Mới đây, trên chuyến bay hành trình từ Tp.HCM ra Hà Nội ngày 19/5, đã bất ngờ gặp sự cố rung lắc mạnh khi đang trong hành trình.
Hình ảnh do hành khách ghi lại lan truyền trên mạng xã hội cho thấy thức ăn, khăn giấy, ly nhựa vương vãi khắp sàn, nhiều hành khách hoảng loạn, ôm chặt thành ghế.
Sau khi máy bay ổn định trở lại, tổ bay thông báo nguyên nhân là do máy bay đi vào vùng nhiễu động không khí mạnh.
Cục Hàng không Việt Nam cũng đã xác nhận với báo chí có sự cố một chuyến bay này gặp nhiễu động khi đang cất cánh. Tuy nhiên, đây là tình huống bất khả kháng trong hoạt động hàng không. Chuyến bay đã hạ cánh an toàn.

Chuyến bay bất ngờ rung lắc mạnh, đồ ăn nước uống rơi xuống sàn khiến nhiều khách lo lắng (Ảnh: Mạng xã hội).
Trên thực tế, ngành hàng không thế giới từng xảy ra nhiều trường hợp máy bay gặp nhiễu động không khí. Ở Việt Nam, lần gần nhất xảy ra hiện tượng này là vào năm 2019 khi máy bay Airbus A320 của Bamboo Airways số hiệu QH212, khởi hành từ Tp.HCM đi Hà Nội, trong lúc đang bay ở độ cao 31.000 feet (xấp xỉ 9.449m), đã gặp vùng nhiễu động trời trong khiến máy bay bị rung lắc. Toàn bộ đồ ăn rơi xuống sàn máy bay.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - Chủ nhiệm ngành Kỹ thuật Hàng không, Trường Đại học Văn Lang (Chuyên gia hàng không) cho biết hiện tượng nhiễu động không khí không phải là hiện tượng lạ trong ngành hàng không, thường xuất hiện do sự thay đổi nhiệt độ không khí ở các độ cao khác nhau, tạo thành những vùng có dòng khí đi lên hoặc đi xuống. Đặc biệt, khi gặp luồng khí đi xuống mạnh, máy bay có thể bị sụt độ cao bất ngờ, khiến hành khách cảm giác như bị rơi tự do giữa không trung.
"Đây là chuyện bình thường của ngành hàng không, do yếu tố bất khả kháng của thời tiết chứ không phải do yếu tố kỹ thuật. Ngay cả khi trời quang mây tạnh, vẫn có thể gặp phải hiện tượng này. Khi tôi đi máy bay cỡ nhỏ chỉ chở được 4 khách ở Pháp, dù bay rất thấp quanh thành phố cũng gặp phải hiện tượng này, nó không khác gì gặp phải "ổ gà" ở trên đường bộ", ông Tống cho biết.
Về mức độ uy hiếm an toàn bay, chuyên gia này cho biết, trong thiết kế máy bay, các kỹ sư đã tính toán về sức bền, kết cấu cánh và vỏ máy bay để bảo đảm an toàn ngay cả khi gặp phải nhiễu động. Bên cạnh đó, phần lớn các nhiễu động là nhẹ, nên không ảnh hưởng đến an toàn bay. Tuy nhiên, nếu đang trong lúc phục vụ bữa ăn, đồ đạc, thức ăn, đồ uống có thể bị hắt tung lên, khiến hành khách cảm thấy bàng hoàng, sợ hãi, chóng mặt hoặc buồn nôn", ông Tống cho biết.
Ông Tống cho biết thêm, hiện nay ngành hàng không đã có những phương tiện dự báo nhiễu động, có thể phát hiện các dòng khí bất ổn từ xa. Phi hành đoàn có thể chủ động điều chỉnh độ cao, đổi hướng bay hoặc cảnh báo hành khách trước khi đi vào vùng có nguy cơ để giảm thiểu rủi ro. Việc các hãng bay khuyến nghị hành khách luôn thắt dây an toàn là để phòng các trường hợp như vậy.
Để bảo đảm an toàn nếu gặp hiện tượng nhiễu động không khí, chuyên gia này cho rằng phi công được huấn luyện bài bản để xử lý tình huống, và luôn nhận cảnh báo từ các đài kiểm soát không lưu hoặc thiết bị radar tích hợp để xử lý an toàn, do đó việc tuân thủ hướng dẫn của phi hành đoàn là yêu cầu tiên quyết.
"Khi máy bay gặp nhiễu động không khí, hành khách cần giữ bình tĩnh và tuân thủ một số nguyên tắc an toàn cơ bản. Trước hết, hãy luôn thắt dây an toàn khi ngồi, kể cả khi đèn báo chưa sáng, để tránh chấn thương do rung lắc bất ngờ. Tuyệt đối không đi lại trong khoang hay sử dụng nhà vệ sinh trong thời gian nhiễu động.
Hành khách cũng nên cất gọn các vật dụng xách tay, tránh để đồ rơi văng trong cabin. Nếu có thông báo từ tổ bay, hãy nghe kỹ và làm theo hướng dẫn. Trong mọi trường hợp, giữ thái độ bình tĩnh và trấn an người đi cùng là điều cần thiết", ông Tống nói.