Nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 25 ngày 5/2/2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Theo đó, tất cả các địa phương đều phải đạt tốc độ tăng trưởng cao từ 8% trở lên và cao hơn tốc độ tăng trưởng đạt được trong năm 2024.
Chính phủ đã giao cho các tỉnh/ thành phố như Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai,… đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP 2 con số. Ngoài ra, Hà Nội được giao chỉ tiêu tăng trưởng 8% (năm 2024 đạt 6,5%) và Tp.HCM là 8,5% (đạt 7,2% năm 2024).
Như vậy, đây là lần đầu tiên Chính phủ “khoán” mục tiêu tăng trưởng GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) cụ thể cho từng địa phương.
Mô hình tương tự "Khoán 10"?
Chia sẻ với Người Đưa Tin, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho biết chủ trương Chính phủ "khoán" mức tăng trưởng GRDP cho các địa phương là một cách tiếp cận quản lý kinh tế mới nhằm tăng cường trách nhiệm và động lực phát triển cho từng tỉnh, thành phố.
Về bản chất, có thể thấy điểm tương đồng với mô hình “khoán 10” vì đã trao quyền tự chủ cao hơn cho các địa phương. Tạo động lực phát triển khi có chỉ tiêu cụ thể, chính quyền địa phương buộc phải tìm kiếm các giải pháp hiệu quả hơn để đạt được mục tiêu tăng trưởng, thay vì chỉ phụ thuộc vào chỉ đạo từ trung ương.
!["Khoán" tăng trưởng GRDP từng địa phương tạo bước ngoặt đột phá như "Khoán 10"?- Ảnh 1. "Khoán" tăng trưởng GRDP từng địa phương tạo bước ngoặt đột phá như "Khoán 10"?- Ảnh 1.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/10/ngo-tri-long-220241129125726-1739208862430451193405.jpg)
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính).
“Cải thiện hiệu suất hoạt động “Khoán 10” đã giúp sản xuất nông nghiệp bùng nổ, trong khi "khoán" GRDP kỳ vọng sẽ giúp các địa phương cải thiện tốc độ tăng trưởng và hiệu quả quản lý kinh tế”, PGS.TS. Ngô Trí Long nói.
Tuy nhiên, đối tượng áp dụng “Khoán 10” tập trung vào cá nhân và hộ gia đình, trong khi "khoán" GRDP áp dụng cho cấp chính quyền địa phương, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan và các nguồn lực khác nhau.
Chỉ số đo lường GRDP là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát của chính quyền địa phương như chính sách vĩ mô, thị trường quốc tế, thiên tai, dịch bệnh... Trong khi đó, sản lượng nông nghiệp thời “khoán 10” chủ yếu do năng suất lao động và kỹ thuật canh tác quyết định.
Việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tối thiểu 8%, thậm chí trên 10% cho một số địa phương là một mục tiêu tham vọng, phản ánh mong muốn đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế của các vùng. Tuy nhiên, tính khả thi của mục tiêu này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm điều kiện kinh tế vĩ mô, năng lực của từng địa phương và bối cảnh quốc tế.
Cùng với đó, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương có chia sẻ với Người Đưa Tin và cho rằng chưa bao giờ, Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 2 con số.
Nếu tính từ năm 1990 trở lại đây, thì năm 1995 đạt được mức tăng trưởng cao nhất là 9,5%, năm 1996 đạt 9,3%.
!["Khoán" tăng trưởng GRDP từng địa phương tạo bước ngoặt đột phá như "Khoán 10"?- Ảnh 2. "Khoán" tăng trưởng GRDP từng địa phương tạo bước ngoặt đột phá như "Khoán 10"?- Ảnh 2.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/10/ts-nguyen-dinh-cung-cung-co-niem-tin-duy-tri-dong-luc-tang-truong-101549537-17392089547762107367168.jpeg)
TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương.
Trong khi đó, việc đạt tốc độ tăng trưởng cao ngày càng khó, bởi sau giai đoạn dịch bệnh, nền kinh tế trầm lắng hơn, doanh vẫn gặp khó khăn, người dân chưa thoải mái tiêu dùng trở lại.
Cụ thể từng địa phương, theo PGS.TS. Ngô Trí Long, một số tỉnh/thành phố có lợi thế kinh tế lớn như Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng có thể đạt mức tăng trưởng trên 8% do có nền tảng công nghiệp, dịch vụ mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài và có hệ thống logistics phát triển.
Các tỉnh có tiềm năng du lịch như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ninh cũng có thể bứt phá nếu du lịch phục hồi tốt. Địa phương có nền kinh tế đang tăng tốc một số tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc như Đồng Nai, Long An, Vĩnh Phúc có nền tảng công nghiệp phát triển nhanh, có thể đạt mức tăng trưởng cao nhờ vốn FDI và chuỗi cung ứng mở rộng. Các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung có tiềm năng lớn trong năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, địa phương còn khó khăn các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gặp khó khăn khi đặt mục tiêu trên 8% vì nền kinh tế còn phụ thuộc vào nông nghiệp truyền thống, kết cấu hạ tầng yếu, thu hút đầu tư hạn chế.
Nguy cơ chạy theo "bệnh thành tích"
Để đạt được mục tiêu trên, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết trong năm 2025, ngoài khắc phục những điểm yếu của nền kinh tế như cải cách thể chế mạnh mẽ, cải thiện đột biến môi trường kinh doanh thì động lực tăng trưởng phải từ kinh tế địa phương.
Hiện 63 tỉnh, thành phố đã có mục tiêu tăng trưởng cụ thể. Song để đạt được con số này, cần tạo áp lực và tạo cơ chế cho chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách phân cấp phân quyền, tạo tự chủ cho chính quyền các tỉnh thành trực thuộc Trung ương để cạnh tranh nhau.
Cụ thể, cần thực hiện phân cấp triệt để, toàn diện cho địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Điều đó có nghĩa là địa phương không chỉ được quyết làm gì, mà có quyền quyết cả làm thế nào; không cần xin ý kiến, không cần chấp thuận, hay phê duyệt của cơ quan Trung ương, cơ quan cấp trên.
!["Khoán" tăng trưởng GRDP từng địa phương tạo bước ngoặt đột phá như "Khoán 10"?- Ảnh 3. "Khoán" tăng trưởng GRDP từng địa phương tạo bước ngoặt đột phá như "Khoán 10"?- Ảnh 3.](https://nguoiduatin.mediacdn.vn/84137818385850368/2025/2/10/viet-nam-hien-la-diem-den-hap-dan-voi-dong-von-fdi-cong-nghe-cao3-6941-5058-1739209112152889225169.jpg)
Thu hút đầu tư có chọn lọc hướng vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.
“Chỉ cần có các giải pháp thúc đẩy sáng kiến, cách làm để thực hiện mục tiêu đã xác định, thì từng địa phương sẽ là một cực tăng trưởng", ông Cung nhấn mạnh.
Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, cần lưu ý thiết lập chỉ tiêu hợp lý chỉ tiêu "khoán" phải dựa trên năng lực thực tế và điều kiện của từng địa phương, tránh việc áp đặt cứng nhắc hoặc tạo ra gánh nặng không thực tế.
Để thực hiện một mục tiêu một cách bền vững, Chính phủ và các địa phương cần triển khai một loạt giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo hiệu quả lâu dài, cân bằng lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường.
Cụ thể, cần cải thiện cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc, cảng biển, sân bay để tăng kết nối giữa các vùng kinh tế. Phát triển công nghiệp và dịch vụ có giá trị cao chuyển đổi từ gia công sang sản xuất công nghệ cao, mở rộng dịch vụ logistics, tài chính, công nghệ thông tin.
Thu hút đầu tư có chọn lọc hướng vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường thay vì tập trung vào lao động giá rẻ. Cải thiện chất lượng lao động đầu tư vào giáo dục, đào tạo nghề để nâng cao năng suất lao động. Chính sách linh hoạt thích ứng với biến động kinh tế điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
"Chính phủ nên có các biện pháp hỗ trợ như phân bổ ngân sách hợp lý, cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường liên kết vùng để giúp các địa phương đạt mục tiêu một cách bền vững", ông Long nhấn mạnh.
Đặc biệt, việc "khoán" tăng trưởng GRDP nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến nguy cơ chạy theo thành tích, tăng trưởng không bền vững và nhiều hệ lụy tiêu cực.
"Tăng trưởng không đi kèm với chất lượng sống nếu chỉ chú trọng vào con số GRDP mà không quan tâm đến chất lượng tăng trưởng, có thể dẫn đến tình trạng tăng trưởng nhưng đời sống người dân không được cải thiện, môi trường bị hủy hoại, hoặc các vấn đề xã hội phát sinh", PGS.TS. Ngô Trí Long lấy ví dụ.
Để kiểm soát rủi ro này, cần có cách tiếp cận toàn diện từ việc cải tiến phương pháp đánh giá, điều chỉnh mục tiêu phù hợp, tăng cường giám sát đến khuyến khích phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp địa phương phát triển thực chất mà còn đảm bảo tăng trưởng kinh tế có chất lượng, mang lại lợi ích lâu dài cho xã hội.