Hạnh phúc là quá trình vun đắp mỗi ngày

Admin
(PNTĐ) - Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2024 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, Báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng chuyên gia Phạm Thị Hiền - Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam.
Hạnh phúc là quá trình vun đắp mỗi ngày  - ảnh 1
Chuyên gia Phạm Thị Hiền

Xin chào bà. Theo bà, vì sao khi nhắc tới “gia đình”, người ta luôn gắn liền với hai từ “hạnh phúc”?

Chúng ta có thể thấy rằng khi nhắc tới gia đình ta thường gắn liền với hai từ hạnh phúc. Điều này được thể hiện thông qua những điều sau: 

Thứ nhất, gia đình là nơi diễn ra những mối quan hệ cơ bản và thân thiết nhất. Ở đó, hạnh phúc gia đình không chỉ là mục tiêu của từng thành viên mà còn là giá trị cốt lõi mà mỗi thành viên hướng tới. Khi các thành viên cảm nhận được hạnh phúc thì gia đình là một nơi an lành và bền vững góp phần vào sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân. 

Thứ hai, khi các thành viên sống trong hạnh phúc, họ có thể phát triển toàn diện về mặt tinh thần, thể chất và tạo ra một môi trường lý tưởng, bền vững để động viên, hỗ trợ lẫn nhau. 

Thứ ba, khi mỗi gia đình hạnh phúc, xã hội sẽ trở nên hài hòa và ít xung đột hơn, giảm thiểu những vấn đề về xã hội như bạo lực gia đình, ly hôn và các vấn đề tâm lý khác. 

Cuối cùng, hạnh phúc gia đình cũng đóng góp một phần quan trọng vào sức khỏe tinh thần và tâm lý của mỗi cá nhân. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người sống trong một gia đình hạnh phúc thì sẽ có xu hướng ít bị trầm cảm, lo âu và các vấn đề tâm lý khác. Họ cũng có khả năng đối phó tốt hơn với những khó khăn và thử thách trong cuộc sống. 

Trong xã hội hiện đại, dường như “gia đình hạnh phúc” cũng đang thay đổi với những định nghĩa, góc cạnh, màu sắc đa dạng hơn. Bà có thấy như vậy không? 

Đúng là trong xã hội hiện đại, cấu trúc của gia đình cũng đang thay đổi. Ngày nay gia đình có thể bao gồm những cấu trúc như: Gia đình đơn thân, gia đình nhiều thế hệ, gia đình có con nuôi… Mỗi cấu trúc đều có thể tạo nên những hạnh phúc theo một cách cách riêng. Bên cạnh đó, vai trò giới tính trong gia đình thay đổi cũng khiến vai trò của các thành viên trong gia đình thay đổi, không còn tồn tại sự phân chia cứng nhắc. 

Sự thay đổi còn thể hiện ở giá trị và mục tiêu sống. Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người coi trọng sự tự do cá nhân và sự nghiệp. Họ không chỉ tìm kiếm hạnh phúc trong gia đình mà còn trong công việc và các mối quan hệ xã hội khác. Và thay vì chú trọng việc có nhiều con, nhiều gia đình chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục cho con. Bên cạnh đó, sự phát triển công nghệ thông tin đã thay đổi cách thành viên trong gia đình giao tiếp và kết nối. Dù khoảng cách địa lý có thể xa nhưng công nghệ đã giúp các gia đình duy trì mối liên hệ và chia sẻ cuộc sống hằng ngày. 

Cuối cùng, sự thay đổi còn thể hiện ở việc nhiều gia đình nhận ra rằng việc chú trọng đến sức khỏe, tinh thần ngày càng quan trọng hơn. Họ tìm kiếm những phương pháp để làm giảm stress, cân bằng công việc và cuộc sống, tạo ra môi trường sống tích cực hơn.  

Tuy nhiên, dù những yếu tố cốt lõi của gia đình thay đổi thì tình yêu thương, sự tôn trọng và hỗ trợ lẫn nhau vẫn đóng một vai trò quan trọng tạo nên hạnh phúc gia đình. 

Vậy, theo bà, làm thế nào để chúng ta duy trì được một “gia đình hạnh phúc” (theo khả năng, hoàn cảnh của mỗi người)?

Đầu tiên là sự giao tiếp hiệu quả sẽ tạo nên sự bền vững giữa các mối quan hệ trong gia đình. Giao tiếp hiệu quả thể hiện bằng sự lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau. Lắng nghe ở đây không chỉ là sự hồi đáp, tiếp nhận thông tin mà là cách chúng ta tập trung vào cảm xúc, đặt mình trên góc độ của người nói để đồng cảm, thấu hiểu đối phương. 

Mỗi thành viên cũng nên dành ra những khoảng thời gian thực sự chất lượng bên nhau để có thể chia sẻ, tận hưởng niềm vui của không khí gia đình. Và chúng ta cũng nên ghi nhớ, tôn vinh những sự kiện quan trọng, thành tựu của mỗi thành viên để mỗi người đều có cảm giác được trân trọng.  

Điều thứ hai là mỗi thành viên cần có thái độ tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau. Mỗi người sẽ có những quan điểm, sở thích và cá tính riêng rất khác biệt. Chúng ta cần chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt thay vì chỉ trích, phê phán một cách tiêu cực. 

Điều thứ ba là xây dựng lòng tin và sự hỗ trợ. Mỗi thành viên hãy trở thành người đáng tin cậy, luôn cam kết giữ lời hứa trong mọi tình huống, trong các công việc và đặc biệt là trong mắt các thành viên khác của gia đình. 

Bên cạnh đó, thái độ sẻ chia trách nhiệm trong gia đình cũng là yếu tố quyết định một gia đình tốt đẹp, hạnh phúc. Điều này thể hiện trong cách phân chia công việc nhà hợp lý cho các thành viên để mỗi người đều cảm thấy vai trò cũng như trách nhiệm của mình trong gia đình. 

Hơn hết, để duy trì một gia đình hạnh phúc đòi hỏi phải có sự nỗ lực của mọi thành viên. Hạnh phúc gia đình không phải là một trạng thái cố định mà là cả quá trình vun đắp, chăm sóc mỗi ngày. 

Theo bà, vì sao “Gia đình hạnh phúc” lại làm nên “Quốc gia thịnh vượng”?

Chúng ta thấy rằng gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, là nơi bắt đầu và phát triển của mỗi cá nhân. Khi từng gia đình hạnh phúc, mỗi thành viên trong từng gia đình sẽ có điều kiện phát triển toàn diện về trí tuệ, tinh thần và thể chất. Từ đó, mỗi cá nhân lại đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của toàn xã hội trong nhiều khía cạnh: Kinh tế, sự ổn định xã hội, sức khỏe, văn hóa, lối sống…  của quốc gia. 

Một gia đình hạnh phúc sẽ tạo nên những cá nhân có đạo đức, có tinh thần trách nhiệm, có sức khỏe tốt và tinh thần lạc quan. Những cá nhân này sẽ đóng góp cho nền kinh tế xã hội và văn hóa của quốc gia. Hơn thế, sự ổn định của nhiều gia đình sẽ góp phần tạo nên một xã hội hài hòa, ít xung đột và một quốc gia thịnh vượng. 

Xin cảm ơn bà!