Dự trữ dầu của Cộng hòa Séc đã giảm 1/3 kể từ khi nguồn cung dầu thô qua đường ống Druzhba dừng lại vào ngày 4/3, khiến quốc gia thành viên EU này chỉ còn đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu trong 60 ngày, cổng thông tin iDNES.cz đưa tin hồi đầu tháng này.
Theo trang tin, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Séc Jozef Sikela tuyên bố rằng việc giao hàng qua đường ống Druzhba đã bị dừng lại do các vấn đề xử lý thanh toán giữa khách mua dầu và nhà cung cấp Nga, phát sinh do gói trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Moscow.
Để phản ứng, các nhà chức trách Séc đã cung cấp cho các nhà máy lọc dầu của đất nước, nơi vốn lâu nay có nguồn đầu vào là dầu thô của Nga, 330.000 tấn dầu thô – chiếm khoảng 1/3 tổng khối lượng dự trữ của nhà nước.
Kể từ khi bị mất nguồn cung từ Nga đến nay, các nhà máy lọc dầu ở Cộng hoà Séc đã sử dụng một nửa lượng dầu thô do chính phủ phân bổ, iDNES.cz cho biết.

Đường ống TAL vận chuyển dầu từ cảng Trieste của Italy đến miền nam nước Đức, nơi dầu được kết nối với đường ống IKL dẫn đến Cộng hòa Séc. Ảnh: ET Energy World
Tuy nhiên, tình hình có vẻ không quá đáng lo ngại khi quốc gia thành viên EU nội lục ở Trung Âu này đang chuẩn bị tiếp nhận dầu qua Đường ống Trans Alpine (TAL) từ giữa tháng 4, sau khi mở rộng đáng kể công suất.
Việc nâng cấp đường ống TAL, chạy từ Italy đến Đức trước khi bơm dầu vào một đường ống kết nối, sẽ tăng gấp đôi công suất có sẵn cho Cộng hòa Séc lên 8 triệu tấn một năm, đủ cho nhu cầu hàng năm của nước này, Reuters đưa tin hồi đầu năm nay.
Theo iDNES.cz, Orlen Unipetrol – công ty cổ phần của Séc do công ty dầu mỏ Ba Lan Orlen sở hữu có các nhà máy lọc dầu ở Cộng hoà Séc – đã cam kết bổ sung 330.000 tấn dầu được vay từ các kho dự trữ của nhà nước vào cuối tháng 8.
Điều đó nghĩa là, trong vòng 5 tháng, khối lượng nguồn năng lượng này trong các kho dự trữ sẽ được khôi phục về mức tiêu chuẩn cần thiết để đảm bảo tiêu thụ trong 90 ngày.
Cộng hòa Séc đã nỗ lực "cai nghiện" năng lượng của Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022.
Năm 2024, nước này đã nhập khẩu 42% tổng lượng dầu thô mua vào thông qua đường ống Druzhba nhưng không có hợp đồng trực tiếp với các nhà cung cấp của Nga.
Prague có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn nguồn cung năng lượng này từ Nga trong năm nay, khi đường ống TAL có khả năng đáp ứng toàn bộ nhu cầu dầu mỏ của các nhà máy lọc dầu trên khắp đất nước.
Minh Đức (Theo TASS, Reuters)