Đó là ý kiến của của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại Tọa đàm "Hoàn thiện cơ chế chính sách Thi hành án dân sự và giải quyết những tình huống vướng mắc thực tiễn trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cùng các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức ngày 23/8 tại Quảng Ninh.
Thị hành án tín dụng ngân hàng gặp nhiều khó khăn
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và hệ lụy của hậu đại dịch COVID-19. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thu nhập của người dân khó khăn, nợ xấu ngành ngân hàng có xu hướng tăng cao (theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 6/2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên mức 4,56%. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC)... thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,44%).
"Trong bối cảnh đó, hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thu hồi nợ của các TCTD. Mặc dù công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự và các TCTD đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, việc thi hành án tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến khả năng thi hành bản án bị hạn chế, hiệu quả thu hồi nợ của TCTD chưa đáp ứng yêu cầu", ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, có nhiều nguyên nhân, song, nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn mà các TCTD đang gặp phải là quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa rõ ràng, cụ thể.
"Xuất phát từ thực tiễn, Tổng cục Thi hành án - Bộ Tư pháp đã đề xuất trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành án các bản án nói chung cũng như các bản án về tín dụng nói riêng; đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho công tác thi hành án dân sự", ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) - Bộ Tư pháp cho biết, hàng năm, Quốc hội, Chính phủ giao chỉ tiêu thi hành xong trong số có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước. Trên cơ sở đó, năm 2024, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 3011/QĐ-BTP ngày 25/12/2023 ban hành Chương trình trọng tâm công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2024 giao chỉ tiêu cụ thể thi hành xong trong số có điều kiện thi hành xong trên 83,25% về việc, trên 46,45% về tiền.
"Đối với các vụ việc liên quan tới thi hành các khoản thu cho TCTD, thực tiễn cho thấy, tuy số việc không nhiều, nhưng giá trị phải thi hành luôn chiếm tỷ trọng lớn so với các loại án (thông thường chiếm trên 50% so với tổng số tiền phải thi hành chung của tất cả các loại)", đại diện Bộ Tư pháp nói.
Dưới góc độ TCTD, đại diện TPBank cho biết, thực tế phát sinh nhiều trường hợp khó khăn như khi kê biên do TSĐB là bất động sản mà TCTD đề nghị kê biên có sai lệch về diện tích (tăng thêm) hoặc TSĐB có tài sản gắn liền với đất của thửa liền kề xây chồng lấn.
Hay khi kê biên do TSĐB là bất động sản mà TCTD đề nghị kê biên quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất (không thế chấp do không ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) xây lấn chiếm vào đất công, vỉa hè…) mà phá dỡ tài sản trên đất sẽ ảnh hưởng tới kết cấu và giá trị TSĐB; khó khăn khi kê biên do TSĐB là xe ô tô mà TCTD đề nghị kê biên nhưng không xác minh được xe...
Cần gỡ vướng về cơ chế, phối hợp đồng bộ hơn
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm CLB Pháp chế (Hiệp hội ngân hàng) cho hay, mặc dù Tổng Cục THADS và các cơ quan có liên quan đã tích cực, quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp giúp đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự các cấp, góp phần giúp các ngân hàng thu hồi sớm các khoản nợ tồn đọng, khai thông dòng vốn tín dụng, song thực tế tại các ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, số lượng án tồn đọng còn nhiều, ảnh hưởng đến kết quả thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.
Qua tổng hợp số liệu của 15 ngân hàng hội viên, đến nay có 399 vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung vào các địa bàn lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng... Trong 2 năm qua, Hiệp hội ngân hàng đã có nhiều văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, ông Nguyễn Thành Long khẳng định cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; đề nghị Tổng Cục THA xem xét sớm đề xuất sửa đổi Luật THADS và Nghị định 62, đặc biệt là các quy định về thời gian thực hiện thủ tục cưỡng chế THA, thời hạn tối đa cơ quan THA phải giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, thủ tục đấu giá rút gọn... Đối với các trường hợp một TSBĐ cho nhiều khoản vay hoặc một khoản vay được bảo đảm bằng nhiều tài sản thì cơ quan THA phải xử lý tất cả tài sản thế chấp để thu hồi các khoản vay của khách hàng mà không yêu cầu ngân hàng xác định lại tỷ lệ, phạm vi bảo đảm của tài sản thế chấp.
Bà Tạ Thị Hồng Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ 11 Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) cho biết, án liên quan đến tín dụng ngân hàng là án lớn, luôn chiếm tỉ lệ cao, rất quyết tâm để thi hành, nhưng do tài sản thế chấp, do bản án tuyên không rõ, dẫn đến khó thi hành, khó cưỡng chế... Đây là những ý do khách quan dẫn đến việc khó thi hành của cơ quan (thi hành án dân sự) THADS đối với các vụ việc tín dụng.
Trong khi đó, quá trình kiểm sát đã phát hiện nhiều trường hợp vụ việc, Bản án tuyên không rõ nhưng Cơ quan THADS không có văn bản hỏi Toà án hoặc có nhưng cách cách hỏi Tòa không rõ ý dẫn dến Toà án trả lời chung chung nên vẫn không thể thi hành án.
Trước những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động THADS liên quan đến án tín dụng, ngân hàng, bà Tạ Thị Hồng Hoa đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp, NHNN tiếp tục quan tâm hơn, kịp thời chỉ đạo các nội dung còn vướng mắc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn theo phản ánh của các đơn vị theo thẩm quyền (về cơ chế, về quy định pháp luật…), đa dạng hóa các phương pháp phối hợp để nâng cao hiệu quả của công tác THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.
"Cơ quan THA tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo THADS tỉnh, tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành trong công tác THADS; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo THADS trong việc chỉ đạo phối hợp thi hành án", đại diện VKSNDTC nói.
Anh Minh