Làm ‘phim chiến tranh’ phải thật tài năng

Hoàng Huyền
Để có tác phẩm điện ảnh đề tài chiến tranh thành công, ngoài kinh phí, người làm phim trước hết phải yêu phim chiến tranh, phải thật nỗ lực và tài năng.

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chia sẻ, làm phim đề tài chiến tranh rất khó, kinh phí và doanh thu luôn là bài toán đau đầu.

Làm ‘phim chiến tranh’ phải thật tài năng-dulichgiaitri.vn
Hình ảnh phim "Truyền thuyết về Quán Tiên")

Để có tác phẩm điện ảnh đề tài chiến tranh thành công, ngoài kinh phí, đạo diễn phim Truyền thuyết về Quán Tiên cho rằng, người làm phim trước hết phải yêu phim chiến tranh, phải thật nỗ lực và tài năng.

- Sau “Truyền thuyết về Quán Tiên”, cho đến nay, điện ảnh Việt chưa có thêm một dự án phim chiến tranh nào khác, anh có một lý giải nào cho việc này?

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Làm phim chiến tranh rất khó. Không chỉ về kịch bản mà còn về kinh phí, nhân lực, vật lực. Lấy đơn cử như phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”, để có được những cảnh quay chiến tranh chân thật, với những nữ thanh niên xung phong mang đầy chất “lính” và những đoàn xe vận tải lớn, chúng tôi đã phải rất vất vả tìm kiếm, liên hệ. Thật may là trong quá trình quay phim, người dân Quảng Bình (nơi chúng tôi quay phim) quá nhiệt tình và lăn xả. Nhiều lúc tôi cũng bất ngờ bởi sự tự nhiên, thoải mái của họ trước ống kính.

Tuy nhiên, doanh thu luôn là bài toán đau đầu, đặc biệt với một đề tài còn kén khán giả như phim chiến tranh. Đây chính là rào cản khiến cho những nhà đầu tư tư nhân chưa dám bước vào địa hạt này. Tất cả phim chiến tranh trước giờ đều trông chờ vào nguồn vốn Nhà nước (ít nhất 70% như Truyền thuyết về Quán Tiên). Nhưng tôi vẫn mong chờ có một nhà sản xuất nào đó có thể tạo nên sự khác biệt.

- Điện ảnh Việt Nam những năm gần đây phát triển rất rực rỡ nhưng lại chủ yếu là phim giải trí. Sự mong chờ một nhà sản xuất tạo nên sự khác biệt của anh liệu có hy vọng không?

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ:Tôi luôn hy vọng và thực tế với Truyền thuyết về Quán Tiên, chúng tôi đã kêu gọi thêm được một số nhà đầu tư tư nhân tham gia. Ví dụ như phần âm nhạc khoảng 1,2 tỷ, có sự hỗ trợ rất nhiều từ Sun Symphony Orchestra. Nhưng dù thế nào, bộ phim của chúng tôi cũng chỉ là một trường hợp đơn lẻ. Cái chúng ta cần là một sự thay đổi mang tính chất toàn diện.

Như tôi đã nói, làm phim chiến tranh không dễ. Muốn thành công, trước hết, phải yêu những bộ phim chiến tranh, dù là phim của Việt Nam hay Hollywood. Sau đó, bạn phải chăm chỉ và nỗ lực để có sự hiểu biết sâu sắc về thời kỳ mà bạn đưa vào phim. Cuối cùng, tất cả phụ thuộc vào tài năng của bạn (tất nhiên tôi đang chưa tính đến yếu tố kinh phí).

- Chúng ta đã đi qua những năm tháng chiến tranh gian khổ với bao nhiêu xương máu để giành lấy hoà bình, độc lập, anh có nghĩ những gì chúng ta làm quá ít ỏi so với việc khắc họa lại những gì đã trải qua?

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Nếu chúng ta có một cái nhìn nghiêm túc với những dự án dài hơi về phim chiến tranh, những con người có tâm, làm phim với mục tiêu để tạo nên dấu ấn trong nghệ thuật, thì chúng ta mới có thể có hy vọng.

- Nhiều ý kiến nói rằng, phim ảnh về một thời bom đạn chính là bài học lịch sử chân thực đối với thế hệ sau, để họ không quên những năm tháng hào hùng của cha ông, anh có nghĩ như vậy?

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Đó là điều chắc chắn, nhưng nó phải là thứ đọng lại cuối cùng, là thứ mà người xem tự nhận ra sau khi chìm đắm trong cảm xúc với câu chuyện và nhân vật. Bởi vậy, tôi không làm phim với ý định tạo nên những bài học, mà phải kể được một câu chuyện đủ xúc động để thế hệ nào khi xem cũng có thể đồng cảm.

Nếu những nhà làm phim có thể tự hào về bộ phim của họ thì chắc chắn khán giả cũng có thể cảm nhận được niềm tự hào đó.

- Được biết, hiện tại anh đang hoàn thiện dự án phim về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, dự án này đã thực hiện đến đâu rồi?

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ: Bộ phim Viên đạn cuối cùng đã hoàn thành phần quay ở Việt Nam và có bản dựng đầu tiên. Tuy nhiên, chúng tôi còn hơn 30% cảnh quay tại Hàn Quốc. Hiện giờ, cả đoàn sẽ cố gắng tiêm vắc-xin phòng Covid-19 càng sớm, càng tốt để sang Hàn Quốc hoàn thiện phim.

Hiện tại, tôi đang xây dựng khoảng 2 dự án phim khác. Nhưng vẫn phải đợi dịch bệnh được khống chế đã. Ngành điện ảnh những ngày này gần như đóng băng rồi…

- Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ sinh năm 1989. Tốt nghiệp lớp đạo diễn khóa 27 (2007-2011) tại trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, ở tuổi 30, Đinh Tuấn Vũ đã bền bỉ lao động sáng tạo trải nghiệm ở vị trí phó đạo diễn và tự đứng độc lập với vai trò đạo diễn để cống hiến cho điện ảnh nước nhà những bộ phim truyện điện ảnh như: Và anh sẽ trở lại, Trên đỉnh núi phía Tây, Cuộc đời của Yến, Chú ơi đừng lấy mẹ con, Truyền thuyết về Quán Tiên...

  NGUYÊN VŨ/phunuthudo.vn