Ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội nhận định, lượng khách đi tàu Nhổn – Cầu Giấy phần lớn là người dân có nhu cầu đi học, đi làm. Điều đó cho thấy lượng hành khách trên tuyến này có khả năng sẽ đông hơn hẳn tuyến số 2A.
Tuyến đường sắt trên cao đoạn từ Nhổn đến Cầu Giấy gồm 8 ga. Tên gọi chính thức của 8 nhà ga được đặt theo vị trí địa lý mà tuyến đi qua, gồm: ga Nhổn, ga Minh Khai, ga Phú Diễn, ga Cầu Diễn, ga Lê Đức Thọ, ga Đại học Quốc gia, ga Chùa Hà, ga Cầu Giấy.
Các ga trên tuyến cũng được thiết kế để kết nối với điểm dừng xe buýt gần nhất với khoảng cách từ 0 - 50m để thuận tiện cho người dân.
Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội, dọc tuyến Nhổn - Ga Hà Nội sẽ có 36 tuyến buýt hoạt động kết nối để phục vụ người dân đi lại thuận tiện. Trong đó, có 33 tuyến trợ giá gồm: Tuyến số 05, 07, 09A, 09B, 13, 16, 20A, 20B, 24, 26, 27, 28, 29, 32, 34, 38, 39, 49, 51, 55A, 55B, 57, 90, 92, 105, 117, 146, 161, 162, 163, E05, 56A, 96 và 3 tuyến không trợ giá: Tuyến số 70A, 70B, 70C.
Sáng ngày 8/8, đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội với chiều dài 8,5km, từ ga S1 - S8 đã chính thức được đưa vào khai thác, phục vụ người dân miễn phí trong vòng 15 ngày.
Sau 15 ngày miễn phí, tuyến Nhổn - ga Hà Nội sẽ áp dụng chính sách giá vé tương tự tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Cụ thể, giá vé 8.000 đồng là thấp nhất và đi cả tuyến là 12.000 đồng, đi cả ngày không giới hạn số tuyến là 24.000 đồng. Giá vé phổ thông 200.000 đồng/tháng; học sinh, sinh viên 100.000 đồng/tháng; với tập thể từ 30 người mua trở lên, giá vé là 140.000 đồng.