Lối mở để kinh tế tư nhân tăng trưởng bền vững

Admin
Trong bối cảnh biến động nhanh của kinh tế thế giới, Việt Nam cần quan tâm đúng mức tới phát triển nội lực, trong đó khu vực tư nhân đóng vai trò trung tâm.

Ngày 10/4, Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương và Ủy Ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 với chủ đề "Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới".

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Phạm Hồng Chương – Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, năm 2024 là một năm đầy biến động với nền kinh tế toàn cầu.

GS.TS. Phạm Hồng Chương cho rằng: "Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và duy trì sự phát triển dài hạn, Việt Nam cần một hệ thống pháp luật kinh tế và chính trị phù hợp, bao trùm, minh bạch và tạo điều kiện cho mọi thành phần tham gia vào hoạt động kinh tế".

Tăng cường vai trò của khu vực tư nhân trong xây dựng chính sách

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam năm 2024 ghi nhận những dấu hiệu phục hồi sau giai đoạn suy giảm, câu chuyện về cải cách thể chế và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết nhằm tái thiết tăng trưởng bền vững. 

Dẫn báo cáo của nhóm nghiên cứu, GS.TS. Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, hệ thống pháp luật kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều đổi mới trong gần bốn thập kỷ qua, song vẫn tồn tại không ít bất cập. 

Lối mở để kinh tế tư nhân tăng trưởng bền vững- Ảnh 1.

Hệ thống pháp luật kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại không ít bất cập, kinh tế tư nhân vẫn bị "lép vế".

Ông lưu ý rằng tính minh bạch, thống nhất và khả năng vận hành của một số quy định pháp luật vẫn còn bất cập ở một số địa phương, nhất là trong đăng ký kinh doanh và thủ tục phá sản. 

Đồng thời, ông cho rằng sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình xây dựng pháp luật đã được thể chế hóa nhưng còn mang tính hình thức, thiếu cơ chế phản hồi hiệu quả. Do đó, ông nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong việc tham gia xây dựng chính sách cần được phát huy sâu sắc hơn nữa.

Tạo lập môi trường kinh doanh công bằng và hiệu quả

Ở góc độ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, GS.TS. Ngô Thắng Lợi - Giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra một số tiến bộ đáng kể kể từ Đổi mới đến nay, đặc biệt giai đoạn sau năm 2000 với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. 

Tính đến nay, Việt Nam có trên 900.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh tư nhân, đóng góp khoảng 43% GDP, 85% lực lượng lao động và hơn 50% vốn đầu tư xã hội.

Tuy vậy, khu vực kinh tế tư nhân vẫn gặp phải nhiều "nút thắt" kéo dài, như phân biệt đối xử trong chính sách thuế, tiếp cận vốn, đất đai, thông tin và cơ hội đầu tư. 

Một tồn tại đáng chú ý là tư duy hiện nay vẫn chưa thực sự công nhận kinh tế tư nhân như một "lực lượng chiến lược" đúng nghĩa. Chính điều này khiến nhiều chính sách hỗ trợ bị chia cắt, thiếu liên kết và chưa tạo ra môi trường đủ thuận lợi cho sự phát triển của khu vực tư nhân.

Lối mở để kinh tế tư nhân tăng trưởng bền vững- Ảnh 2.

Quang cảnh buổi hội thảo khoa học quốc gia.

Trước những thách thức nói trên đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải cách toàn diện và thực chất, vị chuyên gia cho biết tập trung vào 3 nhóm trụ cột.

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế, đảm bảo tính minh bạch, khả thi, giảm chi phí tuân thủ, đồng thời tăng cường sự tham gia thực chất của doanh nghiệp và người dân trong quá trình xây dựng chính sách.

Thứ hai, tạo lập môi trường kinh doanh công bằng và hiệu quả, trong đó doanh nghiệp tư nhân được đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, cạnh tranh minh bạch và hưởng lợi từ các chính sách phát triển tương tự như các thành phần kinh tế khác.

Thứ ba, tái cấu trúc bộ máy quản lý Nhà nước theo hướng tinh gọn và kiến tạo, từ bỏ tư duy "quản thay" để chuyển sang vai trò "định hướng – hỗ trợ – tạo điều kiện" cho doanh nghiệp phát triển. Cùng với đó là tăng cường phân quyền, xã hội hóa dịch vụ công và phát triển các định chế độc lập.

Tăng trưởng chỉ là "lâu đài trên cát" nếu...

Trình bày tại hội thảo, TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đưa ra nhận định rằng trong bối cảnh biến động nhanh của kinh tế thế giới, Việt Nam cần quan tâm đúng mức tới phát triển nội lực, trong đó khu vực tư nhân đóng vai trò trung tâm.

Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng "Tháo chốt", khơi thông điểm nghẽn của kinh tế tư nhânLấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế

"Nếu không có cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ nhà đầu tư thiểu số, quyền sở hữu được đảm bảo và tư pháp độc lập, thì tăng trưởng chỉ là lâu đài trên cát", ông Tự Anh nhấn mạnh.

Ông cho rằng, các trụ cột truyền thống như FDI và xuất khẩu vẫn đóng vai trò lớn nhưng có thể bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Do đó, củng cố sức mạnh khu vực tư nhân trong nước sẽ là giải pháp chủ động và hiệu quả. 

Thay vì những cải cách hành chính bề mặt, cần chuyển sang tư duy thể chế hiện đại – lấy khu vực tư nhân làm trung tâm, tăng cường minh bạch, bình đẳng và năng lực Nhà nước thực thi hiệu quả.

TS. Đức Anh bày tỏ kỳ vọng, với sự quyết tâm đồng bộ từ hệ thống chính trị, khu vực kinh tế tư nhân sẽ tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, đóng góp mạnh mẽ cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã công bố Ấn phẩm "Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024", bao gồm các nghiên cứu phân tích chuyên sâu về Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025 thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới.