Không sớm ngăn chặn sản phẩm nicotin và thuốc lá mới... có thể gây hại cả một thế hệ trẻ sau này

Admin
(PNTĐ) - Ngày 5/7, Vụ Pháp chế và Cục Quản lý khám chữa bệnh của Bộ Y tế tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới. Từ đó cung cấp thêm thông tin đến người dân về tác hại của thuốc lá mới, giúp người dân phòng, tránh tiếp cận các sản phẩm độc hại trong khi cơ quan quản lý đang đề xuất ban hành chính sách quản lý các sản phẩm này.

Tin liên quan

Hội LHPN Hà Nội: Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Triển khai tổ chức “Bữa cơm Công đoàn” năm 2024

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản

Tại hội thảo, các đại biểu đã được các chuyên gia, nhà quản lý cung cấp nhiều thông tin về các chủ đề: Tác hại của thuốc lá mới; ngộ độc do thuốc lá; thực trạng sử dụng thuốc lá mới tại Việt Nam và tình hình nhập viện do sử dụng thuốc lá mới; đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khỏe cộng đồng...

Không sớm ngăn chặn sản phẩm nicotin và thuốc lá mới... có thể gây hại cả một thế hệ trẻ sau này - ảnh 1
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) thông tin: Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam xấp xỉ 380.000 ca/năm, chiếm 73% tổng số ca tử vong và làm giảm đáng kể tuổi thọ trung bình của người dân. Yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm được biết rất rõ là sử dụng thuốc lá, thực phẩm nhiều chất béo có hại, muối, đường, lạm dụng rượu bia... và thiếu hoạt động thể chất.

Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Cứ 10 người chết thì có gần 8 người chết do các bệnh không lây nhiễm. Nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực, sử dụng rượu bia sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và trên 40% các bệnh ung thư. Chính vì vậy, việc thay đổi lối sống, thay đổi các hành vi nguy cơ để bảo vệ sức khỏe ngay từ bây giờ chính là bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.

Trong đó, 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi... Nghiên cứu tại Bệnh viện K chỉ ra, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi hút thuốc lá lên đến 96,8%. Ngoài ra, có khoảng 40.000 người tử vong/ năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

WHO dự báo đến năm 2030, sẽ tăng hơn 70.000 người tử vong nếu các biên pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023 đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. 

Không sớm ngăn chặn sản phẩm nicotin và thuốc lá mới... có thể gây hại cả một thế hệ trẻ sau này - ảnh 2
ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý, điều hành Cục Quản lý Khám chữa bệnh thông tin tại hội thảo

Theo ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Phụ trách, quản lý, điều hành Cục Quản lý Khám chữa bệnh: Không chỉ tác động tới vấn đề sức khỏe, việc sử dụng thuốc lá còn tạo ra gánh nặng lớn về kinh tế. Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm.

Chính vì lý do đó Quốc hội đã thông qua 2 đạo luật quan trọng là Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật phòng chống tác hại của bia. Việt Nam đã tham gia công ước Khung về kiểm soát thuốc lá từ rất sớm. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 với 92,18% đại biểu Quốc hội tán thành với quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Quốc hội lần đầu tiên có Phiên họp giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về thuốc lá mới. Tháng 5/2024 Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành công điện số 47 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Như vậy, có thể thấy rằng, Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, chăm lo, chú trọng đến sức khoẻ của người dân. Tuy nhiên, hiện nay do chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng để quản lý thuốc lá mới nên các sản phẩm này đang được nhập lậu vào Việt Nam, đã tiếp cận giới trẻ và dẫn đến tình trạng nhập viện gia tăng do sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới.

Không sớm ngăn chặn sản phẩm nicotin và thuốc lá mới... có thể gây hại cả một thế hệ trẻ sau này - ảnh 3
Thuốc lá điện tử núp bóng dưới hình dạng hộp sữa.

Từ thực trạng sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới hiện nay, cũng như tác hại, ảnh hưởng nghiêm trọng của thuốc lá tới sức khỏe, tại hội thảo, các chuyên gia kiến nghị Quốc hội và Chính phủ cần kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm này trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn. Bởi nếu không được ngăn chặn kịp thời và hiệu quả, sẽ có nguy cơ tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotin và nhấn chìm kết quả của phòng chống tác hại thuốc lá trong những năm gần đây. 

"Hiện tại, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam, tuy nhiên các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan và việc thực thi rất yếu. Việc duy trì tình trang như hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng sử dụng tiếp tục tăng nhanh trong giới trẻ. 

Bởi vậy, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm nicotin, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotin cũng như các sản phẩm thuốc lá nung nóng; cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam" - ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm - đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khuyến nghị.