Làm giáo dục chân chính, đúng đạo lý là điều không dễ dàng

Admin
Trước bối cảnh mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi gắm đội ngũ các nhà giáo phải phát huy trí tuệ, quyết tâm và sự sáng tạo để vượt qua khó khăn của ngành.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, sáng nay (17/11), Bộ GD&ĐT đã tổ chức lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lần thứ 16. Đồng thời, tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2024.

Các danh hiệu nhằm tạo động lực thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong cả nước. Góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Năm nay, Chủ tịch nước đã phong tặng 21 danh hiệu Nhà giáo nhân dân và 1167 danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Hội đồng của Bộ GD&ĐT cũng đã xét chọn 251 Nhà giáo tiêu biểu. Các nhà giáo được lựa chọn đều có thành tích nổi trội, xuất sắc trong nuôi dạy, giảng dạy, giáo dục, quản lý, tâm huyết, tận tụy với nghề, có uy tín về chuyên môn.

Làm giáo dục chân chính, đúng đạo lý là điều không dễ dàng- Ảnh 1.

Cô giáo Vũ Thị Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, tỉnh Yên Bái.

Đại diện cho các thầy cô giáo phát biểu tại buổi lễ, Nhà giáo nhân dân của tỉnh yên Bái, cô giáo Vũ Thị Hạnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An bày tỏ xúc động khi là một trong những giáo viên, được đón nhận danh hiệu cao quý nhất của nghề.

Cô Vũ Thị Hạnh chia sẻ: "Tôi tâm niệm rằng giáo dục không chỉ bằng trí óc mà còn bằng cả con tim, còn phải "dạy người" cho các học sinh thân yêu. Tình yêu thương chân thành và sự quan tâm đúng mực của mỗi nhà giáo, có thể dìu dắt học trò vượt qua những khó khăn, thử thách và trở thành học sinh tiêu biểu, những công dân có ích cho xã hội".

Vị giáo viên cũng hiểu rõ nhiệm vụ thiêng liêng của người thầy là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương, cho đất nước. Mỗi thầy cô phải là nguồn động lực thúc đẩy cho sự phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị. Là những hạt nhân tỏa ra nguồn năng lượng tích cực nhất, ảnh hưởng, tác động lớn nhất tới đồng nghiệp, tới học trò, tạo dựng một nền giáo dục hiện đại.

Xây dựng giáo dục Thủ đô không bạo lực, ép buộc học thêm

Gửi gắm lời tri ân đến các thầy cô, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá tôn vinh nghề dạy học, vinh danh nhà giáo đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp của đất nước chúng ta.

"Làm giáo dục là một việc khó, giáo dục chân chính, giáo dục cho đúng đạo lý, giáo dục hướng tới chất lượng cao, cuốn hút người học, lan tỏa được tinh thần sáng tạo và cảm hứng học tập bất tận cho người học lại càng khó.

Để đạt được danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo tiêu biểu, các thầy cô đã tận tụy và yêu nghề, đã có rất nhiều đóng góp, đã vượt qua những khó khăn thử thách để thể hiện bản thân và lan tỏa các giá trị tốt đẹp", Bộ trưởng nói.

Làm giáo dục chân chính, đúng đạo lý là điều không dễ dàng- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và các Nhà giáo Nhân dân năm 2024.

Cùng với những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng lưu ý tới những đội ngũ nòng cốt, trong thời gian tới, sẽ còn nhiều thách thức mà ngành của chúng ta sẽ phải đối mặt để vượt qua và thực hiện thành công các nhiệm vụ lớn.

Đây là thời điểm ngành giáo dục, phải tập trung đổi mới và nâng cấp giáo dục mầm non. Cùng với đó, giáo dục phổ thông đã đến thời điểm hoàn thành chu trình đầu tiên của việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa.

Cần có một lần đánh giá quá trình triển khai đổi mới giáo dục phổ thông để rút kinh nghiệm, điều chỉnh những nội dung cần thiết để thực hiện đổi mới theo chiều sâu hơn. Đó là đổi mới hướng tới hoàn thiện và nâng cao chất lượng giáo dục, hỗ trợ vùng khó, phát huy cho vùng thuận và hướng tới chuẩn quốc tế.

Làm giáo dục chân chính, đúng đạo lý là điều không dễ dàng- Ảnh 3.

Các thầy cô, cán bộ quản lý nhận danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu

Bộ trưởng nhận thấy nhiều vấn đề sẽ cần giải quyết rốt ráo, sâu rộng như phát triển con người trong thách thức mới của giáo dục số, của trí tuệ nhân tạo và của sự phát triển và biến đổi nhanh chóng của công nghệ, khoa học và kỹ thuật.

Để thực hiện thành công những nhiệm vụ lớn nói trên, toàn ngành giáo dục phải rất quyết tâm và cần hội đủ nhiều điều kiện cần thiết. Trong đó, yếu tố con người, mà tiêu biểu là các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có vai trò đặc biệt quan trọng.

"Các Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo tiêu biểu sẽ là những hạt nhân phát huy tốt nhất kinh nghiệm, trí tuệ, quyết tâm và sự sáng tạo của bản thân, đồng thời chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng tích cực, nhân rộng những điều tốt đẹp tới cộng đồng các nhà giáo", Bộ trưởng nhấn mạnh.