Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới

Admin
(PNTĐ) - Với những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội và chính bản thân phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản cần giải quyết như bệnh tật, định kiến giới, phân biệt đối xử trong gia đình, ngoài xã hội, bất bình đẳng về cơ hội giáo dục và việc làm, bạo lực giới có chiều hướng gia tăng...
Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới  - ảnh 1

Bên cạnh đó, hiện nay, sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, vấn đề an ninh phi truyền thống, an toàn trên không gian mạng, cùng nhiều diễn biến khó lường khác... cũng tiếp tục đặt ra yêu cầu mới đối với công tác phụ nữ và bình đẳng giới mà nếu không có giải pháp thỏa đáng có thể làm trầm trọng thêm những thách thức hiện có và tạo ra những mối đe dọa mới. 

Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới  - ảnh 2

Theo Liên Hợp quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung; là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Mặc dù bức tranh về bình đẳng giới ở Việt Nam thời gian qua đã có nhiều điểm sáng, song việc thực hiện bình đẳng giới trong thực tế vẫn còn những hạn chế.

Theo quan niệm, tập tục, văn hóa truyền thống về lao động của người phương Đông, phụ nữ thường đảm nhận những công việc có tính chất phục vụ, công việc gia đình, lĩnh vực lao động giản đơn, thường có thu nhập không tương xứng, nguy cơ mất việc cao phản ánh vai trò, vị thế, thu nhập thấp. Các lĩnh vực hàm lượng trí tuệ cao, lao động phức tạp đòi hỏi về trình độ thường quan niệm là nam giới. Ở Việt Nam hiện nay, tỉ lệ nữ tham gia lực lượng lao động ở mức cao, nhưng cũng đồng nghĩa với nguy cơ bị mất việc, thu nhập thấp và dễ bị tổn thương luôn hiện hữu.

Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới  - ảnh 3
Tỉ lệ nữ tham gia lực lượng lao động ở mức cao, nhưng cũng đồng nghĩa với nguy cơ bị mất việc, thu nhập thấp và dễ bị tổn thương luôn hiện hữu

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với mức 76,8%, độ tuổi từ 25-49 tuổi tham gia vào lực lượng lao động rất cao từ 95,2%-96,7%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ cao có thể bị hiểu nhầm là một chỉ báo về mức độ bất bình đẳng giới tương đối thấp trong tham gia lực lượng lao động khi tỷ lệ này ở nam giới cũng chỉ ở mức 81,9%. Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế cho thấy, phụ nữ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều bất bình đẳng có tính chất dai dẳng do vị thế việc làm có sự khác biệt từ quan niệm truyền thống ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập và nguy cơ dễ mất việc làm hơn nam giới.

Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và trình độ cao là yếu tố cơ bản tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, tham gia vào các lĩnh vực lao động có chuyên môn và tạo ra giá trị gia tăng. Về góc độ này, cơ hội của phụ nữ vẫn thấp hơn so với nam giới. Tiếp cận từ khía cạnh này dẫn đến mất cân bằng trong cơ cấu đào tạo nhân lực và cơ cấu lao động. Nguyên nhân từ bất bình đẳng tiếp cận từ khía cạnh giáo dục là thứ cấp, tuy nhiên không thể không đánh giá và phải được coi là cội nguồn để hình thành đội ngũ lao động chất lượng cao.

Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới  - ảnh 4
Nữ lao động tham gia phỏng vấn với các doanh nghiệp tại Phiên Giao dịch việc làm lưu động huyện Mê Linh, Hà Nội

Hiện nay, nguồn lao động dồi dào và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao nhưng chỉ hơn 1/5 số lao động có việc làm đã qua đào tạo (22,6% năm 2019) và có sự khác biệt rõ rệt giữa nam giới và nữ giới khi cứ 4 lao động nam có việc làm thì có 1 người đã qua đào tạo (tỷ lệ 25%), ở nữ giới thì cứ 5 lao động có việc làm thì mới có 1 người đã qua đào tạo (tỷ lệ 20%). Tỷ lệ này đặc biệt thấp với lao động nữ thuộc khu vực nông thôn (chỉ đạt 12,3% năm 2019) chỉ bằng gần 1/3 tỷ lệ của khu vực thành thị (36,3%). Để thực hiện mục tiêu “giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030” chúng ta vẫn cần tiếp tục ưu tiên các nguồn lực cho đào tạo, dạy nghề, đặc biệt là cho phụ nữ tại khu vực nông thôn…

Về chính trị xã hội, tỷ lệ nữ giới làm công tác quản lý, lãnh đạo tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với các vị trí quản lý, lãnh đạo nói chung, so với sự gia tăng của lực lượng lao động nữ nói riêng. Trong gia đình, phụ nữ vẫn làm những công việc nội trợ là chủ yếu; vẫn còn tư tưởng trọng nam, khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con, kế hoạch hóa gia đình.

Ngoài ra, phụ nữ còn gặp những vấn đề khác như nạn nhân của bạo lực gia đình, buôn bán người, bóc lột lao động, xâm hại tình dục… Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, trong 3.193 nạn nhân của bạo lực gia đình năm 2023, có 2.628 nữ, chiếm 82,3%. Phụ nữ chịu gánh nặng “kép” trong việc vừa phải đi làm lo kinh tế gia đình, vừa phải chịu trách nhiệm chăm lo giáo dục con cái, chăm sóc người già, người ốm trong gia đình. Báo cáo về bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 tiếp tục chỉ ra số giờ làm việc nhà: trung bình 20,2 giờ mỗi tuần đối với nữ và 10 giờ mỗi tuần đối với nam, có đến gần 20% nam giới cho biết họ không hề dành bất kỳ chút thời gian nào phụ giúp việc nhà. 

Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới  - ảnh 5
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội, lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội tham quan gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm sáng tạo của phụ nữ Thủ đô
Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới  - ảnh 6
Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới  - ảnh 7

Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và cộng sự, các thách thức ANPTT trước tiên ảnh hưởng lớn đến việc hưởng thụ các quyền cơ bản của phụ nữ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí và nắng nóng cực đoan làm tăng tỷ lệ sinh non, thai chết lưu, biến chứng thai kỳ và sự lây lan của các bệnh truyền qua muỗi, đặt ra thách thức đáng kể cho sức khỏe bà mẹ. Còn theo Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), biến đổi khí hậu có thể đẩy khoảng 158 triệu phụ nữ và trẻ em gái vào cảnh nghèo đói vào năm 2050. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cũng chỉ ra, 80% số người phải sơ tán do biến đổi khí hậu là phụ nữ hoặc trẻ em gái, và những người này đang phải đối mặt với các nguy cơ gia tăng về đói nghèo, bạo lực hoặc có thai ngoài ý muốn trong quá trình di cư. Thách thức mất an ninh lương thực, đói nghèo... cũng tác động mạnh mẽ đến việc bảo đảm các quyền của phụ nữ, nhất là các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, quyền phát triển.

Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới  - ảnh 8

Bên cạnh đó, các thách thức ANPTT cũng làm gia tăng bạo lực và sự bất bình đẳng đối với phụ nữ. Do tác động của biến đổi khí hậu là một nhân tố thúc đẩy xung đột trên toàn thế giới, phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với nguy cơ gia tăng mọi hình thức bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm bạo lực tình dục liên quan đến xung đột, mua bán người, tảo hôn và các hình thức bạo lực khác.

Phụ nữ di cư cũng phải đối mặt với điều kiện làm việc kém hơn, có nguy cơ bị ngược đãi, bóc lột hoặc buôn bán, gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội và chăm sóc sức khỏe đầy đủ và có xu hướng kiếm được ít tiền hơn nam giới lao động di cư.

Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới  - ảnh 9
Biến đổi khí hậu có thể đẩy khoảng 158 triệu phụ nữ và trẻ em gái vào cảnh nghèo đói vào năm 2050 (Ảnh UNFPA)

Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh kế của phụ nữ, mà còn làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng trong việc làm giữa nam và nữ. Tình trạng này vẫn tiếp tục trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Trên toàn cầu, trong giai đoạn 2019 - 2020, việc làm của phụ nữ giảm 4,2% (tương đương 54 triệu việc làm), trong khi việc làm của nam giới giảm 3% (tương đương 60 triệu việc làm).

Tác động tiêu cực của ANPTT còn có thể đánh giá qua việc làm gia tăng gánh nặng cho phụ nữ trong việc chăm sóc gia đình và cản trở phụ nữ tham gia đóng góp cho xã hội. Trong xã hội hiện đại, phụ nữ vừa là người lao động, vừa là người chăm sóc gia đình. Thiên tai, dịch bệnh sẽ gây thêm căng thẳng, áp lực và lo lắng cho phụ nữ trong việc đảm bảo nguồn thu nhập, lương thực, nguồn nước, sức khỏe cho gia đình. Điều này thường sẽ buộc phụ nữ phải tiến hành lựa chọn khó khăn giữa sự nghiệp và các trách nhiệm đối với gia đình. Ở một số nơi, trẻ em gái thậm chí phải bỏ học để hỗ trợ người mẹ trong xử lý các gánh nặng kiếm sống, gia đình.

Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới  - ảnh 10

Trong những thập kỷ gần đây, sự bùng nổ của công nghệ số (chuyển đổi số) cũng đang tác động mạnh mẽ tới phụ nữ. 

Theo ông Matt Jackson Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam mặc dù quá trình số hóa trên thế giới mang lại những cơ hội phát triển đáng kể nhưng đây cũng là không gian mà nhiều mối nguy hại có thể xảy ra. Công nghệ và những không gian mạng ngày càng bị sử dụng sai mục đích và gây hại cho phụ nữ và trẻ em gái trên cơ sở giới.

Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới  - ảnh 11

Đánh giá tác động của chuyển đổi số ở Việt Nam đến công tác bình đẳng giới, TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, giảng viên, Viện Báo chí – Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Các hoạt động thường ngày của người dân đang dần được dịch chuyển lên môi trường số. Điều này mang lại nhiều tiện ích, giúp cuộc sống trở nên thuận tiện và kết nối hơn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra không ít thách thức trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới.

Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới  - ảnh 12

Bên cạnh đó, môi trường số cũng tạo ra những hình thức bạo lực giới mới, như quấy rối tình dục, đe dọa, tấn công mạng, lan truyền hình ảnh nhạy cảm mà không có sự đồng ý. Nạn nhân của bạo lực giới trực tuyến thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ và bảo vệ do tính chất ẩn danh và lan truyền nhanh chóng của môi trường mạng. Báo cáo Thực trạng Trẻ em gái Thế giới năm 2020, do Plan International thực hiện tại 31 quốc gia với hơn 14.000 trẻ em gái và phụ nữ trẻ cho thấy, 58% trẻ em gái được khảo sát đã bị quấy rối và xâm hại trực tuyến, và 85% trong số họ đã trải qua nhiều loại bạo lực trên cơ sở giới trên không gian..

Còn theo một kết quả nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế ILO về thị trường lao động Việt Nam trong 10 năm tới, những công việc có thể bị thay thế bằng hệ thống máy móc tự động hóa có mức độ rủi ro cao nhất. Số việc làm phụ nữ hiện đang đảm nhiệm có khả năng bị tác động dịch chuyển sang tự động hóa cao gần 2,4 lần so với nam giới, những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất là dệt may và da giày, chế biến… là những lĩnh vực lao động nữ chiếm đa số từ 80% đến 90%.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương và PGS.TS Vũ Thị Loan trường đại học Hải Phòng cho rằng, phụ nữ phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình thích ứng với sự thay đổi từ cuộc cách mạng chuyển đổi số. Một trong những rào cản lớn nhất là sự thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng số, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn và các quốc gia đang phát triển. Nhiều phụ nữ không được tiếp cận với các nguồn tài nguyên giáo dục và công nghệ hiện đại. Điều này dẫn đến sự chênh lệch về trình độ và khả năng tham gia vào thị trường lao động kỹ thuật số giữa các nhóm phụ nữ khác nhau.

Kỳ 2: Bối cảnh mới và những thách thức với bình đẳng giới  - ảnh 13

Thêm vào đó, các rào cản văn hóa và xã hội vẫn tiếp tục là yếu tố cản trở sự tiến bộ của phụ nữ trong thời đại công nghệ. Ở nhiều nơi, định kiến giới vẫn tồn tại, khiến phụ nữ khó có thể đảm nhận các vị trí lãnh đạo hoặc tham gia vào các lĩnh vực công nghệ cao.

Phân tích tỷ lệ lao động nữ trong năm công ty hàng đầu về công nghệ cho thấy một bức tranh đa dạng về sự hiện diện của phụ nữ trong ngành này. Amazon đứng đầu với tỷ lệ lao động nữ cao nhất ở mức 45%, tuy nhiên, tỷ lệ nữ giới làm lãnh đạo lại thấp hơn ở mức 29% và tỷ lệ nữ làm việc trong các vị trí công nghệ cũng ở mức khiêm tốn là 24%. Facebook có tỷ lệ lao động nữ là 37%, tỷ lệ nữ làm lãnh đạo là 34% và tỷ lệ nữ làm việc trong công nghệ là 24%. Apple có tỷ lệ lao động nữ là 34%, tỷ lệ nữ lãnh đạo là 31%, và tỷ lệ nữ trong công nghệ cũng là 24%. Tỷ lệ nữ lãnh đạo tại Google là 28% và tỷ lệ nữ làm việc trong công nghệ là 25%, trong khi Microsoft có tỷ lệ nữ lãnh đạo thấp hơn ở mức 26% và tỷ lệ nữ làm công việc liên quan đến công nghệ là 23%. Điều này chỉ ra rằng việc thúc đẩy phụ nữ vào các vai trò lãnh đạo và trong các vị trí công nghệ cần phải được tiếp tục tập trung và tăng cường.

Bên cạnh đó còn có khoảng cách về kỹ năng số giữa nam và nữ khi đánh giá cho thấy phụ nữ trẻ ít có khả năng tiếp cận và phát triển kỹ năng số hơn nam giới, thậm chí chưa đạt được một nửa mức độ so với nam giới. Việc thiếu kỹ năng số không chỉ ảnh hưởng đến cơ hội giáo dục mà còn làm hạn chế khả năng tham gia vào thị trường lao động và cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của phụ nữ.