Từ vô vọng... đến niềm tin
Đến Khoa Điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương vào một sáng mùa thu, trời nóng oi bức như mùa hè, tôi đã chứng kiến nhiều mảnh đời còn quá non nớt nhưng thiếu may mắn trong cuộc sống.
Hỏi thăm một phụ huynh ở Thái Bình, đang chăm sóc cháu gái Vũ Gia M, 5 tuổi điều trị tự kỷ tại đây, tôi được biết, gia đình phát hiện cháu bị bệnh khi 2 tuổi. Cháu không nhận thức được mọi thứ xung quanh mình: gọi không quay đầu, chậm nói, không giao tiếp với người xung quanh, không nhận biết được vật cản trở trước mặt, ra đường không biết tránh người, tránh xe, mắt nháy nhiều, chớp liên tục, không tự đi vệ sinh, chạy khắp nhà, luôn phải có người đuổi theo và trông cháu…
Gia đình có cho trẻ đi khám và được tư vấn cho học lớp can thiệp giáo dục đặc biệt ở địa phương. Tuy nhiên, sau 2 năm học, tình trạng của trẻ không cải thiện nhiều. Trẻ chỉ nói được 1-2 từ, các biểu hiện khác không cải thiện.
Bà của cháu cho biết, đã có lúc gia đình mất niềm tin và tự nhủ sẽ nuôi cháu như này hết đời. Tuy nhiên, khi có người giới thiệu phương pháp châm cứu chữa cho trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, gia đình đã tìm hiểu và đưa con tới Khoa Điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ với hy vọng con tiến bộ được chút nào tốt chút ấy.
Tại đây, trẻ được điều trị từ tháng 3/2024. Mỗi liệu trình kéo dài 20 ngày. Cách đây 2 tuần, trẻ đã điều trị được 4 liệu trình và có nhiều thay đổi rõ rệt.
"Từ sau liệu trình thứ 2, cháu đã bớt chạy nhảy không kiểm soát, gọi đã biết trả lời, dù chỉ 1-2 từ. Đến liệu trình thứ 4, cháu đã tự mình đi ra đường, có thể tránh người và tránh xe cản trước mặt, cháu đã biết tự vào nhà vệ sinh khi muốn đi vệ sinh…", là người thân đồng hành cùng cháu từ những liệu trình đầu tiên, bà của M bày tỏ niềm vui mừng khôn xiết và xúc động khi chia sẻ về những tiến bộ mỗi ngày của cháu.
Điều khiến tôi ngạc nhiên và thực sự cảm thấy đầy hy vọng với những gia đình có con tự kỷ khi tôi quay trở lại Bệnh viện Châm cứu Trung ương gặp bé M sau 2 tuần. Lúc này, trẻ đang điều trị liệu trình thứ 5.
Bé đã tự xúc cơm ăn, ngồi yên và trò chuyện, thậm chí bé nắm chặt ngón tay của tôi vân vê khi tôi ngồi cạnh khen cháu ăn ngoan. Ánh mắt của cháu không còn ráo hoảnh như lần trước gặp, cháu đã nhìn mắt người đối diện khi nói chuyện.
Bà của bé phấn khởi vô cùng: "Bây giờ cháu đã học được ở trường mầm non công lập, ngồi học ngoan, đã biết chữ cái. Cô giáo nhận xét, cháu có thể theo được lớp học cùng các bạn trong lớp".
Ở một phòng bệnh khác, bé C.Y, 5 tuổi, đã điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương 8 tháng, cũng có nhiều tiến bộ trông thấy. Mẹ của trẻ chia sẻ, các hành vi trước đây của trẻ gần như đã đỡ đến 80-90%, giờ chỉ mỗi mắt cháu còn nhìn nghiêng và hơi hếch.
Trước đây, cháu được phát hiện bệnh khi 3 tuổi, với nhiều biểu hiện như không giao tiếp, không tự vệ sinh cá nhân, mắt luôn nhìn nghiêng lên trên, hay thức đêm, hay quay tròn người, chân đi nhún gót, chạy không kiểm soát...
Gia đình đã từng cho cháu đi học can thiệp giáo dục đặc biệt trong 1,5 năm khi cháu 3 tuổi nhưng không có tiến triển nhiều. Tuy nhiên, sau điều trị ở đây 2 tháng, cháu đã ngủ được, đã tự biết đi vào nhà vệ sinh, cường độ tăng động đã giảm, đã biết nhìn mắt mẹ khi trò chuyện và biết đi theo mẹ...
"Đã có đôi lúc tôi cảm thấy tuyệt vọng khi con không tiến bộ trong suốt thời gian trước đó, vì lo lắng sẽ đánh mất thời gian vàng điều trị cho con. Làm mẹ đã vất vả nhưng có một đứa con tự kỷ thì càng vất vả hơn. Nên khi thấy con có những thay đổi hàng ngày ở đây, dù chỉ là hành động, cử chỉ tiến bộ nhỏ thôi, tôi cũng cảm thấy hy vọng vô cùng", mẹ của trẻ xúc động chia sẻ.
Cháu VGM và CY chỉ là hai trong nhiều trẻ tự kỷ có nhiều cải thiện và tiến triển hiệu quả của bệnh sau một thời gian điều trị bằng y học cổ truyền tại Khoa Điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ, Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Đây thực sự là tin vui và mang thêm hy vọng cho nhiều gia đình có con tự kỷ.
Thời điểm hiện tại, khoa Điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ của Bệnh viện đang điều trị cho trên 70 cháu, có thời điểm gần 100 cháu, điều trị nội trú trên 40 trẻ. Trẻ lớn nhất làn14 -15 tuổi. Khoa còn điều trị cho bệnh nhi từ Bỉ, Austrlia, Canada, Hàn Quốc, Ukraina… khi tìm đến phương pháp đông y để chữa bệnh tự kỷ.
Trao đổi với phóng viên, BS Nguyễn Thế Dũng, Trưởng khoa Điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ cho biết, Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã điều trị cho trẻ mắc chứng tự kỷ từ 13 năm trước bằng những phương pháp y học cổ truyền có kế thừa sáng tạo y thuật của cha ông.
Hiệu quả của phương pháp này đã giúp nhiều trẻ tiến triển tốt, trong đó có nhiều trẻ theo được các lớp học ở trường công lập, hoà nhập cộng đồng như những trẻ bình thường.
Phương pháp kế thừa và sáng tạo y thuật của cha ông
Theo BS. Nguyễn Thế Dũng, quan niệm của Đông y cho rằng, bệnh tự kỷ được chẩn đoán là ngũ trì (5 chứng chậm ở trẻ em), trong đó nổi bật nhất là chậm nói.
Theo Đông y, trong cuốn "Ấu ấu tập thành", Hải Thượng Lãn Ông cũng đã chỉ rõ một số chứng bệnh ở những đứa trẻ Việt Nam lúc bấy giờ, với các biểu hiện giống trẻ tự kỷ ngày nay. Tuy nhiên, lúc đó, chúng ta chưa gọi tên và chưa có khái niệm trẻ tự kỷ.
Tự kỷ là một khuyết tật phát triển kéo dài làm ảnh hưởng trầm trọng tới quan hệ và giao tiếp xã hội, khả năng tưởng tượng cũng như hành vi của trẻ. Tùy vào mức độ tự kỷ mà trẻ có những ảnh hưởng và biểu hiện khác nhau.
Việc điều trị bệnh này phải liên tục, lâu dài và gia đình phải thực sự kiên trì đồng hành cùng bệnh nhi và các bác sĩ, liệu trình điều trị của mỗi bệnh nhi có thể vài tháng đến vài năm, phụ thuộc vào việc phát hiện và điều trị bệnh cho trẻ sớm hay muộn. Bệnh càng được phát hiện sớm thì càng nhanh có hiệu quả.
BS Nguyễn Thế Dũng cũng chia sẻ, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị nhằm làm giảm các triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ. Đối với phương pháp điều trị trẻ tự kỷ tại Khoa Điều trị và Chăm sóc trẻ tự kỷ của Bệnh viện Châm cứu Trung ương hoàn toàn bằng đông y.
Đó là sự kết hợp của 6 phương pháp của kỹ thuật châm cứu, gồm: điện châm, thuỷ châm, xoa bóp bấm huyệt, nhĩ châm, cấy chỉ, giáo dục can thiệp. Ngoài ra, Khoa còn sử dụng oxy cao áp phối hợp điều trị cho trẻ rất tốt.
Mục đích của châm cứu là khai khướu và tỉnh thần cho trẻ, khướu tức là nói, thần là nhận thức, trí tuệ của trẻ. Khi khai nói và tỉnh thần, trẻ sẽ dần tập trung và hiểu, từ đó trẻ có nhận thức, có giao tiếp bằng mắt, tỉnh thần là thần trí tỉnh táo trí tuệ bắt đầu ổn định và có sự tương tác với người đối thoại…
Đồng thời, Khoa cũng sử dụng phương pháp bổ các chức năng tạng phủ cho trẻ như bổ thận, tâm, kiện tỳ… Vì theo Đông y, chứng tự kỷ là do yếu tố tiên thiên bất túc, thận tinh bất túc, khí huyết không đầy đủ tức là các phủ tạng của trẻ kém, cần phải được bồi bổ.
Nhĩ châm là phương pháp dùng kim châm trên loa tai. Đây là phương pháp rất hay. Vì theo Đông y, tất cả các tạng phủ, cơ quan,,, của con người đều có vị trí như một sơ đồ gồm não, thận, tì, tay chân, cột sống, thần kinh giao cảm…được thể hiện trên hoa tai. Theo đó, các bác sĩ sẽ lựa theo các vị trí phủ tạng trên hoa tai để châm cứu vào những huyệt tương ứng với các triệu chứng của từng trẻ.
Thuỷ châm cũng là phương pháp đặc biệt, dùng thuốc bổ não, bổ thần kinh để đưa vào các huyệt có tính chất khai khướu và tỉnh thần, bổ ích ngũ tạng,,, giúp cải thiện các triệu chứng tự kỷ, nhằm tăng sự chú ý của trẻ.
Phát hiện bệnh càng sớm, điều trị càng hiệu quả
Khoa Điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ của Bệnh viện Châm cứu Trung ương (bệnh viện hạng 1 về y học cổ truyền của Bộ Y tế) được thành lập 13 năm nay, nhiều trẻ tự kỷ đã được điều trị, hiệu quả rất cao. Trước đó, Bệnh viện cũng đã điều trị cho nhiều trẻ chậm nói, câm điếc, bại não,viêm não… từ thập niên 80-90 của thế kỷ trước, hiệu quả cũng rất cao.
Tuy nhiên, BS Nguyễn Thế Dũng khuyến cáo, trẻ càng phát hiện bệnh sớm, khoảng 18-20 tháng tuổi thì hiệu quả điều trị càng lớn.
"Nếu trẻ được điều trị bệnh sớm và có tiến triển nhanh thì liệu trình ít hơn. Trẻ được phát hiện bệnh muộn, nặng thì thời gian điều trị sẽ dài hơn, nhiều liệu trình hơn", BS Nguyễn Thế Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo BS Nguyễn Thế Dũng, bệnh tự kỷ có dấu hiệu chậm nói là nổi bật nhất và thường kèm theo sa sút về trí tuệ, nhận thức, vận động và tình cảm.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra yếu tố chính gia tăng nguy cơ mắc tự kỷ là do gen và môi trường.
Các biểu hiện của trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ thường xuất hiện trước 3 tuổi. Cụ thể, như 12 tháng tuổi không biết nói bập bẹ, không biết chỉ tay, không có phản ứng khi gọi tên…
Khi 16 tháng tuổi, trẻ chưa nói từ đơn, không quan tâm đến đồ chơi trẻ em…
24 tháng tuổi chưa nói được câu 2 từ, tránh giao tiếp bằng mắt không nhìn thẳng vào người đối diện.
"Trẻ tự kỷ còn thường xuất hiện những cơn nổi loạn, tăng động, không hợp tác, chống đối, gắn bó khác thường với một đồ chơi nào đó, quá nhạy cảm với xúc giác và thính giác, có những kiểu vận động ngón tay hoặc cơ thể khác thường, nháy mắt, không nhai chỉ nuốt chửng, đi nhún gót, kiễng chân, người quay tròn…", BS Dũng lưu ý các dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ ở trẻ. Hiện nay, chi phí điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ đang được Quỹ BHYT chi trả, vì phần lớn trẻ điều trị trong độ tuổi dưới 6 tuổi.
Luôn kiên trì, nhẫn nại và trao yêu thương
Hiện nay, nguyên nhân dẫn đến căn bệnh rối loạn tự kỷ vẫn chưa được xác định một cách cụ thể nhất. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, yếu tố chính gia tăng nguy cơ mắc tự kỷ là do gen (di truyền), môi trường hoặc kết hợp gen và môi trường.
Trong đó, yếu tố môi trường hoàn toàn có thể chủ động kiểm soát được. Đó là trong quá trình mang thai, nếu người mẹ tiếp xúc thường xuyên với nhiều chất độc hại như thuốc lá, rượu bia, ma túy... sẽ làm tăng nguy cơ trẻ tự kỷ sau khi sinh ra. Yếu tố môi trường không thuận lợi như hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường, gia đình bỏ mặc, ít dạy dỗ quan tâm,… cũng làm tăng nguy cơ tự kỷ ở trẻ.
Theo y học cổ truyền, có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu thường gặp một số nguyên nhân như khi mẹ mang bầu mắc một số chứng bệnh nặng, trong đó có bệnh cảm cúm mà Đông y gọi là bệnh "Cảm mạo lưu hành" hoặc mắc một bệnh truyền nhiễm thường phát sinh vào mùa đông xuân hoặc thu đông…
Châm cứu là dùng kim châm vào huyệt làm lưu thông khí huyết, thông kinh hoạt lạc, lập lại cân bằng âm dương trong cơ thể. Mục đích cốt lõi của châm cứu là điều khí, vì khí hành thì huyết hành. Điều khí càng mạnh thì hiệu quả điều trị càng cao.
Theo Điều dưỡng trưởng Vũ Thị Mai Hương, khoa Điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ, bên cạnh các phương pháp điều trị cho trẻ mắc tự kỷ mà Khoa đang triển khai thì việc nắm bắt được tâm lý người nhà của trẻ, chia sẻ với họ, thậm chí phải nhượng bộ và dành thời gian trao đổi, tâm sự với họ nhiều hơn cả người nhà của mình.
Với phụ huynh có trẻ mắc tự kỷ, họ luôn chất chứa trong lòng nhiều tâm tư, thậm chí căng thẳng và mệt mỏi, bà Vũ Thị Mai Hương chia sẻ: "Chúng tôi luôn tự ý thức rằng, phải tách bạch công việc với gia đình, luôn phải kiên trì, nhẫn nại với trẻ và người nhà của trẻ, luôn động viên, khuyên nhủ gia đình trẻ cố gắng vượt qua khó khăn. Thương trẻ bao nhiêu, chúng tôi càng thương gia đình trẻ bấy nhiêu".
Hiện nay, chi phí điều trị bệnh tự kỷ ở trẻ đang được Quỹ BHYT chi trả, vì phần lớn trẻ điều trị trong độ tuổi dưới 6 tuổi.
Hiền Minh