Tham dự Tọa đàm có Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái, các Phó Tổng cục trưởng: Nguyễn Văn Sơn, Trần Thị Phương Hoa, Nguyễn Thắng Lợi cùng lãnh đạo các đơn vị, cán bộ, công chức các đơn vị thuộc Tổng cục; nguyên Lãnh đạo Tổng cục, nguyên lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tổng cục qua các thời kỳ.
Phát biểu tại Tọa đàm, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái khẳng định Tọa đàm là dịp để các cơ quan thi hành án cùng nhau ôn lại chặng đường lịch sử, truyền thống vẻ vang và những công lao, cống hiến của các thế hệ đi trước. Điểm lại các dấu mốc trong quá trình 78 năm xây dựng và phát triển, Tổng cục trưởng cho biết đến nay Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành cơ bản được ban hành đầy đủ, kịp thời đáp ứng yêu cầu, đặc điểm tình hình của từng giai đoạn; từ đó góp phần hình thành hệ thống pháp luật THADS đồng bộ từ chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đến trình tự, thủ tục tổ chức THADS.
Những văn bản này không chỉ tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới về tổ chức, hoạt động của cơ quan THADS mà còn xác định rõ hơn vị trí pháp lý của chủ thể pháp luật đối với việc thực hiện pháp luật về THADS. Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan trực tiếp đến công tác THADS cũng tiếp tục được hoàn thiện, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Các kết quả này đã cho thấy việc thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Tổng cục THADS trong lĩnh vực THADS, theo dõi thi hành án hành chính (THAHC).
Cùng với hoàn thiện thể chế, cơ cấu tổ chức cơ quan THADS, đội ngũ công chức làm công tác này cũng không ngừng được nâng cao về chất lượng và số lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cơ sở vật chất của hệ thống THADS tiếp tục được tăng cường, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác THADS cũng được chú trọng triển khai. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trong công tác THADS, THAHC.
Trong thời gian tới, Tổng cục THADS sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của chặng đường 78 năm qua, tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về THADS, THAHC; tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ công tác theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; các nhiệm vụ được giao bổ sung trong các kết luận chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Các cơ quan THADS cần tập trung cao độ nguồn lực để chỉ đạo, tổ chức thi hành các vụ việc có điều kiện; tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết án chuyển kỳ sau, nhất là các vụ việc có điều kiện trên 01 năm chưa thi hành xong, những vụ việc có giá trị lớn, dư luận xã hội quan tâm, các vụ việc đã bán đấu giá thành chưa giao tài sản; các khoản tiền đã thu được, nhưng chưa được xử lý; đồng thời tăng cường phối hợp trong lập hồ sơ, đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án.
Cùng với đó, Tổng cục trưởng cũng yêu cầu toàn Hệ thống THADS tiếp tục quán triệt Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành, tạo sự chuyển biến tích cực và mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật THADS của Thủ trưởng, cán bộ, công chức THADS, các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; kiện toàn công tác tổ chức cán bộ.
Đặc biệt, toàn Hệ thống THADS tiếp tục nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chỉ đạo điều hành và tổ chức thi hành án, đặc biệt phải coi đây là giải pháp đột phá trong công tác THADS; xây dựng cơ sở dữ liệu, đầu tư hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin trong toàn Hệ thống đảm bảo đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về THADS và pháp luật khác có liên quan, trong đó phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để kịp thời tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật về THADS.
Ngoài ra, Tổng Cục trưởng cũng yêu cầu tập trung thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt đối với các địa phương có số lượng vụ việc lớn, phức tạp, kéo dài nhằm kịp thời phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh, xử lý theo quy định; thực hiện nghiêm Quy định Số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; hạn chế tình trạng các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực còn tồn đọng không có lý do chính đáng, ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự và gây bức xúc dư luận xã hội. Thực hiện hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Kho bạc Nhà nước, Ban chỉ đạo THADS các cấp để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Tại buổi Tọa đàm, các thế hệ công chức THADS đã cùng nhau chia sẻ về quá trình xây dựng và phát triển của Hệ thống THADS cũng như những kỷ niệm đối với ngành, với nghề để tiếp tục đoàn kết đồng lòng, chủ động đổi mới, sáng tạo, nỗ lực thi đua, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và niềm tin của nhân dân.
LS