Từ đó, kinh tế gia đình ông được nâng cao và giúp tạo công ăn việc làm thường xuyên cho người dân nơi đây.
Kỷ lục khai hoang
Chúng tôi về vùng đất Diên Điền, huyện Diên Khánh vào những ngày giữa tháng 8. Trên con đường làng dẫn lên di tích lịch sử Am Chúa, hai bên là những đồng lúa chín vàng ươm, trĩu hạt, người người đang tất bật thu hoạch vụ hè thu.
Hỏi đường đến trang trại của lão nông Lê Văn Nhân, SN 1952, trú thôn Trung 2, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi được bà con chỉ đường tận tình và không quên dặn “Cứ thấy nhà nào nhiều máy cày nhất là nhà ông Ba Mến”. Lão nông Ba Mến không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi mà còn được người dân địa phương quý mến như cái tên của mình.
Kể về con đường làm giàu từ cánh đồng lúa quê hương, ông Nhân cho biết: “Năm 1987, khi tôi lên đây, đất canh tác chưa có phải dỡ đất hoang mà làm. Mỗi ngày một ít, vừa làm vừa dỡ cũng chỉ được 1-2ha. Hồi đó, mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa, năng suất thấp. Vì vậy, vợ chồng tôi vừa làm ruộng vừa nuôi vịt, nuôi bò, làm rẫy, có thời gian còn sản xuất cả gạch ống…. Khổ trăm bề nhưng vẫn ráng bám đồng bám ruộng để làm ăn”, ông Nhân chia sẻ.
Vợ chồng ông cứ đi sớm về khuya, tỉ mẩn trên cánh đồng, trong mảnh vườn nhà vì ông bảo “cần cù bù thông minh”. Thế rồi, niềm yêu thích với nghề nông cộng thêm sự cần cù, chịu thương chịu khó, vợ chồng ông cùng các con cứ bắt tay vào thử nghiệm các mô hình rồi rút kinh nghiệm dần dà.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại rộng hơn 2ha của gia đình, ông Nhân hào hứng giới thiệu 4 hồ nuôi cá nước ngọt, 400 cây dừa xiêm đến trại gà sạch và nhà kho rộng hàng trăm mét vuông để chứa rơm khô.
“Từ hai bàn tay trắng, đến nay, gia đình tôi đang sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm mỗi năm 2 vụ trên diện tích khoảng 12 -13 ha, thu nhập khoảng 800 triệu đồng/năm. Để tận dụng đất canh tác, tăng thêm thu nhập, tôi còn thực hiện trồng dừa trên bờ ao, bờ ruộng lúa quanh trang trại. Hiện nay, dừa đã bắt đầu cho thu hoạch. Ngoài ra, gia đình tôi còn có 0,7ha hồ nuôi cá trê, rô phi… thu nhập khoảng 800 triệu đồng; thu từ nuôi gà sạch 400 triệu đồng mỗi năm”, ông Nhân cho biết.
Nông dân tỷ phú
Ở vùng đất thuần nông này, nguồn thu nhập của gia đình ông Nhân là niềm mơ ước đối với các hộ nông dân. Tuy nhiên, thu nhập lớn nhất của gia đình ông lại đến từ dịch vụ nông nghiệp với số tiền thu về khoảng 2,5 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay, tổng doanh thu các nguồn của gia đình ông khoảng 4,5 tỷ đồng/năm, thu lãi 1,5 tỷ đồng.
Để có nguồn thu nhập như vậy là do ông Nhân đã có cách nghĩ cách làm khác. Theo ông, muốn làm giàu từ nông nghiệp phải đi theo hướng thương mại, dịch vụ. Với quyết tâm, dám nghĩ dám làm, từ năm 2017, gia đình ông đã đầu tư trồng lúa giống năng suất cao trên diện tích 8ha có liên kết với doanh nghiệp lúa giống. Nhờ đó, chất lượng lúa giống tốt và năng suất đạt từ 68- 70 tạ/ha, không phải lo lắng về đầu ra lại cho thu nhập cao.
Những ngày đầu làm ruộng ông sử dụng sức kéo của trâu bò, rồi khi có ít vốn trong tay ông sắm chiếc máy cày. Cứ làm rồi dành dụm và vay mượn thêm trong các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, ông sắm thêm máy móc.
“Để làm dịch vụ nông nghiệp, tôi mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị hỗ trợ sản xuất. Đến nay, gia đình tôi đã có trong tay 6 máy gặt đập liên hợp, 6 máy cày, 4 máy cuộn rơm vừa để sản xuất vừa làm dịch vụ nông nghiệp phục vụ người dân các xã Diên Thạnh, Diên Phước, Diên Điền, Diên Sơn…”, ông Nhân cho biết.
Kể về những ngày đầu bước chân vào con đường làm dịch vụ nông nghiệp, ông cho biết khi ấy trong tỉnh không có máy móc hiện đại để làm nông, ông phải lặn lội đi vào Ninh Thuận, ra Phú Yên để tìm hiểu và mua.
Ông Nhân cho hay: “Tìm hiểu qua báo đài, tôi thấy nông dân các nơi sử dụng máy móc hiện đại làm nông mang hiệu quả nên cũng muốn thử. 13 năm trước, tôi mua chiếc máy đầu tiên với giá 65 triệu đồng, rồi đến chiếc có giá hơn trăm triệu nhưng mang lại hiệu quả không cao. Sau đó, tôi cứ đổi dần đổi dần đến nay là những chiếc máy hiện đại có giá trị từ 500-600 triệu đồng/máy”.
Nhờ chịu khó, siêng năng và dám nghĩ dám làm, lão nông Ba Mến không chỉ thành công với cây lúa, mô hình vườn – ao – chuồng mà còn thu được lợi nhuận cao từ dịch vụ nông nghiệp. Vừa mang lại kinh tế cao cho gia đình, ông vừa giúp nông dân địa phương giảm bớt thời gian, chi phí, công lao động và tăng thu nhập khi áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất.
Nói về lão nông Lê Văn Nhân, bà Hà Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết ông là gương nông dân xuất sắc của tỉnh. Ông Nhân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương và được tặng nhiều bằng khen của huyện Diên Khánh cũng như của tỉnh Khánh Hòa.
“Không chỉ là người đi đầu trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương, ông còn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Với quyết tâm, dám nghĩ dám làm, ông Nhân đã tạo ra hướng đi riêng cho mình và mang lại hiệu quả kinh tế cao”, bà Hạnh nói.
Clip: Lão nông Lê Văn Nhân làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Châu Tường