, Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh cho biết, lần đầu tiên, huyện lọt vào "câu lạc bộ nghìn tỷ" khi thu ngân sách năm 2024 vượt mốc 1.000 tỷ đồng nhờ kết quả đấu giá đất tích cực.

Yêu cầu quan tâm xử lý ô nhiễm các dòng sông

Nhiều ý kiến đề cập công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm không khí, làm sống lại các dòng sông... Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường cho biết, hiện nay, lượng rác thải thu gom của thành phố lên tới khoảng 8.000 tấn/ngày, trong khi năng lực hoạt động của Nhà máy đốt rác phát điện tại Sóc Sơn mới giải quyết được khoảng một nửa.

Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường đề nghị TP sớm triển khai xây dựng thêm khu xử lý rác thải ở phía Nam mới có thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Các ý kiến cũng kiến nghị TP quan tâm đầu tư xử lý ô nhiễm các dòng sông trên địa bàn thành phố, trong đó có sông Tích.

Hà Nội: Thu ngân sách năm 2024 ước đạt trên 120%, tăng xấp xỉ 80.000 tỷ đồng- Ảnh 2.

Toàn cảnh chương trình Hội nghị lần thứ 20.

Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên Đường Hoài Nam cho biết, năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn nhưng TP vẫn đạt nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội cũng như an sinh xã hội. 

Trong đó, TP đã thực hiện quyết liệt và hoàn thành xây dựng cơ chế, chính sách, tạo lập không gian phát triển mới cho Thủ đô với việc Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ 1/1/2025. 

Đồng thời, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Gỡ "nút thắt" trong giải ngân vốn đầu tư công

Làm rõ nguyên nhân cụ thể tác động đến giải ngân đầu tư công của TP chưa đạt kết quả như kế hoạch, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên Đường Hoài Nam cho hay, do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và kế hoạch đầu tư năm nay lớn. Trong đó, TP đã phân cấp cho các quận, huyện triển khai các dự án cải tạo vườn hoa, công viên.

"Khi triển khai các dự án giải phóng mặt bằng, chúng tôi luôn nhận được đơn, thư khiếu nại của người dân về giá đền bù giải phóng mặt bằng. Đây thực sự là một điểm nghẽn lớn mà TP cần quan tâm tháo gỡ để các địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công", Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Long Biên Đường Hoài Nam nêu vấn đề.

Về những tồn tại, khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội của TP năm 2024, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Quang Hiếu cho rằng, công tác giải ngân đầu tư công của thành phố từ đầu năm đến nay chưa đạt kế hoạch do vướng mắc về cơ chế, chính sách trong giải phóng mặt bằng. 

Trong đó, việc áp giá đền bù đất của năm 2024 vẫn còn một số bất cập nên chưa tạo được sự đồng thuận của Nhân dân.

"Cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị TP cũng như các đơn vị, việc phân cấp, phân quyền cho các đơn vị trong thực hiện các dự án đầu tư công cũng là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh kế hoạch đầu tư công", Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Quang Hiếu nêu quan điểm.

Hà Nội: Thu ngân sách năm 2024 ước đạt trên 120%, tăng xấp xỉ 80.000 tỷ đồng- Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ Tp.Hà Nội thảo luận tại tổ.

Theo Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam, tăng trưởng GRDP của TP năm 2024 thấp hơn cả nước là điều đáng suy nghĩ, cần phải tìm nguyên nhân vì sao, chứ không thể do tác động của đại dịch Covid-19 như báo cáo. 

Hiện nay, việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn TP còn bất cập, với nhiều dự án còn "treo". Trong đó, có nhiều dự án "quây tôn" nhiều năm nhưng chưa có giải pháp để thu hồi, cưỡng chế.

Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam dẫn chứng, trên địa bàn phường Bạch Mai có 2 khu đất tại địa chỉ 418 Bạch Mai được Nhà nước giao cho Công ty Kỹ thuật Điện Thông, nhưng công ty không sử dụng để sản xuất và đang cho đơn vị khác thuê làm kho bãi. 

"Việc thu hồi các dự án chậm triển khai này được kiến nghị qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của quận, thành phố nhưng đến nay, vẫn chưa có phương án giải quyết, khiến dư luận quan tâm", Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam nêu.

Đồng tình với nguyên nhân giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam cho rằng còn nguyên nhân khác, đó là việc thực hiện các thủ tục đầu tư còn chậm, chất lượng dự án có vấn đề nên trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần; khi điều chỉnh và phê duyệt mới cũng rất mất thời gian.

"Hiện nay, có tình trạng "tiền chờ dự án" không chỉ ở cấp quận, huyện, mà cả ở TP do sự chậm trễ trong việc chuẩn bị thủ tục đầu tư cũng như phân cấp trong đầu tư cho các địa phương chưa triệt để", Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam nói.