Hẩm hiu doanh nghiệp ngành gạo

Admin
Bất chấp tín hiệu khắc nghiệt từ thời tiết, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn liên tục tăng trưởng, song đối với doanh nghiệp trong ngành thì hoàn toàn lại là một câu chuyện khác…

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu gạo trong 6 tháng năm 2024 của cả nước ước đạt 4,68 triệu tấn với kim ngạch đạt 2,98 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Đối chiếu sang tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ngành gạo trong nước, những tín hiệu tăng trưởng của thị trường có vẻ chưa tác động nhiều lên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí nhiều công ty vẫn lỗ.

Khó khăn bủa vây

Cụ thể, với những cái tên lớn trong ngành như Lộc Trời, Trung An, Angimex đều ghi nhận tình cảnh kinh doanh hẩm hiu, từ lỗ triền miên đến liên tục gặp phải khó khăn..

Tại Công ty Cổ phần Lộc Trời (UPCoM: LTG), sau lùm xùm liên quan đến việc nợ tiền lúa người dân, phía công ty ngay lập tức đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho nông dân. Tuy nhiên, những tín hiệu không mấy khả quan vẫn "đeo bám" Lộc Trời sau khi ông Nguyễn Duy Thuận rời chức CEO của Tập đoàn.

Sau biến động nhân sự thượng tầng, ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Lộc Trời đã có thư ngỏ về việc sẽ tạm thời trực tiếp chỉ đạo và điều hành tất cả các hoạt động của tập đoàn cho đến khi có quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới.

Theo đó, ông Thòn bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng hành của các đối tác để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Đáng chú ý, mới đây, "anh cả" ngành lúa gạo Việt lại bất ngờ xin tạm hoãn công bố báo cáo tài chính quý II/2024.

Lý do vì công ty đang gặp phải một số sự kiện bất khả kháng cần phải tăng cường ổn định dòng vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, toàn bộ nhân sự phải tập trung vào việc xử lý các vấn đề tài chính trước mắt.


Cụ thể, tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex; HoSE: AGM), 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của AGM đạt gần 151 tỷ đồng, giảm 53%. Đáng chú ý, công ty không còn ghi nhận khoản thu 207 tỷ đồng từ hoạt động bán xe honda, phụ tùng, dịch vụ sửa chữa trong quý.

Ngược lại doanh thu bán hàng lương thực trong kỳ của công ty tăng 67% lên hơn 118 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn nhất cơ cấu doanh thu.

Dưới sự bào mòn của giá vốn, cộng thêm các khoản chi phí nên sau thuế Angimex lỗ tới 99,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Hẩm hiu doanh nghiệp ngành gạo- Ảnh 1.

Còn tại Angimex và Gạo Trung An, từng thuộc hàng nhóm các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu, đến nay, cả 2 công ty đều ghi nhận lợi nhuận giảm sâu với số lỗ kéo dài.

Năm 2024, mặc dù Angimex điều chỉnh giảm kế hoạch lãi trước thuế về 5 tỷ đồng, thấp hơn 81% so với kế hoạch cũ, nhưng tới nay công ty vẫn chưa thể có lãi. Tại ngày 30/6/2024, lỗ lũy kế tăng lên gần 260 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu của Angimex xuống mức âm gần 78 tỷ đồng.

Còn đối với Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An; UPCoM: TAR), sau "án" hủy niêm yết vào tháng 5/2024, công ty dù ghi nhận lợi nhuận cải thiện song vẫn chìm nghỉm trong thua lỗ.

Cụ thể, quý II/2024, Gạo Trung An ghi nhận doanh thu đạt 2.704 tỷ đồng, tăng 67%. Do giá vốn tăng mạnh đã bào mòn lợi nhuận gộp của công ty xuống còn 40 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính ghi nhận tăng gấp đôi cùng loạt chi phí tiết giảm mạnh nên sau thuế, Gạo Trung An lỗ 3,4 tỷ đồng. Cải thiện đáng kể so với số lỗ gần 7,9 tỷ đồng ghi nhận vào quý II/2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Gạo Trung An ghi nhận doanh thu đạt 3.419 tỷ đồng, tăng 36%. Sau khi trừ các chi phí, công ty lỗ sau thuế 772 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi hơn 7,5 tỷ đồng.

Ánh sáng hiếm hoi

Thuộc nhóm doanh nghiệp báo lãi trong nửa đầu năm 2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed; HoSE: NSC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 632 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Bất chấp chi phí giá vốn hàng bán tăng, lợi nhuận gộp của công ty vẫn tăng 13% lên 191 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí của Vinaseed trong kỳ đều ghi nhận phát sinh so với cùng kỳ năm trước. Do đó, sau khi trừ các chi phí, Vinaseed báo lãi 56,9 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinaseed ghi nhận doanh thu đạt 1.071 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 116 tỷ đồng; sau thuế công ty báo lãi đạt 93 tỷ đồng, tăng nhẹ.

Còn tại Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - Công ty Cổ phần (Vinafood II; UPCoM: VSF) ghi nhận doanh thu đạt 6.445 tỷ đồng trong quý II/2024, giảm 7% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhờ tích cực tiết giảm các khoản chi phí trong quý nên kết quả của công ty ghi nhận ngược dòng tăng trưởng 12%, đạt 10,6 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinafood II ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.242 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số đầu năm. Nhờ cắt giảm các khoản chi phí khác mà lợi nhuận sau thuế của công ty tăng vọt lên 20,6 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là một số doanh nghiệp hiếm hoi báo lãi tăng trưởng trong quý II/2024.

Ngành gạo còn nhiều thách thức

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2024, cả nước thu hoạch 3,48 triệu ha lúa, tăng 0,5% so cùng kỳ năm 2023; năng suất bình quân 67,1 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha; sản lượng trên diện tích đã thu hoạch đạt 23,3 triệu tấn, tăng 1,6%.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nửa đầu năm nay, gạo là mặt hàng đứng thứ 5 về kim ngạch xuất khẩu trong ngành, đồng thời cũng là một trong những mặt hàng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Mặc dù gặp nhiều bất lợi về thời tiết, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2024 vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Hẩm hiu doanh nghiệp ngành gạo- Ảnh 2.

Dự báo thiếu hụt gạo trên thế giới sẽ tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Sản lượng lúa gạo tăng là tiền đề cho gạo đạt lượng lớn xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu gạo thế giới đang tăng cao. Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gạo cả nước đạt 2,98 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng nhưng tăng tới 32% về giá trị.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn. Như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất sang Singapore trong 6 tháng đầu năm

Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, mặt hàng lúa gạo sẽ đối diện với thách thức khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, hạn mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khó khăn mà ngành lúa gạo cần có giải pháp để duy trì tăng trưởng.

Từ nay đến cuối năm, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát kế hoạch để thực hiện hiệu quả việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả; thực hiện Chỉ thị số 03 về việc đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.