Lời giải thích tận tình

Admin
Bố mẹ mất sớm, anh Quang rời xa quê hương và quyết định đến một vùng đất mới để sinh sống, làm ăn (xã X).

Người ta bảo "đất lành chim đậu", sau vài năm chăm chỉ làm ăn, anh đã tạo dựng nên một xưởng sản xuất, chế biến gỗ có tiếng trong vùng. Tại đó, anh gặp chị Mai, người con gái của ông chủ trước đó anh làm thuê. Hai người có tình cảm và quyết định đi đến hôn nhân. Anh Quang và chị Mai đến Ủy ban nhân dân xã X để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Tại Ủy ban nhân dân xã X, chị Vân là công chức Tư pháp – Hộ tịch của xã đã tiếp nhận yêu cầu của anh Quang và chị Mai….

- Chị Vân: Hôm nay hai anh chị đến Ủy ban mình để làm thủ tục đăng ký kết hôn đúng không ạ? Nhưng anh Quang không phải là người có hộ khẩu thường trú trên địa bàn nên anh cần bổ sung giúp em Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Anh có giấy đó thì em làm thủ tục cho anh chị ngay!

- Anh Quang: Tôi không hiểu các quy định của pháp luật cho lắm, chị có thể nói rõ hơn ai có thẩm quyền cấp và cấp như thế nào về Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có được không?

- Chị Vân: Là thế này anh chị ạ, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là căn cứ để chứng minh tại thời điểm xác nhận một người nào đó đang ở trong tình trạng hôn nhân như thế nào? Có nghĩa là xác nhận một người đang độc thân hay đã kết hôn, hoặc kết hôn lần thứ mấy? Khoản 2 Điều 23 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch quy định: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được sử dụng để kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài hoặc sử dụng vào mục đích khác.

- Chị Mai: Nghĩa là do anh Quang không phải là người sinh ra và lớn lên trên xã X ta nên nếu muốn đăng ký kết hôn tại đây thì cần phải xác nhận tình trạng hôn nhân đúng không chị Vân? Vậy Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ có mục đích để phục vụ cho việc kết hôn hay còn phục vụ cho những mục đích khác hả chị?

- Chị Vân: Đúng vậy. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không có giá trị khi sử dụng vào mục đích khác với mục đích ghi trong Giấy xác nhận. Khi xin Giấy này thì người yêu cầu phải ghi rõ mục đích của mình. Ngoài mục đích sử dụng để đăng ký kết hôn như trường hợp của anh chị, Giấy này có thể sử dụng với mục đích khác như: để làm thủ tục vay vốn hay chứng minh tư cách chủ sở hữu khi mua bán tài sản hoặc khi tham gia một giao dịch nào đó mà một bên hoặc cơ quan nhà nước yêu cầu phải xuất trình Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân... vì Giấy này chỉ có giá trị 06 tháng kể từ ngày cấp thôi.

- Anh Quang: Thế tức là tôi phải về Ủy ban nhân xã ở dưới quê nhà nơi tôi đăng ký thường trú để xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đúng không chị? Hay phải đến cơ quan nào?

- Chị Vân: Đúng đó anh ạ. Điều 21 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Quy định này cũng được áp dụng để cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, nếu có yêu cầu.

- Chị Mai: Công việc của anh Quang thì bận, quê lại ở xa, để đỡ phải đi lại nhiều lần, nhờ chị tư vấn giúp để được cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải chuẩn bị hồ sơ, thủ tục như thế nào?

- Chị Vân: Điều 21 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, để đi cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, anh Quang cần nộp Tờ khai theo mẫu quy định. Do yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn nên anh Quang phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Em cũng xin lưu ý, pháp luật có quy định, nếu người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc chồng đã chết thì phải xuất trình hoặc nộp giấy tờ hợp lệ để chứng minh; nếu thuộc trường hợp là công dân Việt Nam đã ly hôn, hủy việc kết hôn ở nước ngoài, sau đó về nước thường trú hoặc làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì nộp bản sao trích lục hộ tịch tương ứng.

- Anh Quang: Vậy việc giải quyết cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có lâu không chị?

- Chị Vân: Cũng nhanh thôi anh. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức Tư pháp - Hộ tịch sẽ kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu. Nếu người yêu cầu có đủ điều kiện, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là phù hợp quy định pháp luật thì công chức Tư pháp - Hộ tịch trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký và cấp 01 bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu. Nội dung Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi đúng tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu và mục đích sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. À, cho em hỏi thêm là anh Quang có từng đăng ký thường trú ở nhiều nơi khác nhau không ạ?

- Anh Quang: Không cô ạ! Tôi đăng ký thường trú dưới quê. Sau đó lên đây làm ăn và đăng ký tạm trú ở đây thôi chứ không đăng ký thường trú ở nơi nào khác.

- Chị Vân: Em hỏi thế là bởi vì pháp luật quy định nếu anh mà đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau thì phải có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp không chứng minh được thì công chức Tư pháp - Hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.

Nghe lời giải thích tận tình của đồng chí công chức Tư pháp – Hộ tịch của  xã, anh Quang, chị Mai hiểu thêm và ngay ngày hôm sau, anh Quang đã thu xếp công việc về quê xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.