Kon Tum: Đề nghị làm rõ nguyên nhân hàng chục tấn cá chết trắng

Admin
Chỉ trong một đêm, hàng chục tấn cá lồng nuôi trong lòng hồ thuỷ điện chết trắng, khiến người dân thiệt hại hàng tỷ đồng.

Làm rõ chất nước khiến cá chết hàng loạt

Ngày 2/8, liên quan đến sự việc hàng chục tấn cá của các hộ dân nuôi trong lòng hồ thuỷ điện bỗng nhiên chết trắng, đại diện UBND huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) cho biết, cơ quan này đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản và hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại khôi phục sản xuất.

Cụ thể, UBND huyện Sa Thầy yêu cầu phòng chuyên môn huyện hướng dẫn các hộ dân hoàn thiện thủ tục để trình cấp thẩm quyền cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ thủy điện và đề xuất các giải pháp hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất.

Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp tục theo dõi, đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum sớm có ý kiến về kết quả xét nghiệm chất lượng nước và nguyên nhân cá chết tại xã Ya Ly.

Kon Tum: Đề nghị làm rõ nguyên nhân hàng chục tấn cá chết trắng- Ảnh 1.

Hàng trăm tấn cá của người dân bị chết.

Đồng thời, UBND huyện Sa Thầy cũng đề nghị Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho các hộ dân bị thiệt hại tại xã Ya Ly tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để khôi phục sản xuất.

Trước đó, ngày 20/6, Người Đưa Tin phản ánh người dân nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Yaly, thuộc địa phận làng Chờ (xã Yaly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) phát hiện đàn cá lăng đuôi đỏ nuôi trong lồng bắt đầu ngộp thở, nổi lên mặt nước rồi chết hàng loạt.

Thiệt hại hàng tỷ đồng 

Ngồi thẫn thờ bên lồng cá của gia đình, nhìn cá chết nổi lềnh bềnh, bà Vũ Thị Nguyệt (ngụ làng Chờ, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) rớt nước mắt nói: "Hàng chục tấn cá lăng đang chờ ngày thu hoạch, chỉ sau một đêm, gia đình bỗng trắng tay".

Theo bà Nguyệt, tháng 6/2023, gia đình bà thả 15.000 con cá lăng giống xuống lồng. Với giá 9.000 đồng/con giống, gia đình bà đã đầu tư 135 triệu đồng. Sau 1 năm chăm sóc, số cá đã đạt trọng lượng trên 2 kg/con và chuẩn bị chờ ngày xuất bán.

Ông Vũ Văn Bình (60 tuổi, ở làng Chờ, xã Ya Ly) cho biết, tháng 10/2024, ông mới có thể thu hoạch đàn cá này. Với số lượng 30.000 con, gia đình ông có thể thu về 20 tấn cá, nếu bán với giá thị trường sẽ được khoảng 3 tỷ đồng. Thế nhưng, chưa đến ngày thu, cá bỗng ngửa bụng ra chết, gia đình ông Bình đành vớt lên bán làm phân bón với giá 7.000 đồng/kg.

Ông Bình nghẹn ngào: "Gia đình tôi đầu tư gần 270 triệu đồng cho lứa cá này. Gần 1 năm qua, mỗi ngày đều phải chi khoảng 4 triệu đồng tiền thức ăn cho cá. Nay cá bất ngờ chết, gia đình chỉ có thể vớt lên bán cho người ta ủ phân, thu về được hơn 70 triệu đồng. Số cá còn sống dưới lồng bè cũng chẳng còn bao nhiêu".

Ông Đinh Trọng Lịch, Chủ tịch UBND xã Yaly cho biết, qua thống kê ban đầu thì có 20 lồng bè với khoảng 25 tấn cá chết, thiệt hại 3,8 tỷ đồng. Trong đó, có hộ nuôi cá trong lồng chết 100% như hộ ông Võ Đình Sơn (chết 5,5 tấn), hộ bà Vũ Thị Nguyệt (chết 12 tấn).

Ông Ưng Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho hay, ngay sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã cử cán bộ đến lòng hồ thủy điện Ya Ly hướng dẫn người dân kỹ thuật sục khí ô xy để cứu số cá có nguy cơ chết. Cán bộ của đơn vị cũng hướng dẫn người dân đẩy lồng bè đến khu vực nước sâu để bảo vệ số cá còn lại.

Kon Tum: Đề nghị làm rõ nguyên nhân hàng chục tấn cá chết trắng- Ảnh 2.

Người dân trắng tay bởi toàn bộ vốn liếng bị mất bởi cá chết hàng loạt.

Vụ cá chết bất thường ở Nghệ An: Nhiều mẫu nước thải vượt quy chuẩnĐà Nẵng: Truy tìm nguyên nhân khiến 10 tấn cá chết sau mưaCận cảnh trục vớt cá chết hàng loạt sau mưa ở Đà Nẵng

Theo ông Thanh, vào ngày 18 và 19/6, lượng nước đổ về lòng hồ Ya Ly khá lớn. Trong khi đó, hồ thủy điện Ya Ly lâu nay đã tích nước khiến lượng bùn lắng dưới mặt nước.

Vào mùa mưa, thuỷ điện xả nước, để giữ trạng thái bình thường, đồng thời nhận nước và xả nước khiến lớp bùn lắng bị xáo trộn làm cá bị thiếu ô xy. Khi kiểm tra, các cán bộ Chi cục Thú y cũng phát hiện một lượng bùn bám vào mang cá.

Liên quan đến vấn đề này, phía Công ty thủy điện Ya Ly khẳng định việc vận hành hồ chứa Ya Ly và Pleikrông những ngày qua, đều tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa. Vị đại diện Công ty cũng cho biết, công ty này đã có báo cáo gửi các cơ quan chuyên môn tại tỉnh Kon Tum, về tình trạng cá nuôi trong lòng hồ thủy điện Ya Ly chết hàng loạt.