Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc hôm 4/4 đã bãi nhiệm Tổng thống Yoon Suk-yeol trong một phán quyết mang tính lịch sử.
Theo Korea Herald, phán quyết được đưa ra vào lúc 11h22 sáng ngày 4/4 (giờ địa phương), với sự nhất trí của tất cả 8 thẩm phán, giữ nguyên quyết định luận tội của Quốc hội Hàn Quốc đối với ông Yoon vì lệnh thiết quân luật mà ông ban hành hồi cuối năm ngoái.
Quyền chánh án tòa án Moon Hyung-bae cho biết, tuyên bố thiết quân luật ngày 3/12/2024 của ông Yoon không đáp ứng các yêu cầu pháp lý đối với một cuộc khủng hoảng quốc gia, cũng không tương ứng với mục đích của thiết quân luật được quy định trong Hiến pháp Hàn Quốc.
Phán quyết có hiệu lực ngay lập tức, nghĩa là một cuộc bầu cử sớm để tìm ra nhà lãnh đạo tiếp theo của Hàn Quốc phải diễn ra trong vòng 60 ngày tới, chậm nhất là ngày 3/6.

Ông Yoon Suk-yeol bị bãi nhiệm khỏi vị trí Tổng thống Hàn Quốc, ngày 4/4/2025. Ảnh: The Star
Ông Yoon trở thành Tổng thống thứ hai trong lịch sử đất nước bị phế truất khỏi vị trí lãnh đạo cao nhất, sau bà Park Geun-hye vào năm 2017. Ông Yoon bị cáo buộc nổi loạn và lạm dụng quyền lực, liên quan đến các mệnh lệnh mà ông đưa ra khi ban bố tình trạng thiết quân luật kéo dài 6 tiếng đồng hồ vào ngày 3-4/12/2024.
Trong khi Đảng Dân chủ đối lập chính hoan nghênh quyết định của Tòa án Hiến pháp, Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền hôm 4/4 đã xin lỗi và nói rằng họ "khiêm tốn chấp nhận" phán quyết này.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo tuyên bố sẽ đảm bảo sự ổn định về mặt an ninh quốc gia và ngoại giao sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp đối với ông Yoon.
"Với tư cách là quyền Tổng thống, tôi sẽ đảm bảo không có khoảng trống trong an ninh quốc gia hoặc các vấn đề đối ngoại, và đất nước sẽ duy trì thế trận an ninh vững chắc và kiên định", ông Han cho biết trong bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc hôm 4/4.
Ông Yoon Kab-keun, đại diện pháp lý của Tổng thống bị phế truất Yoon Suk-yeol, đã lên án quyết định của Tòa án Hiến pháp là "không thể chấp nhận được" và "mang tính chính trị sâu sắc", bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ với cả lý lẽ pháp lý và quy trình dẫn đến phán quyết lịch sử này.
Trước thềm phán quyết được đưa ra, Cảnh sát Hàn Quốc đã siết chặt an ninh và ban hành mức cảnh báo cao nhất.
Ở Hàn Quốc, mức cảnh báo cao nhất, cho phép triển khai 100% lực lượng, thường được ban hành để ứng phó với khả năng xảy ra các sự kiện thương vong hàng loạt, hành vi khủng bố hoặc thảm họa lớn.
Hơn 210 đơn vị cảnh sát cơ động bao gồm khoảng 14.000 sĩ quan, cùng với các đơn vị tác chiến đặc biệt và các nhà đàm phán, được điều động trên khắp Seoul. Các khu vực được triển khai tập trung bao gồm Tòa án Hiến pháp, Văn phòng Tổng thống tại Yongsan, Dinh thự Tổng thống tại Hannam-dong, Quốc hội, các khu phức hợp chính phủ và các Đại sứ quán nước ngoài lớn.
Các đơn vị chiến thuật cũng sẽ trực chiến để ứng phó với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tiềm ẩn hoặc các mối đe dọa khủng bố, phản ánh mức độ nhạy cảm cao hơn đối với các sự cố có thể xảy ra vào một ngày quan trọng như vậy.
Minh Đức (Theo Korea Herald, Yonhap)