Ký ức hào hùng của cựu chiến binh tham gia tiếp quản Thủ đô

Admin
(PNTĐ) - Những cựu chiến binh đã từng tham gia tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954 nay tuổi đã cao, nhưng mỗi khi đến ngày Giải phóng Thủ đô, họ đều có những cảm xúc đặc biệt. Đó là cảm xúc của những ngày chiến đấu và chiến thắng trở về…
Ký ức hào hùng của cựu chiến binh tham gia tiếp quản Thủ đô - ảnh 1
Ông Phạm Văn Chương bùi ngùi xúc động khi xem lại những bức ảnh cũ của đồng đội.

Tự hào là người lính trong đoàn quân  tiến về Thủ đô
Nói về ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, cựu chiến binh Phạm Văn Chương (sinh năm 1934, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không khỏi xúc động xen lẫn tự hào. 

Ông Phạm Văn Chương sinh ra tại phố Sinh Từ (nay là phố Nguyễn Khuyến, Hà Nội), là chiến sĩ lái xe kéo pháo cao xạ 37 ly tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và về tiếp quản Hà Nội trong ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Năm 1946, khi toàn quốc kháng chiến, ông Chương bị lạc gia đình trong quá trình đi sơ tán. Ông được một người nhận nuôi, đưa về Hải Dương sinh sống. Tại đây, chính quyền cách mạng cơ sở nhìn thấy sự năng động, nhạy bén của thiếu niên 13 tuổi nên đã giới thiệu ông vào Tỉnh đội Hải Dương làm nhiệm vụ liên lạc thông tin.

Năm 1952, ông là một trong số những thanh niên tuổi 18, 19, 20 thuộc các cơ quan Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần được cử về Đoàn 99, Bộ Quốc phòng để luyện tập, sẵn sàng bổ sung cho các đơn vị chiến đấu. Đầu năm 1953, Tiểu đoàn 690 được thành lập, đóng quân ở chợ Chu (thuộc huyện Định Hoá, Thái Nguyên), ông là một trong số 690 chiến sĩ đầu tiên của Tiểu đoàn 690. Tháng 4/1953, đơn vị của ông được lệnh sang Trung Quốc học về cơ giới để phục vụ cho trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Học được 2 tháng thì có tin giặc Pháp lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Lớp học nhận chỉ thị phải gấp rút đào tạo một số chiến sĩ có tay lái khá để sớm về nước tham gia chiến đấu. Ông Chương là một trong những chiến sĩ được lựa chọn. 

Đầu tháng 12/1953, ông Chương được phân về khẩu đội 4, Trung đội 2, Đại đội 817, Tiểu đoàn 383, Đoàn 367. Đơn vị nhận nhiệm vụ kéo pháo lên xe lửa về nước, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau những đêm hành quân vất vả, ngày nghỉ đêm đi, cuối cùng cũng đến điểm tập kết tại Lai Châu. Lúc này bộ binh, dân công cùng các pháo thủ chuẩn bị kéo pháo bằng tay đi theo đường công binh đã làm sẵn trước đó để bí mật vào sát đồn địch. 

“Được 10 ngày thì cấp trên chỉ thị thay vì đánh nhanh thắng nhanh sẽ chuyển sang chiến lược đánh chắc, tiến chắc. Lúc này, ở điểm tập kết, chúng tôi tháo pháo khỏi xe để kéo ra, giữa lúc địch bắn pháo từ Điện Biên Phủ ra rất nguy hiểm. Kéo pháo ra xong các đơn vị nghỉ ngơi học tập và chuẩn bị ăn Tết. Đầu tháng 3/1954, các đơn vị pháo cao xạ đi tìm trận địa cho trận chiến mới theo cách đánh mới. Mỗi khẩu đội pháo phải chuẩn bị 2, 3 trận địa để đảm bảo bí mật. Các đơn vị bộ binh cũng đào công sự, giao thông hào tiến sát các đồn và lô cốt giặc. Lái xe cũng phải đào hầm xe” - ông Chương nhớ lại.

Chiều 7/5/1954, quân ta đánh thẳng vào trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống toàn bộ sở chỉ huy của tướng De Castries, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Theo hồi ức của ông Chương, Hội nghị Genève thành công, thống nhất chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phân định Nam - Bắc tạm thời. Đơn vị ông được lệnh bổ sung vào Sư đoàn 308 chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô. Tháng 7/1954, đơn vị ông về Bắc Giang tập trung cùng các đơn vị của Sư đoàn rồi hành quân về ngã ba Phú Hộ (đường đi về thị xã Phú Thọ) nghỉ ngơi và học tập về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Sau đó, đơn vị hành quân qua phà Việt Trì về đóng quân trong Thành cổ Sơn Tây.

Một thời gian sau đơn vị lại hành quân về đóng tại một công sở của Pháp ở phố Phùng, huyện Đan Phượng; mỗi tối đi vào các thôn xóm làm công tác dân vận, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ở vùng mới giải phóng. Đến ngày 9/10/1954, toàn đơn vị hành quân vào sân bay Bạch Mai để chuẩn bị ngày hôm sau tiến vào tiếp quản Hà Nội. Xe pháo đã chuẩn bị từ trước, cánh cửa xe ôtô sơn cờ đỏ sao vàng, 4 bánh xe và chắn bảo hiểm phía trước sơn màu trắng.

Sáng sớm ngày 10/10/1954, anh nuôi dậy sớm chuẩn bị cơm. Ăn xong đúng 7h, đơn vị hành quân từ sân bay Bạch Mai đi theo đường Đại La sang ngã tư Trung Hiền, chợ Mơ, qua phố Huế lên Bờ Hồ, qua Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Hoàng Hoa Thám rẽ qua đường Hùng Vương vào tập trung tại bãi câu lạc bộ quân nhân; xe pháo toàn tiểu đoàn xếp hàng chờ làm lễ mừng chiến thắng. Dọc đường đi, nhân dân Hà Nội đủ các tầng lớp đứng đầy hai bên đường, kèn trống, đàn hát, vẫy cờ, mặt mày rạng rỡ hô vang khẩu hiệu chào mừng bộ đội. 

Sau này, khi Thủ đô được giải phóng, ông Chương xin nghỉ phép để tìm người thân bị thất lạc từ năm 1946. Nhìn thấy bố mẹ và anh chị em đều bình an, ông vô cùng xúc động. Sau năm 1954, ông Chương về phục viên, rồi làm lái xe cho Tỉnh uỷ Hà Giang, đến năm 1970 thì chuyển về công tác tại Hà Nội đến khi về hưu.
Giữ mãi khí phách hào hùng thời xung trận
Cựu chiến binh Nguyễn Minh Thắng năm nay đã 88 tuổi, vẫn khí phách như thuở xung trận, minh mẫn kể về tháng năm lịch sử hào hùng tiếp quản Thủ đô, giải phóng Thủ đô Hà Nội khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp.

Ký ức hào hùng của cựu chiến binh tham gia tiếp quản Thủ đô - ảnh 2
Ông Nguyễn Minh Thắng chia sẻ với thế hệ trẻ về kỷ niệm của những ngày tháng hào hùng.

Sinh năm 1936, 15 tuổi, chàng trai trẻ Minh Thắng đã tham gia hoạt động quân báo địa phương có nhiệm vụ luồn vào lòng địch lấy thông tin các điểm đặt súng, thời gian đi lại của quân địch. Năm 1952, ông Thắng xung phong ra nhập đoàn quân chính quy, Đại đội 213, Tiểu đoàn 23, Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 (quân tiên phong) đóng quân khắp các tỉnh miền Bắc. Mỗi người đi bộ từ Thái Bình đến Điện Biên, Bắc Giang, Thái Nguyên… dọc miền Bắc, khoác trên vai khoảng 35kg là vũ khí, đồ dùng, dọc đường chặt các ống nương làm dụng cụ đựng nước, nhưng tất cả vẫn hồ hởi, háo hức hướng đến một ngày chiến thắng.

Tháng 4/1954, ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, bao vây hầm Đờ - Cát, đồi A1, buổi sáng ông cùng đồng đội đang tham gia chiến đấu thì bom nổ vào trận địa, sập hầm, nhiều người bị thương. Bản thân ông bị thương ở đầu, ngất đi, đồng đội khiêng ra cáng. Khi tỉnh lại, ông tiếp tục chiến đấu, không màng đau đớn.

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ đã được ký kết, tháng 8/1945, đơn vị ông được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã căn dặn các chiến sĩ về tiếp quản Thủ đô. “Ngày 20/9/1954, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ chuyển về xuôi chuẩn bị cho ngày vào tiếp quản Hà Nội. Một đêm hành quân từ đồi thông Thái Nguyên, qua tỉnh Vĩnh Phúc, qua vành đai của địch. 5 giờ sáng đơn vị tiếp cận tới bờ sông Hồng, bên kia là tỉnh Hà Đông. Hàng nghìn chiếc thuyền nan, thuyền gỗ đã đậu kín dọc bờ sông Hồng, cả 3 trung đoàn 88-102-36 cùng khối sư đoàn sẵn sàng vượt sông. Dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy đỏ phù sa, nước sông đầy ắp, tất cả anh em gói quần áo quân trang vào bạt, mặc quần đùi, áo may ô, cứ 12 người ngồi trên 1 chiếc thuyền, đồng loạt lấy gậy làm bè chèo hỗ trợ cho 2 người lái đò vượt sông…

Sáng ngày 10/10/1954 cả đơn vị dậy rất sớm, tập trung lên mặt đê hành quân vào tiếp quản Thủ đô. Nhân dân ra đón chật kín đường, những tiếng hô vang, những cánh tay vẫy chào của rừng người, rừng cờ, rừng hoa 2 bên đường vô cùng sôi động. Những chiếc bàn dọc ven đường nối nhau đặt đủ thứ bánh kẹo, hoa quả, nước chè tươi, thuốc lá… Bộ đội vẫy chào đồng bào, có người nhảy lên vì vui sướng, có người khóc vì sự nhớ nhung… Khoảng hơn 9h sáng, bốn cánh  quân đã từ các cửa ô vào Thành phố…”- ông Thắng nhớ lại.
Qua những ngày vào tiếp quản Thủ đô, ông nhận ra Hà Nội thật mộng mơ, thanh lịch. Người nào cũng luôn thường trực một nụ cười rạng rỡ trên môi, cảnh quan thoáng đãng trong mát. Đứng từ Yên Phụ phóng mắt nhìn tới bãi sông Hồng lưa thưa vài túp nhà tranh còn lại là những cây hoang dã mọc trên cát trắng. Đường phố sạch sẽ, tất cả các tầng lớp sang-hèn khi bước ra đường là mặc chiếc áo dài, thể hiện sự văn minh, lịch sự.

Chiến tranh đã lùi xa. Những thương binh, cựu chiến binh trở về cuộc sống đời thường luôn nỗ lực hết mình xây dựng cho quê hương, đất nước. Ông Nguyễn Văn Thắng cũng vậy, về hưu sau quãng thời gian dài chiến đấu và công tác tại Nhà máy Xà phòng Hà Nội, ông đã15 năm tham gia công tác an ninh khu phố góp sức mình vào xây dựng quê hương. Là một nhà văn của Hội Văn học Hà Nội, ông đã có những tác phẩm, những ký ức lịch sử hào hùng truyền lại cho lớp lớp thế hệ mai sau.