"Kéo vợ"- phong tục đẹp cần điều chỉnh để gìn giữ

Hoàng Huyền
Liên tiếp hai vụ việc "bắt vợ" tại Mèo Vạc (Hà Giang) và Sa Pa (Lào Cai) đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Đây có phải là một hủ tục cần dẹp bỏ vì vi phạm nghiêm trọng tự do thân thể của người phụ nữ hay là phong tục đẹp đang bị biến tướng cần có sự nhìn nhận và điều chỉnh?

Ý nghĩa từ một phong tục đẹp

Ngày 7/2, tại Mèo Vạc (Hà Giang), một bé gái đi chơi xuân đã bị một nam thanh niên còn khá trẻ khống chế, giằng co ở giữa đường trước sự chứng kiến của nhiều người. Mặc cho bé gái kêu la, phản đối, nam thanh niên vẫn không dừng lại và những người đứng xem cũng không có ý can thiệp vì cho rằng thanh niên này đang bắt cô gái về làm vợ theo tục của người H'Mông.

keo-vo-phong-tuc-dep-can-dieu-chinh-de-gin-giu1-dulichgiaitrivn-van-hoa-1644589546.jpg
Phong tục "Kéo vợ" biến tướng ( Hình ảnh cắt từ clip)

Vụ việc tại Hà Giang chưa kịp lắng xuống thì chỉ sau vài ngày trên mạng xã hội lại lan truyền một đoạn clip chia sẻ về một cô gái trẻ ở Sa Pa, Lào Cai được cho là một nạn nhân của tục "bắt vợ". Trong clip, cô gái bị nhóm thanh niên khoảng 5 - 7 người túm chặt tay chân "bắt về làm vợ". Cô gái ra sức chống cự, bám chặt lấy chân bạn gái đi cùng. Có lúc cô ngồi thụp xuống, thậm chí nằm ra giữa đường bật khóc nhưng các thanh niên vẫn không dừng lại. Cô vẫn bị nhóm người tách ra và khiêng đi dưới trời mưa lạnh.

Hai vụ việc được cho là phong tục "bắt vợ" của người Mông ở vùng núi phía Bắc. Song dư luận hết sức bức xúc cho rằng, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng tự do thân thể, luật hôn nhân gia đình, là một hủ tục cần dẹp bỏ.

TS Dân tộc học Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian- người có gần 50 năm gắn bó cùng đồng bào các dân tộc ở vùng núi phía Bắc kể: Đó là những năm đầu thập niên 70, trong một buổi xế chiều, tôi (một thanh niên miền xuôi mới ra trường lên vùng cao công tác) nhìn phiên chợ huyện Bắc Hà tan. Từng tốp người ngựa đi về. Cảnh hay nhất là cảnh người vợ dắt ngựa, người chồng lắc lư trên mình ngựa. Ở gốc cây trước dinh nhà ông Hoàng A Tưởng, có anh chồng nằm ngay dưới bãi cỏ, chị vợ giương ô nhẫn nại che nắng cho chồng. Tôi mải mê quan sát và chụp ảnh. Bỗng có những tiếng quát to bằng ngôn ngữ Mông. Tôi quay ra thấy ba người rượt đuổi theo một cô gái. Người kéo tay, người đẩy lưng cô gái chạy về phía bản Phố. Người dân đứng bên đường xem, có người nói to "cướp vợ". Nghe thế tôi ngỡ như cảnh con Thống lý Pá Tra tổ chức cướp Mỵ trong truyện của nhà văn Tô Hoài. Tôi vội đuổi theo định can thiệp. Tôi gỡ tay người đàn ông ra, hô to với cô gái: "chạy đi". Nhưng cô gái không chạy, má đỏ bừng, miệng cười tươi, không có vẻ gì là nạn nhân bị "cướp". Cô gỡ tay tôi ra đi theo 3 người đàn ông. Xa xa, một tốp đàn ông Mông khác đang chạy đuổi đến. Tốp "kéo vợ" cùng cô gái chạy nhanh về thôn.

Bỗng cô gái trượt chân đau đớn không đi nhanh được. Một người đàn ông nhờ tôi cùng kéo cô gái đi và giải thích cái lý của người Mông về "kéo vợ". Anh còn nhắc đây là "kéo vợ" chứ không phải "cướp vợ". Thì ra cô gái và chàng trai này yêu nhau nhưng nhà gái thách cưới cao quá: 1 con trâu, 200 lít rượu, 10 sinh ngô (khoảng 250 kg), 3 con lợn to. Chàng trai nhà nghèo không thể chuẩn bị được lễ vật bèn tổ chức "kéo vợ". Thế là tôi cũng tham gia, đi được một đoạn đường ngắn, một ông vội đưa tôi chiếc áo Mông khoác lên người.

Bên kia, đoàn anh trai cô gái cũng chạy nhanh. Một ông lại nhờ tôi cầm tay dìu cô gái. Và ông ta cũng nhập đoàn kéo nhanh cô gái đi. Sau tôi mới biết người đi kéo vợ phải là số lẻ từ 3 hoặc 5 người. Lúc đầu tôi tham gia lại thành 4 người thì 1 ông chân tập tễnh cũng phải tham gia cho đủ 5 người. Cô gái dù đau chân đi cà nhắc vẫn nhắc: "Anh trai khỏe lắm, sắp đến rồi". Cô gần như quên đau, không cần chúng tôi dìu chạy nhanh về làng. Đến cửa nhà, ông chủ nhà cầm con gà trống đỏ ra quay trên đầu cô gái ba vòng. Như vậy ma cửa đã công nhận cô con dâu, là thành viên của gia đình. Đoàn anh trai cô dâu đuổi đến nơi định cướp lại em gái nhưng thấy lễ nhập ma đã xong đành bỏ về.

Điểm nổi bật cần điều chỉnh ở phong tục này, nếu là nguyên bản thì không ai trong cộng đồng được can thiệp vào hành động "kéo vợ", trừ anh em ruột thịt phía chàng trai và cô gái. Tuy nhiên, trước biến tướng như hiện nay, theo TS Trần Hữu Sơn, ông rất hoan nghênh khi công an đã vào cuộc, giải cứu cô gái trong vụ việc ở Mèo Vạc, Hà Giang.

keo-vo-phong-tuc-dep-can-dieu-chinh-de-gin-giu2-dulichgiaitrivn-van-hoa-1644589619.jpg
Cần có sự điều chỉnh, thực hiện phong tục cũng không được trái pháp luật (ảnh minh họa báo Tuyên Quang)

Tuyên truyền để gìn giữ

TS Trần Hữu Sơn chia sẻ, tục "kéo vợ" là phong tục tích cực chống lại việc thách cưới cao. Người con gái cũng chủ động tham gia kéo vợ. Ngày nay tục này vẫn còn, phụ nữ cũng tự hào được "kéo" vì họ đẹp, chăm làm mới có người "kéo". Đôi nam nữ yêu nhau mới "kéo". Tuy nhiên gần đây ở một số nơi, một số người lợi dụng để " cướp" chứ không còn " kéo " nữa. Nếu nhìn cô gái bị cướp mặt tươi tỉnh nở nụ cười là kéo. Còn cô ta khóc, tóc bù xù, chống lại tốp người kia thì là hiện tượng "cướp vợ". TS Trần Hữu Sơn cho rằng, hai trường hợp "cướp vợ" gần đây đã vi phạm pháp luật và phá vỡ nguyên tắc của cộng đồng. "Cần trả lại đúng nghĩa của phong tục này với cách gọi đúng tên của hành động này là "kéo vợ", "kéo dâu" chứ không phải "cướp vợ", "bắt vợ""- TS Trần Hữu Sơn nói.

keo-vo-phong-tuc-dep-can-dieu-chinh-de-gin-giu3-dulichgiaitrivn-van-hoa-1644589652.jpg
Cần đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của phong tục dân tộc đến giới trẻ (ảnh minh họa Nam Nguyễn)

Không chỉ với tục "kéo vợ" của cộng đồng dân tộc Mông, trong đời sống hiện đại, nhiều phong tục đã bị biến tướng, mai một giá trị tốt đẹp ban đầu. Để không có những hiện tượng lợi dụng phong tục, theo TS Trần Hữu Sơn, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho mọi người hiểu đúng phong tục này, đặc biệt là trong giới trẻ cộng đồng dân tộc Mông. Việc tuyên truyền cần thực hiện song song từ nhà trường, gia đình, đến các phương tiện truyền thông, thông tin việc đúng, sai trong thực hiện phong tục. Thậm chí, cần thông tin rộng rãi cả những trường hợp bị pháp luật xử lý khi vi phạm. Có như vậy, cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ dân tộc Mông mới hiểu đúng sự việc.

"Cần tránh tư tưởng cho rằng "kéo vợ" là hủ tục lạc hậu cần bỏ, song cũng tránh quan điểm cho rằng cần giữ nguyên phong tục, nghĩa là cộng đồng không can thiệp. Nếu hai bên tự nguyện thì không sao, nhưng nếu "cướp, bắt" thì chắc chắn vi phạm pháp luật và cần cơ quan chức năng vào cuộc"- ông Trần Hữu Sơn nhận định./.

Hà An