Hệ lụy điều kiện hoạt động “dễ dãi” nên khó quản lý, xử lý cơ sở thẩm mỹ

Admin
Tại tỉnh Nghệ An có hơn 500 cơ sở thẩm mỹ làm đẹp, tuy nhiên nhiều cơ sở hoạt động trái pháp luật, gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.

Không được phép vẫn "can thiệp vào cơ thể người"

Ông Trần Nguyên Truyền, Chánh Thanh tra Sở Y tế

Sau khi nhận được thông tin phản ánh, Thanh tra Sở Y tế Nghệ An đã phối hợp với Công an Tp.Vinh đến cơ sở thẩm mỹ này để kiểm tra.

Cho đến cuối tháng 6/2024 vừa qua, xuất hiện clip ghi lại cảnh một người phụ nữ bị ngất xỉu, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu sau khi làm đẹp tại Viện thẩm mỹ Mayo Clinic. Vụ việc ngay lập tức gây xôn xao dư luận, đặc biệt khi xuất hiện hóa đơn làm đẹp lên đến 513 triệu đồng. Mấy ngày sau, clip được xoá khỏi mạng xã hội, do nạn nhân đã được hoàn lại 380 triệu đồng.

Mặc dù vậy, sau khi nhận được thông tin phản ánh, Thanh tra Sở Y tế Nghệ An cũng đã phối hợp với Công an Tp.Vinh đến cơ sở thẩm mỹ này để kiểm tra.

Giải thích về việc này, Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, đây là cơ sở không do Sở Y tế cấp phép, nên đơn vị không thể kiểm tra thường xuyên, mà chỉ kiểm tra sau khi có đơn tố cáo hành nghề y không phép. "Theo quy định thì những cơ sở này do chính quyền địa phương quản lý. Cụ thể là Phòng Y tế các huyện, thành, thị. Chỉ khi có tố cáo thì chúng tôi mới tiến hành làm việc với cơ sở", ông Truyền nói.

Dễ mở cơ sở thẩm mỹ, khó quản lý, xử lý vi phạm

Theo thống kê của Sở Y tế, tại Nghệ An có tới 544 cơ sở thẩm mỹ, spa làm đẹp... Tuy nhiên, chỉ có 1 bệnh viện và 3 phòng khám thẩm mỹ được ngành Y tế cấp phép. Đây là những cơ sở được phép cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người.

Còn với tất cả những cơ sở còn lại đều là cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ, bao gồm: Kinh doanh các dịch vụ tắm hơi, massage, tắm nắng, thẩm mỹ không dùng phẫu thuật, cắt tóc, gội đầu, làm móng, trang điểm... Các cơ sở này cung cấp dịch vụ không được gây chảy máu, không được thực hiện phẫu thuật trên cơ thể. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ này không thuộc ngành Y tế quản lý.

Điều kiện để thành lập các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ là rất dễ dàng. Theo quy định, các cơ sở chỉ cần thành lập hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp và đăng ký mã ngành nghề phù hợp. Không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, các cơ sở chỉ cần có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định gửi về Phòng Y tế huyện/thành phố/thị xã trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.

Hệ lụy điều kiện hoạt động “dễ dãi” nên khó quản lý, xử lý cơ sở thẩm mỹ- Ảnh 3.

Viện thẩm mỹ Mayo Clinic, Chi nhánh Nghệ An bị đình chỉ hoạt động 4,5 tháng sau vụ việc xảy ra.

Theo bà Hồ Thị Hoa, Trưởng phòng Y tế Tp.Vinh cho biết, riêng tại thành phố đã có 120 cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ. Việc đăng ký dễ dàng nên số lượng cơ sở mọc lên rất nhiều. "Có nhiều cơ sở hoạt động chui, không thông báo. Ở thời điểm này, mới chỉ có 40/120 cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ thực hiện thông báo hoạt động lên cơ quan có chức năng", bà Hoa cho biết.

Tuy nhiên, việc xử lý rất khó khăn bởi cần phải bắt quả tang trực tiếp mới xử phạt được. Trong khi các cơ sở cũng thường che giấu, phủ nhận các hành vi vi phạm của mình. Khi lực lượng chức năng xuất hiện, qua camera các cơ sở này đã ngừng thực hiện thủ thuật.

Mặc khác, lực lượng quản lý ở các địa phương rất mỏng, mỗi lần kiểm tra xử lý phải thành lập đoàn liên ngành, chính vì vậy, số lượng cơ sở kiểm tra, xử lý chưa được nhiều.

Tp.HCM: Thẩm mỹ viện ngang nhiên hoạt động khám chữa bệnh trái phépBị đình chỉ, Nha khoa thẩm mỹ Tâm Đức vẫn ngang nhiên hoạt độngĐà Nẵng phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động thẩm mỹ

Đơn cử như Viện thẩm mỹ Mayo Clinic, Chi nhánh Nghệ An, trước đây Phòng Y tế Tp.Vinh cũng nhận được một số đơn phản ánh nên đã tổ chức kiểm tra, lập biên bản nhưng không xử phạt được. Sau đó, Phòng Y tế Tp.Vinh đã giao cho phường Hưng Dũng giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh của cơ sở, nếu phát hiện cơ sở hoạt động vượt quá phạm vi đăng ký thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng lại cho biết, do phường không có lực lượng, cũng như chuyên môn để tự kiểm tra, giám sát những cơ sở thẩm mỹ này. Vì vậy, phường chỉ tham gia phối hợp nếu thành phố có đoàn kiểm tra.

Liên quan đến vụ việc, bà Trần Thị Cẩm Tú, Phó Chủ tịch UBND Tp.Vinh cho biết, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, qua kiểm tra cơ quan chức năng phát hiện một số cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không chỉ cung cấp dịch vụ phun, xăm, thêu như đã công bố, mà sử dụng các thiết bị, máy móc, thực hiện dịch vụ khác như tiêm các chất như filer, botox...

"Phát hiện cơ sở nào vi phạm, chúng tôi đã tiến hành xử lý cơ sở đó theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, nghiên cứu quy định cụ thể đối với kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ phải được cấp phép hoạt động, để loại hình này hoạt động quy củ hơn", đại diện Tp.Vinh nói.