Hương Tết, hồn quê trong vị bánh khô mè Bà Liễu Mẹ

Admin
Tại làng nghề Bà Liễu Mẹ, những chiếc bánh giòn tan, thơm ngọt được làm từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ là minh chứng sống động cho giá trị truyền thống và tinh thần lao động bền bỉ qua 3 thế hệ.

Người gìn giữ ngọn lửa nghề qua 3 thế hệ

Khi mùi hương của mai vàng và cành đào phảng phất khắp phố phường, cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ tại TP.Đà Nẵng lại rộn rã tiếng cười nói. Từng mẻ bánh vàng óng ánh, thơm mùi mạch nha quyện vị mè trắng, được cẩn thận làm thủ công qua bảy công đoạn tỉ mỉ.

Hương Tết, hồn quê trong vị bánh khô mè Bà Liễu Mẹ- Ảnh 1.

Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ là một trong những đặc sản nức tiếng của TP. Đà Nẵng.

Hơn 70 năm làm nghề và phát triển cho đến hiện tại, làng nghề truyền thống bánh khô mè Bà Liễu Mẹ vẫn nhận được sự quan tâm, yêu quý của đông đảo người dân Đà Nẵng, trở thành làng nghề lâu đời, đặc sản tại Thành phố này. Đằng sau sự thành công, tồn tại và phát triển lâu dài đó là cả một quá trình nỗ lực gìn giữ "lửa nghề" của anh Huỳnh Đức Sol - người chủ hiện tại của thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu Mẹ.

Hương Tết, hồn quê trong vị bánh khô mè Bà Liễu Mẹ- Ảnh 2.

Làng nghề truyền thống bánh khô mè Bà Liễu Mẹ đặt tại quận Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng.

Được sáng lập từ năm 1945 bởi cụ bà Phan Thị Nhẫn, trải qua 3 thế hệ, nghề truyền thống này nay được kế thừa bởi anh Huỳnh Đức Sol, người cháu nội đầy tâm huyết.

Hương Tết, hồn quê trong vị bánh khô mè Bà Liễu Mẹ- Ảnh 3.

Anh Huỳnh Đức Sol - người chủ hiện tại của thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu Mẹ.

"Tôi lớn lên cùng những mẻ bánh khô mè của gia đình, và từ nhỏ đã hiểu rằng đây không chỉ là nghề, mà còn là trách nhiệm gìn giữ di sản. Khi tiếp quản xưởng bánh vào năm 2012, tôi tự nhủ phải cải tiến, hiện đại hóa nhưng vẫn giữ vẹn nguyên cái hồn cốt của làng nghề," anh Sol chia sẻ với chúng tôi.

Với sự quyết tâm, chỉ trong vòng 3 năm, anh đã đưa thương hiệu Bà Liễu Mẹ lọt top 10 đặc sản Việt Nam và đạt nhiều giải thưởng uy tín. Nhưng với anh, phần thưởng lớn nhất chính là sự yêu mến và tin tưởng của người tiêu dùng.

Những giá trị vượt thời gian

Năm 1945, bà nội anh Sol là cụ bà Phan Thị Nhẫn đã bắt tay vào làm bánh khô mè. Tại thời điểm này, bánh khô mè chính là món lương khô cho các cán bộ chiến sĩ cách mạng trong công tác chiến đấu. Mãi đến năm 1988, ông Huỳnh Đức Khiển đã mở cơ sở sản xuất bánh và phát triển cho đến ngày nay.

Hương Tết, hồn quê trong vị bánh khô mè Bà Liễu Mẹ- Ảnh 4.

Anh Sol tâm sự về hành trình gầy dựng thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu Mẹ.

Nhiều năm cùng gia đình làm bánh và bán bánh, anh Sol dần trở nên yêu thích công việc này, coi đó là niềm vui, là ước mơ và là một niềm tự hào của bản thân mình.

Năm 2012, anh Huỳnh Đức Sol tiếp quản "cơ ngơi" của ông Huỳnh Đức Khiển, không để nghề truyền thống lâu đời của gia đình bị mai một, chìm vào quên lãng, anh Sol đã không một ngày nào ngừng cố gắng phát triển thương hiệu của gia đình mình.

"Sau khi tốt nghiệp đại học, mỗi người chọn một con đường riêng của mình, tôi cũng đứng trước nhiều sự lựa chọn, nhưng khi nhìn lại bản thân cần nên phát triển sự nghiệp của gia đình, phát triển thương hiệu bánh khô mè này, tôi đã đi khắp các tỉnh thành, học hỏi những làng nghề, sản phẩm khác có những gì hay và được mọi người đón nhận. Đi nhiều nên học được nhiều thứ, tôi cải tiến dần dần từ khâu làm bánh đến khâu sản xuất, bao bì sản phẩm, cách quảng cáo và truyền thông", anh Huỳnh Đức Sol bồi hồi kể lại.

Hương Tết, hồn quê trong vị bánh khô mè Bà Liễu Mẹ- Ảnh 5.

Cúp vinh dự của thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu Mẹ trở thành đặc sản truyền thống.

Nhờ sự kiên trì của mình, chỉ sau 3 năm anh Sol đã đưa thương hiệu của gia đình mình ghi danh vào top 10 đặc sản thương hiệu truyền thống vào năm 2015. Ngoài ra bánh còn được gọi tên ở các giải thưởng lớn như danh hiệu sản phẩm chất lượng vì cộng đồng năm 2015. Lại một lần nữa lọt Top 10 đặc sản Việt Nam do trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận.

Cơ sở sản xuất bánh khô mè của gia đình anh luôn tất bật bận rộn, đặc biệt là những dịp cuối năm như thế này, nhu cầu mua sản phẩm tăng cao. Để có được những thành quả như ngày hôm nay, anh và gia đình đã trải qua những giai đoạn khó khăn. Việc sản xuất vẫn phải luôn đảm bảo nguồn cung ứng, chất lượng luôn đặt ưu tiên hàng đầu.

Hương Tết, hồn quê trong vị bánh khô mè Bà Liễu Mẹ- Ảnh 6.

Cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ luôn tất bật bận rộn, đặc biệt trong những dịp cuối năm khi Tết sắp sửa cận kề.

Những lần thao thức đến rạng sáng chỉ để nghiên cứu, thử nghiệm những quy trình mới, phương pháp mới để bánh thơm ngon hơn, người tiêu dùng ủng hộ nhiều hơn.

Ngoài ra, việc quản lý nguồn nhân sự cũng là một vấn đề nan giải đối với anh Sol. Đây là một sản phẩm truyền thống gia truyền của gia đình mình, bản thân anh không muốn đứa con tinh thần này qua tay nhiều người để đánh mất đi thương hiệu chính gốc vốn có. Mặt khác, anh vẫn luôn hỗ trợ tạo điều kiện việc làm cho nhiều cô chú, anh chị với việc sản xuất bánh của mình.

Hương Tết, hồn quê trong vị bánh khô mè Bà Liễu Mẹ- Ảnh 7.

Ông Huỳnh Hiểu Tân, khách hàng lấy sỉ thường xuyên của bánh khô mè Bà Liễu Mẹ.

Ông Huỳnh Hiểu Tân (53 tuổi, quê tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: "Tôi lấy sỉ bánh khô mè Bà Liễu Mẹ cũng 4-5 năm nay rồi, chủ yếu bỏ sỉ cho các đại lý, người dân họ đặt mua nhiều lắm. Thứ nhất là để thờ cúng ông bà đặc biệt trong mấy ngày Tết. Đây cũng là món bánh truyền thống nên lượng tiêu thụ, ủng hộ của người dân cũng rất đông".

"Tết mà thiếu bánh khô mè trên bàn thờ tổ tiên thì như mất đi nửa hồn của ngày Tết. Không chỉ ngon mà còn như gợi lại hình bóng quê hương, những ngày sum họp cùng gia đình", bà Nguyễn Thị Hoa (64 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ khi đến mua bánh.

Những ngày cận Tết, lượng tiêu thụ tăng lên nhanh chóng, anh Sol đã cùng công nhân viên của mình ngày đêm túc trực sản xuất liên tục. Anh cho biết, công đoạn làm bánh trải qua 7 bước. Bước nào cũng rất quan trọng, chỉ cần mắc sai sót ở một bước cũng sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.

Hương Tết, hồn quê trong vị bánh khô mè Bà Liễu Mẹ- Ảnh 8.

Từng mẻ bánh khô mè được chăm chút kĩ càng ở mỗi công đoạn.

Sau những nỗ lực gìn giữ và phát triển thương hiệu bánh truyền thống đặc sản Đà Nẵng này của mình, anh Sol cũng dành ra nhiều thời gian khích lệ tinh thần cho anh chị em tại xưởng, giữ gìn làng nghề tạo công ăn việc làm cho nhiều người và đặt mục tiêu đưa bánh khô mè Bà Liễu Mẹ vươn lên top 3 sản phẩm đặc sản truyền thống tại khu vực miền Trung.

Hương Tết, hồn quê trong vị bánh khô mè Bà Liễu Mẹ- Ảnh 9.

Anh Sol tận dụng các kênh mạng xã hội, thương mại điện tử để đưa sản phẩm bánh khô mè Bà Liễu Mẹ đến gần hơn với nhiều người.

Không dừng lại ở thị trường trong nước, anh Sol lên kế hoạch xuất khẩu bánh khô mè ra thị trường quốc tế. "Tôi muốn bạn bè quốc tế, nhất là các nước châu Á, biết đến bánh khô mè như một biểu tượng văn hóa của Việt Nam. Đó cũng là cách tôi quảng bá hình ảnh quê hương mình", anh chia sẻ với ánh mắt đầy hy vọng.

Hương Tết, hồn quê trong vị bánh khô mè Bà Liễu Mẹ- Ảnh 10.
Hương Tết, hồn quê trong vị bánh khô mè Bà Liễu Mẹ- Ảnh 11.

Các phiên hội chợ có sự xuất hiện của gian hàng bánh khô mè Bà Liễu Mẹ luôn tấp nập khách hàng quan tâm.

Mục tiêu lớn lao ấy không chỉ thể hiện khát vọng phát triển mà còn là cam kết giữ gìn và lan tỏa di sản văn hóa của quê hương Đà Nẵng. Tết 2025, giữa muôn vàn sắc màu và hương vị mới lạ, bánh khô mè Bà Liễu Mẹ vẫn vẹn nguyên giá trị truyền thống. Từng chiếc bánh giòn tan, thơm ngọt chính là nhịp cầu nối liền giữa hiện tại và quá khứ, giữa những người con xa xứ với quê nhà thân thương.

Hương Tết, hồn quê trong vị bánh khô mè Bà Liễu Mẹ- Ảnh 12.

Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ.

Giữa nhịp sống hối hả, những người thợ nơi làng nghề Bà Liễu vẫn miệt mài giữ lửa nghề, để mỗi độ xuân về, trong mâm cỗ ngày Tết của mỗi gia đình miền Trung lại có hương vị thân quen của một món bánh truyền thống: Chiếc bánh khô mè, giản dị nhưng đầy ý nghĩa.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Làng nghề bánh tráng tiền tỷ ở Đắk Lắk: Tất bật vụ Tết, thấp thỏm vì thời tiếtLàng nghề bánh tráng tiền tỷ ở Đắk Lắk: Tất bật vụ Tết, thấp thỏm vì thời tiết