Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 và 2030, kinh tế số sẽ đóng góp tương ứng 20% và 30% GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025 và tăng lên gấp đôi vào năm 2030. Việt Nam sẽ nằm trong số 30 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh và đổi mới sáng tạo vào cuối thập kỷ này.
Phát triển hạ tầng và sớm thương mại hóa mạng di động 5G được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phục vụ quá trình chuyển đổi số, tạo tiền đề phát triển kinh tế số.
Theo ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số, Tổng Công ty viễn thông Mobifone, mục tiêu chung của chuyển đổi số là tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tăng năng suất lao động, hiệu suất làm việc và nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng.

Chuyển đổi số không đơn thuần là việc dùng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế xã hội mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến hiện đại.
Trong đó trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây (cloud) đang trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Các thế hệ băng tần trước đây như 3G, 4G chủ yếu cung cấp dịch vụ điện thoại, dữ liệu di động. Nhưng 5G với những tính năng đột phá như tốc độ trao đổi thông tin lớn, độ trễ thấp và đặc biệt khả năng kết nối thiết bị IoT phục vụ công nghiệp 4.0 và thành phố thông minh, sẽ tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới và nguồn doanh thu mới cho các nhà mạng khi triển khai công nghệ này.
Ông Hoàng Viết Tiến, Phó Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, để chuyển đổi số thành công, cần có sự hợp tác của các bên, gồm nhà quản lý, nhà mạng, đơn vị cung cấp giải pháp và người dùng cuối.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước cần ban hành các nghị định thông tư, hướng dẫn cụ thể và phù hợp; đơn vị cung cấp giải pháp và hạ tầng cần đưa ra các giải pháp thân thiện với người dùng; người dùng cuối cần có sự hỗ trợ sử dụng.
Các chuyên gia cho rằng, việc triển khai dịch vụ 5G là một nhân tố tích cực trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế số, cung cấp nền tảng cho các doanh nghiệp và tổ chức áp dụng công nghệ số; đồng thời giúp cải thiện chất lượng cuộc sống con người (giải pháp 5G cho thành phố thông minh, cho ô tô tự lái…).
Một điểm đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa nữa là dịch vụ 5G có thể đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến cho sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh, robot công nghiệp.
Theo Kế hoạch nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động Việt Nam đến năm 2025 đã được phê duyệt, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ mục tiêu: Triển khai hiệu quả thương mại hóa 5G với 100% các tỉnh, thành phố có sóng dịch vụ 5G. 100% các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga, cảng biển, sân bay quốc tế có sóng dịch vụ 5G.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, ngoài Viettel đang lắp đặt trạm thu phát sóng (BTS) 5G, VNPT cũng đang gấp rút hoàn thành lắp đặt 500 trạm BTS tại địa bàn Thủ đô trong tháng 10-2024. Tại Hà Nội, Viettel đăng ký lắp đặt 1.500 trạm BTS 5G trong quý IV-2024. Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Đào Xuân Vũ, Viettel lắp đặt khoảng 6.000-7.000 trạm BTS 5G trên cả nước để chính thức khai trương dịch vụ 5G.
Viettel là doanh nghiệp có nhiều thuận lợi về cơ chế trong triển khai các dự án đầu tư hạ tầng. Do vậy, việc Viettel sớm cung cấp dịch vụ 5G trên toàn quốc là không bất ngờ. Nhưng khi Viettel chính thức cung cấp dịch vụ này sẽ là cú hích rất mạnh buộc các nhà mạng còn lại (VNPT/VinaPhone, MobiFone) phải đẩy nhanh tiến độ khai trương dịch vụ 5G, nếu không muốn thuê bao của mình, nhất là khách hàng quan trọng, khách hàng trẻ chuyển sang dùng mạng Viettel.