Đức có thể sớm tăng cường khả năng phòng thủ của mình bằng một tên lửa hành trình thế hệ mới có tên gọi là RCM² (viết tắt của cụm Remote Carrier Multidomain Multirole Effector), được phát triển bởi MBDA Deutschland – chi nhánh Đức của gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng đa quốc gia châu Âu MBDA.
Theo trang Defence Blog, MBDA Deutschland gần đây đã công bố một bản minh họa khái niệm về loại tên lửa hành trình "mới toanh" này, trong đó giới thiệu các tính năng tiềm năng của RCM² đối với các lực lượng vũ trang Đức (Bundeswehr) trên nhiều lĩnh vực.
RCM² được thiết kế để bổ sung cho tên lửa hành trình tầm xa Taurus hiện có trong kho vũ khí của Bundeswehr, cung cấp khả năng nâng cao cho các đơn vị quân đội, MBDA Deutschland cho biết.
"Cùng với Taurus, tên lửa hành trình RCM² sẽ tăng cường sức mạnh cho quân đội trong tương lai. Một tính năng đặc biệt: RCM² có thể được phóng từ nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay vận tải, khinh hạm và xe bộ binh", công ty cho hay.
Được phát triển tại Đức, tên lửa hành trình RCM² được thiết kế để trở thành một tài sản linh hoạt có khả năng hoạt động trên nhiều nền tảng và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.
RCM² cung cấp cả khả năng giao tranh tầm ngắn và tầm xa, với khả năng "lảng vảng" trên các khu vực mục tiêu và giao tranh trong các môi trường mà GPS có thể không khả dụng.
Tất cả khiến loại tên lửa hành trình "mới toanh" này trở thành giải pháp lý tưởng cho các chiến trường nơi các phương pháp nhắm mục tiêu truyền thống có thể bị phá vỡ.
RCM² đại diện cho một phương tiện hàng không mới, kết hợp các đặc điểm của một loại đạn tuần kích, hay máy bay không người lái (UAV/drone) tự sát, với khả năng đa nhiệm tiên tiến. Nó được dẫn đường bằng GPS và có thể hoạt động như một phần của một "bầy đàn".
Nền tảng phóng linh hoạt và điều khiển dựa trên mạng lưới giúp RCM² có thể hữu dụng cho tất cả các nhánh của các lực lượng vũ trang, bao gồm cả trên bộ, trên biển và trên không.
RCM² được trang bị động cơ phản lực, cung cấp lực đẩy đủ cho phạm vi khoảng 500 km. Với trọng lượng khoảng 340 kg, tên lửa hành trình này có thể được cấu hình với nhiều tùy chọn tải trọng khác nhau, giúp nó có thể thích ứng với các nhu cầu nhiệm vụ cụ thể.
Các tùy chọn tải trọng bao gồm đầu đạn nổ để sử dụng làm đạn tuần kích, tải trọng tác chiến điện tử (EW) có khả năng gây nhiễu và cảm biến để thu thập thông tin tình báo.
Thiết kế của MBDA cũng cho phép kết hợp các tải trọng khác nhau trong một nhiệm vụ duy nhất, tăng cường tính linh hoạt của tên lửa. Khả năng kết hợp các tải trọng giúp chỉ huy linh hoạt hơn trong việc thích ứng với các yêu cầu thay đổi của nhiệm vụ và ứng phó với các mối đe dọa mới nổi.
RCM² cũng sẽ được tích hợp vào Hệ thống Không quân Chiến đấu Tương lai (FCAS), một dự án máy bay phản lực chiến đấu thế hệ thứ 6 do Đức và Pháp đồng phát triển nhằm tăng cường khả năng không chiến tiên tiến cho châu Âu.
Hệ thống tên lửa hành trình này, với thiết kế linh hoạt và khả năng tiên tiến, dự kiến sẽ đóng vai trò trung tâm trong chương trình FCAS, vốn được thiết kế để thay thế các tiêm kích Eurofighter Typhoon, từ đó nâng cao khả năng tấn công bằng tên lửa và trên không của cường quốc Tây Âu trong những năm tới.
Minh Đức (Theo Defence Blog)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tham khảo thêm